Thủ tướng Nhật Bản: "Đông Á ngày mai có thể giống Ukraine hôm nay"

CẨM ANH 12/06/2022 04:35

Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tỏ vẻ lo ngại: "Với những bất ổn tiềm ẩn, tôi có cảm giác rằng Đông Á ngày mai có thể giống Ukraine hôm nay".

>>Bộ tứ kim cương QUAD: Cần cứng rắn hơn!

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 2022

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 2022

Trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, Thủ tướng Nhật Bản đã nhắc đến các vấn đề nóng trên toàn cầu hiện nay: chiến sự Nga - Ukraine, biển Đông và cách thức Nhật Bản tăng cường vai trò củng cố an ninh trong khu vực.

Tăng cường năng lực quốc phòng

Thủ tướng Kishida cho biết, chính phủ của ông sẽ đề ra chiến lược an ninh mới vào cuối năm nay. Đặc biệt, đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của ông Kishida đã đặt ra các mục tiêu chính sách dài hạn hơn, bao gồm mở rộng ngân sách quốc phòng vượt 2% GDP, một tỷ lệ có thể ngang bằng các thành viên NATO. Điều này sẽ đánh dấu việc Nhật Bản từ bỏ chính sách truyền thống giới hạn chi tiêu quốc phòng dưới 1% GDP, vốn ở mức khoảng 5.000 tỷ USD.

"Nhật Bản sẽ củng cố năng lực phòng vệ của nước này một cách căn bản trong vòng 5 năm tới và bảo đảm tăng đáng kể ngân sách quốc phòng, Thủ tướng Kishida nhấn mạnh và cam kết cung cấp viện trợ hàng hải cho các nước Ấn Độ dương - Thái Bình Dương - ít nhất 2 tỷ USD trong vòng 3 năm tới cho các thiết bị an ninh hàng hải, bao gồm tàu tuần tra và hỗ trợ cơ sở hạ tầng giao thông hàng hải.

Ông Kishida khẳng định: “Chúng tôi sẽ tăng cường hỗ trợ từng quốc gia, tận dụng sự hợp tác của Bộ tứ kim cương và các khuôn khổ của các tổ chức quốc tế. Nhật Bản sẽ không loại trừ bất cứ lựa chọn nào, bao gồm “năng lực tấn công đáp trả”, và sẽ cân nhắc một cách thực tế những điều cần thiết để bảo vệ mạng sống người dân".

Theo ông Kishida, Nhật Bản là quốc gia yêu chuộng hòa bình, nhưng bối cảnh an ninh toàn cầu và khu vực đang thay đổi, khiến Tokyo phải đánh giá lại quan điểm quốc phòng. "Để tự vệ, Nhật cần phải tăng cường khả năng răn đe và phản ứng".

Được biết trong năm 2021, chi tiêu quân sự của Nhật Bản ước tính đạt mức kỷ lục 54,1 tỷ USD, đứng thứ 9 trên toàn cầu. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, tổng số tiền này chiếm chưa đến 1/5 trong tổng số 293 tỷ USD của Trung Quốc. Hiện ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đứng thứ hai chỉ sau Mỹ (801 tỷ USD). Ấn Độ đứng thứ ba với 76,6 tỷ USD.

Tuy nhiên, tốc độ tăng chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản rất cao, ở mức 7,3% so với cùng kỳ năm 2020. Chính phủ Nhật Bản đã phân bổ thêm 7 tỷ USD cho quốc phòng trong một ngân sách bổ sung, dẫn đến tốc độ tăng trưởng hàng năm cao nhất kể từ năm 1972.

>>Mỹ ra "đòn phủ đầu" Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La

Đẩy mạnh vai trò trong khu vực

Nhật Bản sẽ

Nhật Bản sẽ củng cố năng lực phòng vệ của nước này để tăng cường vai trò trong khu vực

Trước đó, vào tháng 5 vừa qua, nhà lãnh đạo Nhật Bản đã nói với Tổng thống Mỹ Joe Biden khi đến thăm Tokyo rằng chính phủ của ông sẽ củng cố khả năng quốc phòng của Nhật Bản và tăng ngân sách quốc phòng của nước này. Và tại Đối thoại Shangri La, ông Kishida chỉ ra cuộc chiến Ukraine là một phần lý do để Nhật Bản làm như vậy.

