Nga và Mỹ sẽ sớm khởi động một cuộc đối thoại song phương toàn diện, thực chất và năng động về ổn định chiến lược.
Cụ thể, tuyên bố chung được đưa ra trong cuộc họp cho biết Nga và Mỹ đã chứng minh rằng, ngay cả trong thời điểm căng thẳng, hai bên vẫn có thể đạt được tiến bộ trong việc thực hiện các mục tiêu chung để đảm bảo khả năng có thể dự đoán trong lĩnh vực chiến lược và giảm thiểu rủi ro xung đột vũ trang và nguy cơ chiến tranh hạt nhân.
"Việc gia hạn Hiệp ước START gần đây là một minh chứng cho cam kết của hai bên trong việc kiểm soát vũ khí hạt nhân. Hôm nay, chúng tôi tái khẳng định nguyên tắc sẽ không thể có kẻ chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân và không bao giờ để cuộc chiến đó xảy ra", tuyên bố chung này nêu rõ.
Đồng thời, để đạt được những mục tiêu chung, hai cường quốc sẽ sớm khởi động một cuộc đối thoại song phương toàn diện, thực chất và năng động về ổn định chiến lược để tạo nền tảng cho việc kiểm soát vũ khí và cho các các biện pháp giảm thiểu rủi ro trong tương lai.
Ngay trong cuộc họp báo riêng sau hội đàm, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng cho biết, không có sự thù địch nào giữa ông và nhà lãnh đạo Mỹ. Trái lại, cuộc họp được diễn ra trên tinh thần xây dựng. “Tổng thống Biden rất khác ông Donald Trump”, ông Putin đánh giá.
Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Nga cũng nói thêm rằng, hai nước thống nhất khởi động tham vấn về an ninh mạng và phải chấp nhận một số ràng buộc trong vấn đề này. Cùng với đó, Nga và Mỹ cũng đã nhất trí về việc tiếp nhận lại Đại sứ của nhau, cũng như khởi động tham vấn giữa hai Bộ Ngoại giao. Thời điểm tiến hành hiện chỉ còn là vấn đề kỹ thuật.
Mặc dù vậy, các nhà phân tích cho rằng, cả hai bên sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc làm “tan băng” mối quan hệ đã xuống điểm thấp nhất sau những cáo buộc và chỉ trích lẫn nhau trong thời gian qua. Tổng thống Putin vẫn phủ nhận sự liên quan của Nga trong những vụ tấn công mạng ngày càng táo tợn vào các cơ quan Mỹ - điều mà Washington luôn một mực khẳng định.
Trong khi đó, Tổng thống Biden nhấn mạnh: “Nga hiện giờ đang ở tình thế rất, rất khó khăn. Họ đang bị Trung Quốc bóp nghẹt. Họ mong muốn duy trì vị thế cường quốc một cách tuyệt vọng”.
Các chuyên gia nhận định, phát biểu sau cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo đang cho thấy nỗ lực giữ vị thế trước bên còn lại. Ngoài việc tránh một vụ bê bối, dường như có rất ít điều mà Moscow và Washington có thể đồng ý bên cạnh việc kiểm soát vũ khí hạt nhân khi hai nước sẽ thảo luận về khả năng điều chỉnh quy định của Hiệp định kiểm soát vũ khí New START. Trong thời gian tới, cuộc tham vấn về chủ đề này sẽ được khởi động ở cấp ngoại trưởng.
Bản thân Tổng thống Putin cũng thừa nhận ông chưa thể khẳng định về khả năng quan hệ song phương sẽ được cải thiện. Mặc dù ông cho biết đã nhìn thấy tia hy vọng về xây dựng lòng tin chung với Mỹ.
Ông Andrey Sushentsov, chuyên gia thuộc Câu lạc bộ Valdai của Nga đánh giá, cuộc gặp mặt này diễn ra để hai nhà lãnh đạo tìm hiểu lý do tại sao họ cần quan hệ song phương giữa Nga và Hoa Kỳ. Tổng thống Biden và ông Putin đều không ảo tưởng sẽ trở thành bạn, do đó, bầu không khí giữa hai nước đã diễn ra một cách thẳng thắn để hai bên chuẩn bị cho bước đi tiếp theo.
“Rõ ràng, việc thay đổi chính quyền ở Nhà Trắng đã tạo ra một số động lực tích cực, cũng như việc chính quyền của Tổng thống Biden áp dụng mục tiêu hướng tới mối quan hệ ổn định và có thể dự đoán được với Moscow. Do đó, việc trao đổi với Tổng thống Putin sẽ cho phép ông Biden xây dựng một chương trình nghị sự thực tế có chủ đích; cũng như cho phép hai bên thực hiện các công việc để ngăn chặn sự cạnh tranh chuyển sang một giai đoạn nguy hiểm hơn”, chuyên gia này phân tích.
Đồng quan điểm, Samuel Charap, nhà khoa học chính trị cấp cao tại Rand Corporation chỉ ra, chính quyền Biden có những mục tiêu xa hơn tại cuộc gặp này. “Họ muốn sự ổn định. Họ muốn các vấn đề của Nga không chiếm nhiều quán ưu thế trong các chương trình nghị sự sắp tới”, ông nói. “Washington có những vấn đề lớn hơn cần phải giải quyết, như kiềm chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. Và cuộc gặp này đã cho chính quyền Biden thứ họ cần. Khi Nga chấp nhận đối thoại, họ đã có thứ họ mong muốn. Có khả năng một số hành vi khiêu khích sẽ chấm dứt trong thời gian tới.”
Mặt khác, từ quan điểm của Moscow, cuộc gặp này có thể được đánh giá đã thành công ở quy mô khiêm tốn. Trên thực tế, có những dấu hiệu cho thấy cả hai bên đều tôn trọng nhau. Đây cũng là một thành công khi mối quan hệ Nga – Mỹ đang ở thời điểm xấu nhất trong lịch sử.
Có thể bạn quan tâm