Sắp thăm Nhật Bản và Hàn Quốc, Biden sẽ gửi tín hiệu gì mới?
Dự kiến, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có chuyến thăm Hàn Quốc và Nhật Bản từ ngày 20-24/5 tới để thúc đẩy cam kết mạnh mẽ của Mỹ với khu vực.
>>Bộ Tứ đưa ra tuyên bố chung về các vấn đề chiến lược
Được biết, đây sẽ là chuyến công du đầu tiên của ông Biden đến khu vực Đông Bắc Á kể từ khi giữ chức Tổng thống Mỹ vào tháng 1 năm ngoái. Trong thông báo của Nhà Trắng, Thư ký báo chí Jen Psaki cho biết trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng thống Biden sẽ hội đàm với các nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản để thúc đẩy cam kết mạnh mẽ của Mỹ đối với một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở cũng như đối với quan hệ liên minh của Washington với Seoul và Tokyo. Ngoài ra, các bên sẽ thảo luận cơ hội củng cố quan hệ an ninh thiết yếu, tăng cường quan hệ kinh tế và mở rộng hợp tác chặt chẽ nhằm đạt được các kết quả thiết thực.
Tại Tokyo, Tổng thống Biden cũng sẽ gặp gỡ lãnh đạo các nước trong nhóm Bộ Tứ bao gồm Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ.
Giới quan sát cho biết, chuyến thăm của Tổng thống Biden được cho là sẽ mang đến sự bảo đảm an ninh cho các đồng minh trong khu vực châu Á khi một số nước đang gia tăng căng thẳng với Nga sau khi quốc gia này thực hiện chiến sự tại Ukraine.
>>QUAD gia tăng sức ép lên Trung Quốc
Mới đây, Nhật Bản và Nga đã gia tăng căng thẳng khi Nga cáo buộc Tokyo đang theo đuổi “con đường thù địch chống Nga một cách công khai”, thể hiện qua việc Tokyo có các “biện pháp chưa từng có tiền lệ trong quan hệ Nga - Nhật thời hiện đại”, cũng như “từ bỏ mối quan hệ mang tính xây dựng và hữu nghị với Nga”.
Đáng chú ý, Nga đã cảnh báo Nhật Bản về việc nước này sẽ thực hiện các biện pháp trả đũa nếu Nhật Bản mở rộng các cuộc tập trận hải quân chung với Hoa Kỳ gần biên giới phía Đông của Nga.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov cho biết: “Những hành động như vậy của phía Nhật Bản là mối đe dọa đối với an ninh của đất nước chúng tôi. Nếu những hành động như vậy mở rộng, Nga sẽ thực hiện các biện pháp trả đũa".
Lời đe dọa nói trên là đòn đáp trả mới nhất từ Nga sau khi Nhật Bản có các biện pháp ủng hộ đối với Ukraine, và mối quan hệ ngày càng tăng của nước này với các quốc gia NATO. Tuy nhiên, ông Morgulov không nói rõ về cuộc tập trận nào cũng như không đề cập cụ thể về biện pháp trả đũa của Nga đối với Nhật Bản.
Bất chấp những nỗ lực của hai bên nhằm ký kết hiệp ước hòa bình hậu Thế chiến II, Nga và Nhật Bản vẫn đang vướng phải tranh chấp chủ quyền đối với những hòn đảo mà Nhật cho là bị Nga “chiếm đóng”.
Trên thực tế, Nga đã tăng cường sức mạnh quân sự xung quanh Nhật Bản trong vài năm qua. CNN đưa tin, quốc gia này đã có nhiều hành động khiêu khích trong vài tháng qua, như thực hiện các hoạt động quân sự ở khu vực lân cận Nhật Bản để chứng tỏ khả năng hoạt động ngay cả khi đang tiến hành cuộc chiến tại Ukraine.
Theo James D.J. Brown, Phó Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Temple ở Tokyo nhận định, Nga sẽ theo dõi chặt chẽ chuyến thăm của Tổng thống Biden. “Một điều mà Nga thực sự không thích là trong những năm gần đây, Nhật Bản đã tăng cường hợp tác với các nước khác bên cạnh Mỹ, trong đó có việc tham dự nhóm Bộ Tứ. Moscow sẽ có nhiều điều cần phải cảnh giác với chuyến thăm của Tổng thống Mỹ đến khu vực này".
Có thể bạn quan tâm