Mỹ và đồng minh tăng cường kiềm chế Trung Quốc tại Biển Đông
Mặc dù Trung Quốc đã đồng ý tự kiềm chế tại Biển Đông, tuy nhiên, mới đây quốc gia này vẫn đưa tàu và máy bay trinh sát tới Trường Sa.
Việc theo đuổi một số chính sách gây tranh cãi như quân sự hóa các đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông đã làm Bắc Kinh hứng chịu các phản ứng kịch liệt của nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Mỹ. Sau khi trở thành Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden đã đẩy mạnh việc tiến hành các biện pháp cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề biển Đông.
Tổng thống Biden cho rằng, các vùng biển có những huyết mạch giao thương hàng hải như Biển Đông, vùng vịnh Ả Rập phải được giữ ổn định. Đặc biệt, tuần duyên Mỹ sẽ đóng vai trò "thiết yếu" trong việc đảm bảo khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở bằng cách đẩy mạnh sự hiện diện trong khu vực thông qua việc hợp tác trong lĩnh vực an ninh biển, trong đó có Việt Nam.
Đây được xem là một thông điệp rõ ràng đến Trung Quốc và chiến lược vùng xám mà Bắc Kinh đang sử dụng để thúc đẩy yêu sách hàng hải vô lý trên Biển Đông. Vùng xám là chiến thuật sử dụng tàu hải cảnh và tàu dân quân biển để đe dọa và quấy rối các nước, nhưng vẫn giữ căng thẳng ở mức dưới chiến tranh.
Tương tự, một số nước như Anh, Pháp, Nhật Bản… cũng đã lên tiếng phản đối các hành động của Trung Quốc tại biển Đông. Tại Hội nghị Tương lai châu Á, Thủ tướng Yoshihide Suga tuyên bố Nhật Bản phản đối quyết liệt bất kỳ nỗ lực nào nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng ở Biển Đông. Ông Suga cũng kêu gọi các nước hợp tác xây dựng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Theo học giả người Singapore Collin Koh Swee Lean, Bắc Kinh đang hành động trên đà tự tin vì họ đã có thể kiềm chế đại dịch Covid-19 trong khi các cường quốc khác trên thế giới đang loay hoay giải quyết dịch bệnh tại quốc gia của họ.
Mặc dù vậy. chuyên gia này chỉ ra, các nước lớn trong khu vực châu Âu và một số nước khác sẽ tham gia triển khai hải quân trên khu vực biển Đông trong năm nay đều là đồng minh của Hoa Kỳ. “Cùng với sự thúc đẩy của Tổng thống Mỹ Joe Biden, các nhà lãnh đạo đều công nhận rằng sự đe dọa, bắt nạt và các hành vi gia tăng sự hiện diện quân sự của Trung Quốc đang đe dọa lợi ích của họ trong một khu vực hàng hải hòa bình và ổn định. Rất có khả năng, biển Đông sẽ là một ‘điểm nóng’ trong thời gian tới”.
Trước đó, ảnh vệ tinh do hãng Maxar chụp cho thấy, một tàu trinh sát thuộc lớp Type 815G của Trung Quốc hoạt động trái phép gần đảo nhân tạo nước này bồi đắp phi pháp trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đồng thời, ảnh chụp cũng thấy rõ một máy bay tuần thám Y-8Q và một máy bay cảnh báo sớm KJ-500 cũng đỗ tại đường băng trên đảo nhân tạo này.
Trinh sát hạm và máy bay tuần thám Trung Quốc xuất hiện tại quần đảo Trường Sa trong bối cảnh căng thẳng tại Biển Đông gia tăng sau loạt hoạt động của Bắc Kinh tại khu vực, bao gồm việc triển khai hàng trăm tàu cá tại khu vực bãi Ba Đầu và vụ 16 máy bay quân sự áp sát không phận Malaysia.
Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc điều tàu khảo sát tới thăm dò tài nguyên cá và dầu khí tại khu vực Biển Đông, xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước trong khu vực, vốn được công nhận theo luật pháp quốc tế.
Trước hành động ngang nhiên của Trung Quốc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời kiên quyết phản đối mọi hành động xâm phạm chủ quyền và các quyền liên quan đến quần đảo này.
"Các cơ quan chức năng Việt Nam luôn theo dõi sát mọi hoạt động tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như các vùng biển của Việt Nam tại Biển Đông. Việt Nam cũng yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam và luật pháp quốc tế, tuân thủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình và đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông, cũng như tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán Bộ quy tắc về ứng xử ở Biển Đông (COC)", người phát ngôn nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
“Liều thuốc” thử phản ứng của Malaysia trong vấn đề Biển Đông
05:18, 11/06/2021
Trung Quốc kéo giàn khai thác khổng lồ ra Biển Đông: Các nước trong khu vực cần làm gì?
05:00, 10/06/2021
Trung Quốc “thị uy quân sự” với nước láng giềng trên Biển Đông
10:37, 09/06/2021
COVID-19 và Biển Đông làm nóng Hội nghị ASEAN - Trung Quốc
06:00, 09/06/2021
Philippines nói gì khi nước Anh điều tàu chiến tới Biển Đông?
05:00, 08/06/2021