Đe dọa mới của Trump với Trung Quốc
Việc Trump liên tục áp thuế quan đối với Trung Quốc được cho là nhằm gây sức ép buộc Bắc Kinh tuân thủ bảo vệ sở hữu trí tuệ, giảm thặng dư thương mại với Mỹ...
Các doanh nghiệp và người dân Mỹ có thời hạn đến ngày 6/9 để đưa ra ý kiến của mình về kế hoạch áp thuế quan bổ sung đối với 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, bao gồm hàng nghìn mặt hàng từ gậy chụp ảnh selfie cho đến các thiết bị bán dẫn.
Sau thời hạn nói trên, Trump vẫn chưa có động thái nào về gói thuế quan nói trên, nhưng lại cảnh báo sẽ áp gói thuế quan bổ sung đối với 267 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, gói thuế này khác với gói 200 tỷ USD.
Chia nhỏ để áp thuế
Giới quan sát nhận định ông Trump sẽ chốt kế hoạch đánh thuế 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào tuần này, nhưng sẽ chờ thêm một thời gian mới chính thức thực thi.
Có thể bạn quan tâm
Dự định áp 200 tỷ USD thuế mới lên Trung Quốc, Trump muốn... nâng tầm chiến tranh thương mại?
07:15, 01/09/2018
Chiến tranh thương mại đang "gặm nhấm" doanh nghiệp toàn cầu
04:30, 30/08/2018
Trump sử dụng chiến tranh thương mại để củng cố quyền lực?
11:49, 27/08/2018
Doanh nghiệp Trung Quốc “đổ bộ” vào Thái Lan để né chiến tranh thương mại
11:30, 26/08/2018
Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung: “Kẻ tám lạng, người nửa cân”
11:00, 17/08/2018
Hai kịch bản chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
13:30, 10/08/2018
Nội bộ Trung Quốc "rạn nứt" vì chiến tranh thương mại
11:00, 10/08/2018
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Cơ hội của cá ngừ Việt
11:05, 06/08/2018
Hồi giữa tháng 6 vừa qua, chính quyền Trump quyết định áp thuế đối với 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, nhưng phải 3 tuần sau mới thực hiện đánh thuế 34 tỷ USD hàng hóa trong số này. 16 tỷ USD hàng hóa còn lại phải đến tháng 8 mới bắt đầu bị áp thuế.
Một khi được triển khai, kế hoạch đánh thuế 200 tỷ USD hàng Trung Quốc sẽ đánh dấu một bước leo thang mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thuế bổ sung áp lên các mặt hàng trong danh sách này dự kiến dao động trong khoảng 10-25%. Về phần mình, Trung Quốc đã tuyên bố sẽ trả đũa kế hoạch trên bằng cách áp thuế lên 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ.
Nội bộ Mỹ bị chia rẽ?
Chính quyền Trump đang yêu cầu phía Trung Quốc phải mở cửa thị trường hơn nữa cho các doanh nghiệp Mỹ, tuân thủ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp Mỹ, cắt giảm trợ cấp nhà nước cho ngành công nghiệp và giảm thặng dự thương mại với Mỹ đang ở mức quá cao (khoảng 375 tỷ USD trong năm 2017).
Đòi hỏi này cho thấy, phái "diều hâu" về thương mại đang chiếm ưu thế ngày càng lớn trong chính quyền Trump. Theo đó, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro muốn hành động nhanh để giải quyết dứt điểm xung đột thương mại với Trung Quốc, trong khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow muốn có thêm thời gian.
Theo nhận định của ông Edward Alden, chuyên gia cấp cao thuộc Hội đồng Đối ngoại Mỹ, thành công của ông Lighthizer với NAFTA có thể dẫn tới việc đàm phán thương mại với Trung Quốc sẽ được giao cho vị đại diện thương mại này. Nếu như vậy, nhiều khả năng đàm phán thương mại Mỹ- Trung sẽ đạt được bước tiến thực sự… hoặc ít nhất cũng mở ra cánh cửa cho một cuộc đàm phán thực sự với Trung Quốc, điều mà đến nay vẫn chưa có được.
Cuộc chiến chưa có điểm dừng
Trong cuộc trả lời phỏng vấn Reuters mới đây, ông Trump nói rằng việc giải quyết chiến tranh thương mại với Trung Quốc sẽ “chưa có khung thời gian” cho việc kết thúc cuộc chiến này.
Ngày 31/8 vừa qua, Trung Quốc kêu gọi chính quyền Trump không triển khai kế hoạch áp thuế quan bổ sung đối với 200 tỷ USD hàng hóa của nước này. “Mỹ nên lưu ý lời kêu gọi của doanh nghiệp và người tiêu dùng ở cả hai nước, cũng như mối liên hệ mật thiết với chuỗi cung ứng và lợi ích căn bản của người dân 2 nước trong việc đưa ra quyết định đúng đắn", Bloomberg dẫn lời phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng tại một cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh.
Nhiều khả năng chính quyền Trump sẽ chia nhỏ gói thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Theo đó, Trung Quốc có thể sẽ đáp trả Mỹ và chưa chịu nhượng bộ trước yêu cầu của Mỹ. Động thái trả đũa nhau của 2 quốc gia này sẽ tiếp tục kéo dài, khiến cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung chưa có điểm dừng.
TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Việt Nam cần chủ động ứng phó với chiến tranh thương mại Trong điều kiện doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu giá rẻ để xuất khẩu thì đó là lợi thế. Cụ thể, xung đột thương mại Mỹ- Trung sẽ giúp Việt Nam có cơ hội gia tăng xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Vấn đề đặt ra là làm sao Việt Nam phải thay thế được một phần vào sự thiếu hụt do hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ bị chặn lại bởi thuế quan. Bởi vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu thị trường Mỹ, đặc biệt với các loại hàng hóa trong danh mục bị áp thuế, để đa dạng danh mục xuất khẩu vào Mỹ; đồng thời cần tiếp cận nhanh với các nhà đầu tư FDI lớn tại Trung Quốc để xúc tiến đầu tư vào Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam cần nghiên cứu sâu hơn danh mục một số hàng hóa của Trung Quốc có thể nhập vào Việt Nam khi xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ bị hạn chế để có cách thức đối phó và kiểm soát phù hợp. Song song đó, các doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị phương án phòng vệ thương mại với Mỹ khi chiến tranh thương mại lan rộng. |