Hiệu quả của "vũ khí" cách ly xã hội
Mặc dù dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhưng nhiều quốc gia vẫn đang đạt được thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh bằng phương pháp cách ly xã hội.
Từng là tâm dịch "nóng" nhất thế giới, tuy nhiên Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy cho biết, tỉ lệ gia tăng tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này đang giảm dần kể từ ngày 8/3, và trong những ngày gần đây, số ca bệnh nhân mới hàng ngày cũng bắt đầu giảm.
Theo Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza, cách ly xã hội là vũ khí duy nhất đẩy lùi dịch bệnh. Bằng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt mà chính phủ Italy đã thực hiện bao gồm đóng cửa gần như tất cả các cơ sở kinh doanh và dừng mọi hoạt động sản xuất không thiết yếu cũng như hạn chế ra đường ở mức tối đa trên toàn quốc.
Có thể bạn quan tâm
Kinh nghiệm phản ứng trước đại dịch COVID-19 của Đài Loan
20:31, 05/04/2020
Hạ Long (Quảng Ninh): Tăng “giờ giới nghiêm” nhằm ngăn dịch COVID-19
20:47, 05/04/2020
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam gia hạn thẻ bảo hiểm y tế trong thời gian cách ly xã hội
18:23, 02/04/2020
[COVID 19] Trốn cách ly - sự vô ý thức cần lên án, xử phạt mạnh!
11:00, 05/04/2020
Những biện pháp này đã làm giảm sự lây lan của virus, trì hoãn đỉnh dịch, giảm quy mô và sự lan rộng của dịch bệnh trong thời gian lâu hơn để hệ thổng y tế có thể chuẩn bị và xử lý tốt hơn các ca bệnh rõ triệu chứng.
Bên cạnh đó, Italy đã áp dụng chính sách quyết liệt cả trong việc theo dõi và điều tra tiếp xúc lẫn việc tăng cường các biện pháp để chuẩn bị cho sự gia tăng các ca bệnh mới. Tỷ lệ xét nghiệm ở từng khu vực khác nhau, nhưng nhìn chung Italy đã tiến hành nhiều xét nghiệm hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong Liên minh châu Âu (EU).
Tương tự, sau Italy, các quan chức Áo cũng cho biết, tốc độ lây nhiễm mỗi ngày của virus SARS-CoV-2 tại nước này đã giảm đáng kể từ mức 40% tại thời điểm ba tuần trước xuống dưới 10% nhờ vào các biện pháp cứng rắn của Chính phủ như hạn chế đi lại, đóng cửa trường học, cửa hàng.
Đồng thời, các biện pháp cách ly xã hội được Chính phủ nước này áp dụng đã giúp giảm tỷ lệ nhiễm mới xuống dưới 5% mỗi ngày. Trong tuần vừa qua, số ca tử vong mỗi ngày cũng đã giảm liên tục trong 4 ngày liên tiếp.
Thậm chí, ngay tại tâm dịch Mỹ, mặc dù thực tế là các ca nhiễm COVID-19 vẫn đang tăng vọt, một phân tích nhanh được thực hiện trong hai tuần qua cho thấy rằng cách ly xã hội đang thực sự mang lại hiệu quả trên nhiều bang. Ở New York mức tăng trung bình hằng ngày trong tuần qua là 17%, giảm đáng kể so với tỉ lệ bảy ngày trước đó là 58%.
Các chuyên gia nhận định, nếu không có bất kỳ biện pháp nào được thực hiện, sự lây lan của COVID-19 sẽ tăng theo cấp số nhân. Theo đó, cách ly xã hội hiệu quả nhất khi được thực hiện càng sớm càng tốt do tốc độ lây nhiễm bệnh dịch tăng mạnh nhất vào tuần thứ 3.
Giáo sư Barun Mathema thuộc Đại học Y tế Công cộng Mailman của Colombia nhận định, việc bùng phát trở lại của các ca nhiễm SARS-CoV-2 hiện nay tại một số các quốc gia châu Á như Trung quốc có thể cho thấy việc lây nhiễm từ dòng người ồ ạt tới từ các khu vực khác, các trường hợp chưa có biểu hiện bệnh, hoặc trong bối cảnh siêu lây nhiễm của các ca bệnh không có triệu chứng.
Do đó, nếu người dân tuân thủ tốt cách ly xã hội và chính quyền các nước áp dụng lệnh phong tỏa và cấm du lịch một cách nghiêm ngặt, việc thực hiện cách ly sẽ giúp dễ kiểm soát sự phát tán của virus.
Mặc dù các biện pháp phong tỏa và cách ly xã hội đang ảnh hưởng lớn đến thu nhập của các cá nhân, gia đình, các nền kinh tế và các quốc gia, nhưng nếu các nước vội vã dỡ bỏ biện pháp giãn cách xã hội, số trường hợp nhiễm mới có thể tăng trở lại và tác động kinh tế có thể còn nghiêm trọng và kéo dài hơn.
Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn khuyến cáo chính phủ các nước phải tính toán các biện pháp đối phó theo từng bước, phụ thuộc tình hình dịch bệnh. Một số nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra, không có biện pháp nào được thực hiện riêng biệt đem lại hiệu quả như khi chúng được kết hợp với nhau.
Điều này có nghĩa là bên cạnh việc giãn cách xã hội, giảm tương tác cộng đồng, các chính phủ cần quyết liệt cả trong việc theo dõi và điều tra tiếp xúc lẫn việc tăng cường các biện pháp để chuẩn bị cho sự gia tăng các ca bệnh mới; tăng cường xét nghiệm diện rộng để nhanh chóng phát hiện và điều trị bệnh COVID-19 từ những giai đoạn đầu.
COVID-19 vẫn là dịch bệnh có những diễn biến nguy hiểm và khó lường. Để tránh những tổn thất không cần thiết và giảm gánh nặng lên hệ thống chăm sóc y tế, các biện pháp can thiệp là cần thiết trước khi bệnh diễn biễn xấu hơn.