Hội đàm Nga - Mỹ: Kết thúc trong căng thẳng
Cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khép lại với bầu không khí căng thẳng do vấn đề Ukraine.
>> Kịch bản nào cho xung đột Nga - Ukraine?
Đúng như giới quan sát dự đoán, cả Washington và Matxcơva đều giữ vững lập trường, không lùi bước trong vấn đề Ukraine. Theo thông báo của Nhà Trắng được đưa ra sau cuộc hội đàm, Tổng thống Joe Biden đã bày tỏ quan ngại sâu sắc của Mỹ và các đồng minh châu Âu về tình trạng Nga leo thang lực lượng xung quanh Ukraine. Cụ thể, ông Biden đã nói rõ rằng Mỹ và các đồng minh sẽ đáp trả bằng những đòn kinh tế mạnh mẽ và biện pháp khác trong trường hợp tình hình quân sự leo thang, đồng thời "kêu gọi giảm căng thẳng và quay về con đường ngoại giao".
Trong khi đó, đề cập đến cuộc hội đàm, Điện Kremlin cho biết Putin cáo buộc NATO là nguyên nhân dẫn đến căng thẳng tại Ukraine, đề nghị "đảm bảo pháp lý" nhằm ngăn liên minh quân sự phương Tây mở rộng lực lượng đến gần Nga hơn. "Nga thực sự quan tâm đến những đảm bảo pháp lý đáng tin cậy giúp loại trừ kịch bản NATO mở rộng về phía đông, cũng như khả năng triển khai vũ khí tấn công ở những quốc gia tiếp giáp với Nga", Điện Kremlin cho hay.
Mặc dù khả năng Ukraine gia nhập NATO còn xa vời, Mỹ và liên minh này cho rằng Nga không thể bác bỏ tham vọng nghiêng về phương Tây của Ukraine. Trong cuộc họp báo sau sự kiện, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết Biden không cam kết với Putin về yêu cầu ngăn Ukraine gia nhập NATO hay giảm sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực. "Tôi sẽ không nêu chi tiết những vấn đề họ đã thảo luận, nhưng sẽ nói rõ ràng và trực tiếp với mọi người rằng Tổng thống không đưa ra cam kết hay nhượng bộ nào như vậy", ông Sullivan cho biết.
Mặc dù vậy, Tổng thống Biden và ông Putin đồng ý giao nhiệm vụ cho các đặc phái viên của họ để bắt đầu tham vấn thực chất về những vấn đề nhạy cảm trong quan hệ song phương. Hai nhà lãnh đạo cũng đã thảo luận về đối thoại Mỹ - Nga về ổn định chiến lược, mã độc tống tiền (ransomware), cũng như các hoạt động chung về các vấn đề khu vực như Iran.
Các chuyên gia nhận định, hai nhà lãnh đạo đã có những trao đổi thực sư xung quanh vấn đề của Ukraine. Tuy nhiên, cố vấn đối ngoại của ông Putin, ông Yuri Ushakov đánh giá, thật khó để mong đợi bất kỳ đột phá bất ngờ nào. Hai nhà lãnh đạo đã không giải quyết được cuộc khủng hoảng dọc theo biên giới Ukraine.
"Quân đội Nga đang ở trên lãnh thổ của mình. Họ không đe dọa ai cả. Nga chưa bao giờ có kế hoạch tấn công bất kỳ quốc gia nào. Nhưng chúng tôi có những mối quan tâm riêng của chúng tôi", ông Ushakov nói về hành động Nga tập trung quân dọc biên giới Ukraine.
>> Nga - Mỹ sẽ hồi sinh chiến địa Biển Đen
Mark Simakovsky, thành viên cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương và là cựu quan chức Bộ Ngoại giao Nga đánh giá, nếu chính quyền Tổng thống Biden phản ứng với hành động của Nga chống lại Ukraine, họ sẽ tập trung vào các lệnh trừng phạt và thực hiện điều này thông qua sự phối hợp với Liên minh châu Âu.
Tuy nhiên, theo Brett Bruen, một cựu quan chức ngoại giao và hiện là chủ tịch của công ty tư vấn Global Situation Room nhận định, nhiều khả năng các lệnh trừng phạt về mặt kinh tế sẽ không gây ra quá nhiều lo ngại cho điện Kremlin. “Không có nhiều điều để thực hiện với các lệnh trừng phạt dành cho Nga. Mỹ cần xem xét về các công cụ khác", chuyên gia này cho biết.
Trước đó, với sự tăng cường quân sự của Nga, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã nhấn mạnh cam kết đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và kêu gọi Nga giảm leo thang căng thẳng và tìm kiếm một giải pháp thông qua ngoại giao. Tổng thống Biden đã tổ chức một cuộc gọi hội nghị với các nhà lãnh đạo của Pháp, Đức, Ý và Vương quốc Anh để thảo luận về tình hình hiện nay và dự kiến, ông sẽ trao đổi về nội dung cuộc gọi với Tổng thống Putin với các nhà lãnh đạo châu Âu ngay sau đó.
Có thể bạn quan tâm