Từ kẻ thù chiến tranh đến cái bắt tay lịch sử kéo dài 12 giây, Mỹ và Triều Tiên đã trải qua chặng đường quá nhiều đầy sóng gió.
Trong lịch sử, mối quan hệ Mỹ - Triều trong hàng thập kỷ qua mang nặng mâu thuẫn với hàng loạt lệnh trừng phạt.
Bên bờ... chiến tranh
Tháng 6/1950, trong khi cộng đồng quốc tế vẫn đang loay hoay giải quyết những hậu quả mà Thế chiến II để lại, một cuộc xung đột mới nổ ra trên bán đảo Triều Tiên giữa một bên là Đại Hàn Dân Quốc và phía bên kia là Triều Tiên.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 15/02/2019
11:00, 13/02/2019
06:00, 11/02/2019
Ngày 25/6/1950, khoảng 135.000 binh sĩ Triều Tiên vượt qua vĩ tuyến 38 để tấn công Hàn Quốc. Cùng ngày, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lên án hành động của Bình Nhưỡng và yêu cầu nước này rút quân ra khỏi vĩ tuyến 38.
Tháng 7/1950, tướng Douglas MacArthur, tư lệnh mặt trận Thái Bình Dương trong Thế chiến II được giao nhiệm vụ chỉ huy cuộc can thiệp quân sự của Mỹ vào Triều Tiên. Vị tướng lừng danh trong Thế chiến II mở đầu cuộc phản công bằng chiến dịch đổ bộ lên Incheon, bất chấp sự phản đối của Lầu Năm Góc.
Cuộc đổ bộ vào Incheon là một thành công lớn của tướng MacArthur khi liên quân Mỹ - Hàn đã chiếm lại Seoul, gây thiệt hại nặng cho quân đội Triều Tiên và đẩy lực lượng này về bên kia vĩ tuyến 38.
Ngày 27/7/1953, Triều Tiên cùng quân tình nguyện Trung Quốc và Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc ký hiệp định đình chiến. Hiệp định đình chiến tạo ra khu phi quân sự (DMZ) với bán kính 2.200 m về mỗi bên tính từ điểm trung tâm.
Mặc dù khu vực phi quân sự đã được hình thành, nhưng mối quan hệ song phương Mỹ - Triều lại chẳng thể yên ả khi hai nước liên tục chạm trán trong các sự kiện căng thẳng.
Vào cuối thập niên 1960, hải quân Mỹ muốn thu thập tin tức tình báo về tàu ngầm của Triều Tiên, cũng như các tàu ngầm tối tân của Liên Xô được cho là đang hoạt động trong khu vực. Washington quyết định sẽ sử dụng tàu do thám cải trang USS Pueblo để thực hiện nhiệm vụ tối mật.
Tháng 1/1968, Triều Tiên bắt tàu USS Pueblo ngoài khơi bờ biển phía Đông của nước này. Một thủy thủ thiệt mạng và 82 người bị bắt. Họ bị giữ ở Triều Tiên 11 tháng và được phóng thích sau khi trưởng đoàn đàm phán Mỹ ký tuyên bố thừa nhận con tàu xâm nhập bất hợp pháp vào lãnh hải Triều Tiên. Con tàu Pueblo hiện còn được trưng bày ở Bình Nhưỡng và cũng là tàu hải quân duy nhất của Mỹ bị nước ngoài giữ.
Triều Tiên bị Mỹ liệt vào danh sách các nước tài trợ khủng bố năm 1988 vì bị nghi dính líu đến vụ đánh bom một chuyến bay dân sự của Hàn Quốc, khiến 115 người thiệt mạng. Động thái này của Washington đã đặt dấu mốc chính thức cho mối quan hệ căng thẳng, thậm chí là đối đầu giữa Mỹ và Triều Tiên.
Đỉnh điểm căng thẳng của mối quan hệ Mỹ - Triều chính là giai đoạn tháng 2 và 3/1993. Tại thời điểm đó, Triều Tiên không cho thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) kiểm tra cơ sở hạt nhân của mình, đồng thời dọa rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Tháng 6/1993, giới chức Washington và Bình Nhưỡng bắt đầu hàng loạt cuộc họp để thương thảo về giải pháp nhưng đến tháng 4/1994, mọi nỗ lực ngoại giao đều rơi vào bế tắc. Mỹ triển khai tên lửa đánh chặn Patriot cũng như tăng cường lực lượng đến diễn tập rầm rộ tại Hàn Quốc.
