Theo các chuyên gia nhận định, Mỹ và Trung Quốc có thể giảm trừ thuế quan để hạ nhiệt căng thẳng song phương.
Cụ thể, các chuyên gia tại Diễn đàn Tài chính China Finance 40 cho rằng, với việc đối mặt áp lực lạm phát trong nửa đầu năm nay, Washington có thể tìm cách giảm gánh nặng thuế quan thông qua việc loại trừ một phần thuế quan, điều này sẽ tránh được sự phản kháng trong Quốc hội Mỹ và giảm bớt áp lực chính trị.
Dự kiến, chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn sẽ duy trì các mức thuế quan bổ sung đối với 370 tỷ USD giá trị hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, báo cáo này cũng lưu ý, chính quyền Biden lo ngại nhiều hơn về tác động của việc Trung Quốc hỗ trợ phát triển công nghệ trong nước, cho nên muốn Mỹ tập trung vào hỗ trợ công nghệ của mình.
Hiện tại, các quan chức chính quyền Mỹ vẫn đang tiến hành các đánh giá toàn diện về những chính sách thương mại giữa hai bên dưới thời Cựu Tổng thống Donald Trump trước khi hết hạn thỏa thuận giai đoạn 1 vào cuối năm 2021.
Trước mắt, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ sẽ có những thay đổi lớn trong các chính sách với Trung Quốc. Với hầu hết các biện pháp đối đầu vẫn còn nguyên vẹn, chẳng hạn như các rào cản thuế quan và những chỉ trích xung quanh vấn đề nhân quyền, quan hệ Mỹ - Trung đang ở mức thấp nhất trong 4 thập kỷ qua, đặc biệt là khi giả thuyết về việc virus SARS-CoV-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm đang nóng trở lại.
Theo bài viết của hai tác giả Ge Jianhao và Dingding Chen trên tờ The Diplomat, không có gì ngạc nhiên khi thấy rằng mối quan hệ này đã có một khởi đầu gập ghềnh trong những ngày đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden. Một lý do chính dẫn đến điều này là việc “kế thừa” mối quan hệ luôn trong tình trạng xấu với Trung Quốc kể từ năm 2018 đã khiến ông Biden không có nhiều cơ hội để thay đổi trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ.
Quan trọng hơn, về mặt chiến lược, Tổng thống Biden có thể thu lợi từ cách tiếp cận có vẻ cứng rắn này. Sau khi ông Trump làm tổn hại các mối quan hệ với những nước đồng minh của Mỹ, ông Biden thực sự cần một điểm chung để Mỹ lấy lại lòng tin và sự hợp tác của các quốc gia này. Và “mối đe dọa từ Trung Quốc” dường như hấp dẫn hơn bao giờ hết.
Do đó, một trong những mục tiêu chính của Ngoại trưởng Antony Blinken trong chuyến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc là thu hút sự chú ý đến điều mà ông gọi là “sự ép buộc và gây hấn” của Trung Quốc trong khu vực.
Còn với trong nước, đối phó với Trung Quốc là một trong số những vấn đề hiếm hoi đạt được sự đồng thuận của lưỡng đảng Hoa Kỳ và trở thành một yếu tố quyết định trong việc thiết lập lại lập trường của Washington với Bắc Kinh. Đồng thời, cuộc khảo sát mới nhất của Gallup, chỉ 20% người dân Mỹ có quan điểm tích cực về Trung Quốc, mức thấp nhất kể từ khi Gallup bắt đầu thăm dò ý kiến về câu hỏi này cách đây 40 năm.
Chính vì vậy, việc duy trì thái độ cứng rắn ban đầu của Tổng thống Biden đối với Trung Quốc là một phản ứng dễ hiểu. Và có nhiều khả năng ông Biden sẽ sử dụng vấn đề này để thúc đẩy chương trình nghị sự của riêng mình về Trung Quốc nhân danh an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc cũng không quan tâm đến sự phục hồi nhanh chóng trong quan hệ song phương với Mỹ. Bắc Kinh đang cho thấy họ ngày càng ít chịu những áp lực ngoại giao từ các cường quốc trên thế giới.
Do đó, như Ủy viên Bộ chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì đã nhấn mạnh, “Trung Quốc hiện đang nhìn Mỹ từ quan điểm bình đẳng”, quốc gia này hiện đang lặng lẽ và kiên nhẫn chờ đợi xem liệu chính quyền Biden có thực hiện một số động thái giảm căng thẳng để cải thiện mối quan hệ hay không.
Bất chấp sự miễn cưỡng của cả hai bên trong việc hòa giải mối quan hệ, các chuyên gia cho rằng, vẫn có lý do để kỳ vọng mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc được cải thiện vào cuối năm nay. Mặc dù nhà lãnh đạo Mỹ sẽ phải quyết định ông muốn cứng rắn với Trung Quốc ở mức độ nào, vẫn sẽ có những chính sách ngoại giao hiệu quả hơn với Trung Quốc trong tương lai về những vấn đề cần sự hợp tác chung.
Có thể bạn quan tâm