Thấy gì từ việc Mỹ đẩy mạnh chính sách ngoại giao tại Đông Nam Á?

CẨM ANH 05/08/2021 05:05

Dù hơi chậm trễ, nhưng chính quyền Biden cuối cùng đã khởi động các chính sách ngoại giao tại khu vực Đông Nam Á.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin bắt tay với Tổng thống Philippines

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin gặp Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trong chuyến công du mới nhất.

Bước đi của Mỹ

Mặc dù đại dịch Covid-19 đã làm đình trệ việc thực hiện các chính sách tại Đông Nam Á, tuy nhiên trong những tháng gần đây, nhiều quan chức cấp cao thuộc chính quyền Biden đã tiến hành các chuyến công du và công bố các chính sách nhằm củng cố mối quan hệ của Hoa Kỳ với khu vực cũng như thúc đẩy các hợp tác quan trọng về các mối quan tâm chung.

Bên cạnh đó, tại cuộc họp Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN - Mỹ, Ngoại trưởng Antony Blinken cam kết sẽ tiếp tục đi đầu thúc đẩy hợp tác đa phương ứng phó Covid-19, nỗ lực tăng công suất sản xuất, bảo đảm cung ứng vaccine đầy đủ, an toàn và hiệu quả.

Trên thực tế, các chính phủ Mỹ trước đây đều nhắc đến tầm quan trọng của ASEAN trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và thể hiện sự quan tâm trong việc duy trì ảnh hưởng và sự hiện diện tại đây. Nhưng dưới 4 năm nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã thờ ơ với khu vực này nói riêng và châu Á nói chung đã dẫn đến việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng một cách mạnh mẽ hơn. 

Chuyên gia hàng đầu châu Á về chính sách đối ngoại Devi Anwar Fortuna nhận định, việc cựu Tổng thống Donald Trump thực thi chính sách “Nước Mỹ trên hết” đã làm gia tăng sự thiếu tin tưởng vào Hoa Kỳ tại các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, chiến thắng của ông Joe Biden đã phần nào làm thay đổi cục diện.

Trong ấn bản của Viện ISEAS-Yusok Ishak, một tổ chức tư vấn của Singapore, 68,6% ý kiến cho biết sự hiện diện của Hoa Kỳ tại khu vực sẽ tăng lên trong nhiệm kỳ của Tổng thống Biden và hơn 55,4% người được hỏi coi Hoa Kỳ là đối tác chiến lược và đối tác an ninh đáng tin cậy.

Hiện nay, Washington đang rất chú ý đến ba quốc gia Đông Nam Á bao gồm Singapore, Việt Nam và Philippines. Giới quan sát cho rằng, bộ ba này có thể trở thành những đối tác tích cực của Mỹ trong việc thúc đẩy các lợi ích chiến lược của họ ở khu vực này trong những năm tới. Trong khi đó, Indonesia, Malaysia và Thái Lan có cách tiếp cận mềm mỏng hơn đối với Trung Quốc.

Một điều chắc chắn rằng, Hoa Kỳ đã tăng cường can dự vào các vấn đề trong khu vực và củng cố các nỗ lực ngoại giao và an ninh. Ở mức độ cao hơn, họ muốn tạo ra một thế trận khu vực trong khu vực… để gây áp lực lên Trung Quốc.

Phó Thủ tướng Mỹ Kamala Harris sẽ là quan chức cấp cao tiếp theo của chính quyền Biden đến Việt Nam và Singapore

Phó Thủ tướng Mỹ Kamala Harris sẽ là quan chức cấp cao tiếp theo của chính quyền Biden đến Việt Nam và Singapore

Cần thận trọng

Sẽ còn một chặng đường rất dài để Mỹ kiềm chế được tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại Đông Nam Á. Xét cho cùng, các nhà lãnh đạo ASEAN hiểu rõ Trung Quốc hơn nhờ vị trí địa lý gần gũi và chia sẻ các giá trị châu Á. Bản thân Washington nắm rõ, việc nâng cao sức ảnh hưởng trong khu vực này của thế giới là không dễ dàng vì sức mạnh đang lên của Trung Quốc còn ẩn chứa rất nhiều điều.

