[Quan hệ Mỹ - Triều] Bài cuối: Mô hình nào cho Triều Tiên?

Việt Nga 22/02/2019 06:30

Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cần phải đưa ra nhiều nhượng bộ để có thể đạt được một bước tiến mới tại Hà Nội.

Kể từ cuộc gặp lịch sử lần đầu tiên tại Singapore vào tháng 6 năm ngoái, cả hai bên đã tạo ra được chuyển biến mới mà có lẽ ấn tượng nhất trong lịch sử quan hệ 2 nước khi tránh xa bờ vực chiến tranh và từng bước xây dựng sự tin tưởng nhờ các nỗ lực truyền thông cũng như ngoại giao chuyên sâu.

Nhiều thách thức đang chờ đón

Mặc dù cuộc gặp tại Singapore được xem là một dấu mốc lịch sử trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước, tuy nhiên theo giới quan sát, tại Hội nghị lần 1, kết quả đạt được của cả hai phía là không đáng kể.

Điều này đã làm dấy lên những hoài nghi đối với Hội nghị Thượng đỉnh lần 2 nói riêng cũng như chính sách về Triều Tiên của chính quyền Tổng thống Trump nói chung.

Tại Hà Nội tới đây, nhiệm vụ quan trọng nhất giữa hai nhà lãnh đạo là làm sao tìm được tiếng nói chung về vấn đề phi hạt nhân hóa.  

Washington coi phi hạt nhân hóa là loại bỏ tất cả các loại vũ khí hạt nhân, thiết bị, vật liệu, cơ sở hạt nhân và hệ thống tên lửa đạn đạo tại Triều Tiên.

Trái lại, Bình Nhưỡng xem phi hạt nhân hóa là loại bỏ hoàn toàn khí tài chiến lược của Mỹ, vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ và vũ khí có khả năng mang hạt nhân, thậm chí cả sự hiện diện quân sự của Mỹ trên Bán đảo Triều Tiên.

Có thể bạn quan tâm

  • [Quan hệ Mỹ - Triều] Bài I: Ngược dòng lịch sử

    [Quan hệ Mỹ - Triều] Bài I: Ngược dòng lịch sử

    06:00, 20/02/2019

  • [Quan hệ Mỹ - Triều] Bài 2: Gập ghềnh đường đến Singapore

    [Quan hệ Mỹ - Triều] Bài 2: Gập ghềnh đường đến Singapore

    06:30, 21/02/2019

  • Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều 2 khẳng định vai trò tích cực và trách nhiệm của Việt Nam

    Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều 2 khẳng định vai trò tích cực và trách nhiệm của Việt Nam

    14:20, 20/02/2019

  • Chuyên gia nói gì về Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội?

    Chuyên gia nói gì về Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội?

    06:30, 20/02/2019

  • Hạt nhân: Tâm điểm của Thượng đỉnh Mỹ - Triều

    Hạt nhân: Tâm điểm của Thượng đỉnh Mỹ - Triều

    11:00, 15/02/2019

  • Điều gì quyết định Thượng đỉnh Mỹ - Triều?

    Điều gì quyết định Thượng đỉnh Mỹ - Triều?

    11:00, 13/02/2019

  • Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai: Con đường không dễ đi

    Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai: Con đường không dễ đi

    06:00, 11/02/2019

Đối với Triều Tiên, chấm dứt sự hiện diện quân sự của Mỹ trùng khớp với định nghĩa về hòa bình của nước này. Ngược lại, Mỹ cho rằng hòa bình thực sự là chấm dứt tình trạng thù địch với Bình Nhưỡng trong khi vẫn duy trì liên minh mạnh mẽ với Triều Tiên và có quân đội trên Bán đảo Triều Tiên.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên ở Singapore hồi tháng 6 năm ngoái. Ảnh: Reuters.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên ở Singapore tháng 6/2018

Bên cạnh việc thống nhất khái niệm “thế nào là phi hạt nhân hóa” thì một vấn đề không kém phần quan trọng là trả lời câu hỏi, nếu đồng ý phi hạt nhân hóa, lộ trình thực hiện ra sao?

Việc phác thảo thời gian biểu cụ thể cho đến khi vũ khí hạt nhân bị loại bỏ hoàn toàn và đưa ra những điều kiện thiết lập nền hòa bình vĩnh viễn sẽ tạo ra một thỏa thuận có ý nghĩa chưa từng có.

Công việc có được hoàn thành theo đúng thời hạn đặt ra hay không là một vấn đề khác, nhưng lộ trình này sẽ cung cấp cho mỗi bên khả năng đoán định và kết hợp tất cả những vấn đề nổi bật trong một khuôn khổ mà cả Mỹ và Triều Tiên đều hiểu rõ. Điều này đóng vai trò tiên quyết cho việc hoàn thành từng mục tiêu nhỏ cho đến khi đạt được mục tiêu lớn.

Trong trường hợp thỏa thuận như vậy không ký kết được tại Hội nghị tới đây, hai nhà lãnh đạo sẽ có khuynh hướng ra một tuyên bố nhỏ nhưng tiềm năng hơn để chứng tỏ rằng đã có nhiều tiến bộ đạt được trong quá trình thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận tại Hội nghị lần 1.

Theo các nhà phân tích, thỏa thuận này cần phải được gắn liền với một tiến trình ngoại giao đi kèm bằng văn bản để các nhà đàm phán hai bên đánh giá việc thực hiện lộ trình đã đề ra sau Hội nghị lần 2.