Triều Tiên phản ứng bằng tuyên bố sẵn sàng cho chiến tranh, đồng thời chuẩn bị chuyển một số thanh nhiên liệu ra khỏi lò phản ứng ở Trung tâm nghiên cứu khoa học hạt nhân Yongbyon để chiết xuất plutonium đủ sản xuất 5 - 6 quả bom nguyên tử.
Các chiến lược gia và giới tướng lĩnh Mỹ bắt đầu phát triển kế hoạch tấn công cơ sở Yongbyon bằng tên lửa hành trình Tomahawk, chiến đấu cơ tàng hình F-117 song song với điều động tàu sân bay đến Hàn Quốc.
Ngoài mục tiêu chính là tổ hợp hạt nhân Yongbyon, Mỹ cũng sẽ triệt phá chốt chỉ huy và các cơ sở pháo binh, tên lửa để giảm thiểu khả năng phản ứng nhanh của Triều Tiên.
Jimmy Carter tháo "ngòi nổ"
Giữa lúc Nhà Trắng đang cân nhắc phương án thì cựu Tổng thống Jimmy Carter bất ngờ liên lạc với phó Tổng thống Al Gore để tỏ ý sẵn sàng đến Triều Tiên tìm kiếm đột phá về ngoại giao. Khi đó, theo chuyên trang History News Network, phần lớn nội các của ông Clinton đều phản đối vì lo ngại ông Carter sẽ tìm cách tiến tới một thỏa thuận quá nhượng bộ Bình Nhưỡng.
Sau những cuộc thảo luận căng thẳng, Tổng thống Clinton đồng ý để ông Carter đến Triều Tiên với hy vọng mang lại một giải pháp xuống thang căng thẳng có thể giữ thể diện cho tất cả. Tuy nhiên, Washington vẫn giới hạn vai trò của ông Carter là “một công dân bình thường có chuyến đi độc lập tới Triều Tiên, không đại diện chính phủ và không có quyền tiến tới bất kỳ thỏa thuận nào”.
Cựu Tổng thống Carter đến Bình Nhưỡng ngày 15/6/1994 và có cuộc gặp riêng với Chủ tịch Kim Nhật Thành vào sáng hôm sau. Trong lúc cuộc gặp đang diễn ra thì Tổng thống Clinton cũng tiến hành cuộc họp “quyết định” với Bộ trưởng Quốc phòng William Perry, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân John Shalikashvili và Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Robert Gallucci.
Khi đó chưa có quyết định cuối cùng liên quan đến kế hoạch tấn công Yongbyon, nhưng nhiều quan chức Mỹ tin rằng ông Clinton đã chuẩn bị ra lệnh khai hỏa.
Trong lúc không khí đang căng thẳng thì Cựu Tổng thống Carter gọi từ Bình Nhưỡng về và yêu cầu được nói chuyện với ông Gallucci. Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Mỹ vô cùng bất ngờ khi nghe cựu tổng thống báo ông không những tự thảo luận với Chủ tịch Kim về một thỏa thuận khung mà còn sẽ thông báo trên truyền hình. Ngay lập tức, ông Gallucci quay lại phòng họp và ngồi cùng các quan chức khác để chứng kiến cuộc họp báo của ông Carter tại Bình Nhưỡng.
Khi đó, phần lớn những nhân vật trong chính quyền Mỹ đều rất giận dữ vì hành động vượt quyền của cựu tổng thống và thậm chí cáo buộc ông “phản bội tổ quốc”. Chính Carter sau đó thừa nhận ông cố gắng đặt Washington vào thế đã rồi để buộc phải làm gì đó hướng tới hòa bình. “Tôi không thể phủ nhận tôi hy vọng điều đó sẽ hoàn thành giải pháp cho cuộc khủng hoảng rất nghiêm trọng”.
Chi tiết nội dung thương thảo giữa ông Jimmy Carter và ông Kim Nhật Thành đến nay vẫn chưa được công bố, nhưng chuyến thăm đã giúp chặn đứng một cuộc chiến tranh tiềm tàng với hậu quả không thể tưởng tượng.
Bài II: Gập ghềnh đường đến Singapore