Điều này được thể hiện trong chuyến công du của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tại ba nước Đông Nam Á mới đây khi nhấn mạnh rằng Washington "không yêu cầu các nước trong khu vực lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc”.

Kavi Chongkittavorn, một nhà báo kỳ cựu về các vấn đề khu vực nhận định trên the Irrawaddi, có hai vấn đề để Mỹ tận dụng thúc đẩy sự ảnh hưởng tại Đông Nam Á. Thứ nhất, tài trợ vaccine là một trong những cách hiệu quả nhất để tạo ra sự khác biệt, cũng như thách thức Trung Quốc khi nước này tích cực thúc đẩy chính sách ngoại giao vaccine của riêng mình trong khu vực.

Thứ hai là kinh tế. Các chính phủ trong khu vực muốn Hoa Kỳ cân bằng sự phụ thuộc kinh tế ngày càng tăng của họ vào Trung Quốc, trong cả thương mại và đầu tư. Trong khi việc triển khai Sáng kiến Vành đai và Con đường đã làm nâng cao sức ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc thì Hoa Kỳ đã không có đối trọng kịp thời. Việc trở thành một đối tác thương mại sẽ là con đường tiếp cận dễ dàng cho Washington khi các nước ASEAN ủng hộ thương mại đa phương.

Tổng thống Biden cũng nên hợp tác chặt chẽ hơn với Nhật Bản trong khu vực. Quốc gia này có mối quan hệ chính trị và kinh tế sâu sắc với các nước ASEAN và các cuộc khảo sát của ISEAS đều cho thấy Nhật Bản là cường quốc bên ngoài được tin cậy nhất. Washington có thể dựa vào Tokyo để thúc đẩy lợi ích của mình ở Đông Nam Á. Đó là loại quan hệ đối tác có lợi cho liên minh để dễ dàng kiềm chế Trung Quốc hơn là thực hiện các chính sách một cách đơn lẻ.

Mặc dù vậy, theo Li Mingjiang, phó giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, cho biết sự gay gắt ngày càng sâu sắc giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ khiến các nước Đông Nam Á rơi vào thế khó.

Do sự khác biệt chủ yếu về thế giới quan, kinh nghiệm lịch sử và khả năng của từng nước, Trung Quốc và Hoa Kỳ có quan niệm khác nhau về an ninh, do đó đã dẫn đến các thực tiễn an ninh khác nhau. Trong khi cả hai bên sẽ tiếp tục theo đuổi lợi ích an ninh của riêng mình tại Đông Nam Á, mỗi nước cũng phải tự thích ứng với bối cảnh chính trị, kinh tế và an ninh đang thay đổi ở khu vực này. Để có thể chung sống lâu bền, hòa bình, cả hai bên sẽ phải có những thay đổi nhất định trong chính sách an ninh hiện tại của mình. 

Có thể bạn quan tâm

  • Mỹ đẩy mạnh hỗ trợ ASEAN phòng chống đại dịch Covid-19

    Mỹ đẩy mạnh hỗ trợ ASEAN phòng chống đại dịch Covid-19

    15:23, 04/08/2021

  • Khủng hoảng Mỹ-Trung gia tăng, Trung Quốc sẽ làm gì để đáp trả Mỹ?

    Khủng hoảng Mỹ-Trung gia tăng, Trung Quốc sẽ làm gì để đáp trả Mỹ?

    06:00, 27/08/2020

  • Phó Tổng Thống Mỹ chính thức đến Việt Nam vào ngày 24/8

    Phó Tổng Thống Mỹ chính thức đến Việt Nam vào ngày 24/8

    10:22, 04/08/2021

  • Tín hiệu mới cho quan hệ thương mại Việt - Mỹ

    Tín hiệu mới cho quan hệ thương mại Việt - Mỹ

    06:00, 30/07/2021

  • Thông điệp từ chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ

    Thông điệp từ chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ

    09:30, 29/07/2021

CẨM ANH