25 năm quan hệ Việt - Mỹ (Kỳ II): Định hình tương lai qua các con số
Việt Nam- Hoa Kỳ đã cùng nhau khép lại quá khứ, hướng về tương lai, bức tranh u ám về những tháng ngày đau thương dần được phủ lên gam màu mới.
Căng thẳng địa chính trị khu vực Châu Á- Thái Bình Dương và đại dịch COVID-19 diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mỹ. Nhưng trong khó khăn, quan hệ Việt - Mỹ càng trở nên gắn bó hơn.
Viên gạch đầu tiên
Đúng 5 năm sau ngày Việt-Mỹ tuyên bố “bình thường hóa quan hệ”, trung tuần tháng 7/2000, tại thủ đô Washington, Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ (BTA) được ký kết và nhanh chóng có hiệu lực sau 6 tháng.
Phải nói rằng, thời điểm đầu thế kỷ XXI, BTA được xem là Hiệp định tân tiến, kiểu mới và bao quát nhất. Cho đến nay, BTA chính là “cửa ngõ” trong quan hệ giữa hai nước. Bằng chứng là từ khi bình thường hóa quan hệ đến năm 2000, kim ngạch thương mại hai chiều chỉ tăng từ 450 triệu USD lên 1,09 tỷ USD.
Nhưng kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, kim ngạch thương mại hai chiều tăng đều đặn, bình quân 20%/năm; đến năm 2019 đạt 75,72 tỷ USD, gấp 75 lần so với năm 2000. Năm 2019, Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam khi chiếm 28,5% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa.
Việt Nam luôn xem nguồn vốn FDI từ phương Tây, trong đó có Mỹ, là nguồn vốn chất lượng, cam kết rõ ràng, ít xảy ra rủi ro. Đến hết năm ngoái, Mỹ đầu tư vào Việt Nam 11 tỷ USD, đứng thứ 11 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tuy thứ hạng không cao nhưng phần lớn doanh nghiệp Mỹ chọn phương thức đầu tư 100% vốn. Đặc biệt, những thương hiệu đẳng cấp như CocaCola, Intel, PepsiCola, AIA, CitiGroup, KFC, Ford… đang góp phần nâng cao vị thế của nền kinh tế Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Nhưng điều băn khoăn nhất hiện nay đối với Việt Nam là sự chênh lệch và khác biệt về trình độ phát triển, tư duy kinh doanh, quy chuẩn chất lượng hàng hóa…, là rào cản để hàng Việt Nam tăng cường hiện diện tại thị trường Mỹ. Về đầu tư, vấn đề bao trùm chính là thể chế, chính sách và phần nào đó là sự ảnh hưởng từ bên ngoài nên nguồn vốn Mỹ - vì nhiều lý do chưa đổ mạnh vào nước ta như mong muốn.
“Dư địa” còn rất lớn
Việt Nam hiện có 3 lĩnh vực khát vốn, nguồn lực, đó là xây dựng cơ sở hạ tầng, năng lượng sạch và phát triển nền kinh tế giàu chất xám. Tất cả những lĩnh vực này người Mỹ đều có chiều sâu.
Trong khi đó, Việt- Mỹ đang có lợi ích chung trên Biển Đông, đó là an toàn hàng hải, kinh tế biển đảo, hòa bình thịnh vượng tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Hay nói cách khác, sự xuất hiện của Mỹ tại khu vực này giúp cân bằng cán cân quyền lực, tránh chủ nghĩa đơn cực, bá quyền nước lớn.
Mới đây, Washington ngỏ ý mời Việt Nam tham gia “bộ tứ kim cương mở rộng”, gắn liền với Chiến lược tầm nhìn kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương do Mỹ chủ trì.
Đó đều là những chương trình kinh tế, an ninh hàng hải có quy mô lớn, có thể cung cấp những nguồn lực mà Việt Nam đang cần, đó là vốn đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, thể chế hợp tác có quản trị tốt, công bằng, minh bạch giao dịch tài chính,…
Việt Nam đang ở trung tâm của dải lãnh thổ “địa chính trị” hấp dẫn với các cường quốc. Tăng cường quan hệ Việt- Mỹ sẽ giúp Việt Nam tăng chiều sâu thương mại sang thị trường Mỹ, tranh thủ vốn đầu tư; đồng thời thoát ra thế kẹt trong cuộc cạnh tranh của các nước lớn.
Có thể bạn quan tâm
Việt Nam và Mỹ sẽ tham vấn về áp thuế bán phá giá cá tra bằng cơ chế của WTO
06:00, 17/01/2018
Việt Nam và Myanmar: Mở rộng miễn thị thực 30 ngày với hộ chiếu phổ thông
07:20, 19/06/2019
Cuộc tập trận của Mỹ - Trung Quốc trên Biển Đông: Nhìn nhận thế nào cho đúng?
09:44, 11/07/2020
Mỹ-Trung còn lại gì sau hai năm thương chiến?
06:30, 10/07/2020
25 năm quan hệ Việt - Mỹ Kỳ I: “Cẩm nang” ngoại giao giá trị
11:00, 09/07/2020