"Trong bối cảnh chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, nhận thức của các nước về an ninh đã thay đổi mạnh mẽ trên khắp thế giới", ông Kishida cho biết. Đức đang thay đổi chính sách an ninh bằng cách tăng ngân sách quốc phòng lên 2% GDP, trong khi Phần Lan và Thụy Điển từ bỏ chính sách trung lập nhiều năm để nộp đơn xin gia nhập liên minh quân sự NATO.

"Bản thân tôi có cảm thấy lo ngại rằng Đông Á ngày mai có thể giống Ukraine hôm nay", Thủ tướng Nhật Bản nhấn mạnh và cho biết rằng: "Với tư cách Thủ tướng Nhật, tôi cách trách nhiệm bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân Nhật Bản, đồng thời đóng góp vào hòa bình và an ninh khu vực".

Thủ tướng Nhật Bản cam kết sẽ tìm cách xây dựng một trật tự quốc tế ổn định thông qua đối thoại, chứ không phải đối đầu, nhưng thế giới phải chuẩn bị cho sự xuất hiện của một thực thể không tôn trọng các quy tắc. 

Nhắc tới vấn đề biển Đông, ông Kishida nói rằng luật pháp quốc tế và cụ thể là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, cùng với các quyết định trọng tài dựa trên công ước đó đang không được tuân thủ và những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực vi phạm luật pháp quốc tế đang tiếp tục.

Ông Kishida cũng đề cập đến căng thẳng ở eo biển Đài Loan và nhấn mạnh "hòa bình và ổn định" trên tuyến đường thủy là "cực kỳ quan trọng." Cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã làm dấy lên lo ngại về việc một ngày nào đó Trung Quốc sẽ thực hiện các cuộc tấn công quân sự với Đài Loan.

Đánh giá về bài phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản, các chuyên gia nhận định, Nhật Bản sẽ tăng cường khả năng quan sự, đặc biệt là khả năng tấn công trong thời gian tới. Điều này phù hợp với bối cảnh bất ổn ở nhiều khu vực trên thế giới đang gia tăng.

Theo các chuyên gia, Mỹ và Nhật Bản đã phân chia vai trò của họ trong liên minh như một "ngọn giáo" và một "lá chắn" trong an ninh khu vực. Nhật Bản đã tập trung vào việc trở thành lá chắn để bảo vệ lãnh thổ Nhật Bản và an ninh khu vực, trong khi vai trò "ngọn giáo" là thuộc về Hoa Kỳ. Nhưng trong những năm gần đây, một số quan chức ở Washington đã hy vọng rằng Nhật Bản có thể mở rộng vai trò của mình là ngọn giáo để tăng cường khả năng răn đe.

Do đó, việc đánh giá lại quan điểm quốc phòng và cùng các đồng minh Bộ Tứ kim cương tham gia nhiều hơn vào các nỗ lực đảm bảo an ninh tại Ấn Độ dương - Thái Bình Dương cho thấy, Nhật Bản đang gửi đi tín hiệu về sự hiện diện mạnh mẽ hơn của quốc gia này trong tương lai. 

Có thể bạn quan tâm

  • Mỹ ra

    Mỹ ra "đòn phủ đầu" Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La

    15:25, 01/06/2019

  • Nhật Bản sẽ ra sao khi theo đuổi chủ nghĩa tư bản kiểu mới?

    Nhật Bản sẽ ra sao khi theo đuổi chủ nghĩa tư bản kiểu mới?

    05:10, 03/06/2022

  • Sắp thăm Nhật Bản và Hàn Quốc, Biden sẽ gửi tín hiệu gì mới?

    Sắp thăm Nhật Bản và Hàn Quốc, Biden sẽ gửi tín hiệu gì mới?

    16:08, 28/04/2022

  • Bài học “thoát Trung” từ Nhật Bản

    Bài học “thoát Trung” từ Nhật Bản

    05:30, 11/02/2022

CẨM ANH