Thông báo được đưa ra từ các cuộc đàm phán theo lộ trình sẽ giúp công chúng và thế giới tin tưởng rằng Bình Nhưỡng đã giữ đúng cam kết hành động hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn.

Cần phải nhắc lại rằng, thiết lập nền hòa bình vĩnh viễn trên Bán đảo Triều Tiên không chỉ phụ thuộc vào thỏa thuận giữa Mỹ và Triều Tiên mà còn phụ thuộc vào những bên liên quan khác như Trung Quốc và Hàn Quốc.

Cho dù đó là đòi hỏi chấm dứt Hiệp định đình chiến hay xây dựng Hiệp ước hòa bình thì vẫn cần sự nhất trí và hợp tác của nhiều bên.

Do vậy, giới quan sát hy vọng Hội nghị Thượng đỉnh lần 2 tại Việt Nam sẽ mở đường cho việc thiết lập một tiến trình mới, xác định lợi ích chung và thu hẹp bất đồng của tất cả các bên liên quan.

Triều Tiên có mở cửa nền kinh tế?

Sau Hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên giữa Mỹ và Triều Tiên vào tháng 6 năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định ông tin rằng Triều Tiên có thể tham khảo con đường phát triển kinh tế của Việt Nam. Ông Pompeo nhấn mạnh: "Phép màu này có thể là của các bạn".

Có lẽ nhận định này của ông Pompeo không phải là không có cơ sở. Kể từ khi ông Kim lên nắm quyền vào năm 2011, Triều Tiên vẫn âm thầm tiến hành các cải cách kinh tế trong giới hạn, cho phép công dân làm nông nghiệp và công nghiệp để tự tạo ra lợi nhuận.

Đặc biệt, tình hình trên bán đảo Triều Tiên đã có những tiến bộ vượt bậc trong năm 2018 và thay vì căng thẳng chính trị, Bình Nhưỡng đã chuyển sang tập trung vào phát triển kinh tế.

Nền kinh tế Triều Tiên vẫn là ẩn số với bên ngoài

Nền kinh tế Triều Tiên vẫn là ẩn số với bên ngoài

Các chuyên gia kinh tế Việt Nam nhận định, có một số tương đồng giữa Việt Nam những năm 1980 và Triều Tiên ngày nay. Khi quá trình Đổi Mới bắt đầu, Việt Nam bị cô lập về ngoại giao bởi một số quốc gia phương Tây, do vậy có rất ít cơ hội tiếp cận với thị trường và các tổ chức tài chính quốc tế.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan - cố vấn cải cách kinh tế cho chính phủ Việt Nam những năm 1990, cho rằng: “Các lãnh đạo khi đó đã nhận ra Việt Nam đang ở trong một cuộc khủng hoảng kinh tế. Cải cách là phương pháp duy nhất để cứu nền kinh tế khỏi sụp đổ”.

Dưới thời Chủ tịch Kim Jong-un, kinh tế Triều Tiên đã tăng trưởng dù còn khiêm tốn sau hàng thập niên trì trệ.

Theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, nền kinh tế quốc doanh Triều Tiên tăng trưởng ước tính 3,9% trong năm 2016, thành tựu xuất sắc nhất trong hơn một thập niên. GDP bình quân đầu người được ước tính dao động từ vài trăm đến 2.000 USD/người/năm.

Theo hãng tin Bloomberg, để hiện đại hóa nền kinh tế cũ kỹ của mình, có lẽ Triều Tiên không cần nhìn xa. Những quốc gia láng giềng là Trung Quốc và Hàn Quốc đều đã chuyển mình từ những nền kinh tế nông nghiệp thành những trung tâm sản xuất lớn của thế giới và giữ vững vị trí này trong vài thập kỷ qua.

Và nếu như chính quyền của ông Kim Jong-un vẫn đang tìm kiếm sự tư vấn từ một quốc gia cách xa hàng nghìn cây số, một quốc gia có cùng lịch sử hiềm khích với Mỹ, đó là Việt Nam.

Theo chuyên gia khởi nghiệp Andray Abrahamian tại Qũy Choson Exchange, Singapore thì: “cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc với một hiệp định rõ ràng đã cho phép vài thập kỷ sau Hà Nội và Washington có thể thiết lập mối quan hệ hợp tác”.

Và vị chuyên gia này cũng kỳ vọng, nếu sau cuộc họp thượng đỉnh tới đây tại Hà Nội, hai bên có thể tìm ra giải pháp kết thúc cuộc chiến tranh này, thì Hà Nội chính là mô hình kinh tế điển hình để Bình Nhưỡng tham khảo.

Nói về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định: "Đa dạng hóa, đa phương hóa mối quan hệ quốc tế, tránh không bị quá phụ thuộc vào một nền kinh tế nào, kinh nghiệm cải cách thể chế, xây dựng các thể chế kinh tế thị trường như hệ thống ngân hàng, điều chỉnh tỷ giá, giá cả, tín dụng,kiểm soát lạm phát v.v. sẽ có ích đối với Bắc Triều Tiên”.

Và dù là vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, hay Bình Nhưỡng mở cửa nền kinh tế, thì việc đầu tiên ông Trump và ông Kim cần làm là thu hẹp bất đồng và xóa bỏ sự mơ hồ tiềm ẩn trong các vấn đề trọng tâm của cuộc đàm phán, trước khi thực hiện bất cứ biện pháp cụ thể nào tiếp theo

Việt Nga