Mặc dù sở hữu 84 nhà máy sản xuất chip nhưng điều đó chưa giúp Nhật Bản có thể tự chủ mặt hàng công nghệ chiến lược này.
>>Nhật Bản và kinh nghiệm đi giữa "hai làn đạn"
Nhật Bản được biết đến như một cường quốc tự thân, vượt qua rất nhiều bất trắc địa chính trị và điều kiện tự nhiên; mạnh dạn tháo bỏ ảnh hưởng Nho giáo, phương Đông, phong kiến để hướng Tây. Cuộc “thoát Trung” lần thứ nhất thành công rực rỡ.
Nếu như Nhật Bản thành công với những công ty đa quốc gia như Toyota, Honda, Hitachi, Mitshubishi, Sumimoto… thì những siêu doanh nghiệp này lại cần đến Trung Quốc để hoạt động hiệu quả.
Những doanh nghiệp này đều đặt nhà máy quan trọng nhất ở Trung Quốc để tận dụng ưu đãi thuế quan, đầu tư; nguồn lao động dồi dào và thị trường tiêu thụ lớn nhất hành tinh.
Ông Abe từng rất đau đầu để triệu hồi doanh nghiệp rút khỏi Trung Quốc khi Mỹ - Trung xảy ra xung đột thương mại. Tờ Nikkei lúc đó đặt câu hỏi: Các công ty Nhật về đâu khi rời khỏi Trung Quốc?
Gần 100 công ty lớn được chính phủ Nhật hỗ trợ 663 triệu USD để dời khỏi Trung Quốc, nhưng không một ai mạnh dạn dứt áo ra đi hoàn toàn, thay vào đó họ chọn chiến lược “ChinaPlus”, tức là vẫn giữ cơ sở chính ở đại lục và xây thêm nhà máy dự phòng ở các nước Đông Nam Á.
Ở trong nước, Nhật Bản rất phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhật Bản có hơn 2.600 trong tổng số hơn 5.000 mặt hàng nhập khẩu có tỷ lệ phụ thuộc vào nguồn cung từ một quốc gia nhất định cao hơn 50%, trong đó có 1.133 mặt hàng có tỷ lệ phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc cao hơn 50%.
Như vậy, sức khỏe nền kinh tế Trung Quốc liên thông với tình hình kinh tế Nhật Bản. Đặc biệt khi Tokyo phải xử trí đồng thời - cần làm sâu sắc hơn quan hệ toàn diện với đồng minh Mỹ, vừa tránh mất lòng Bắc Kinh!
Chính phủ Nhật dự kiến ban hành luật an ninh kinh tế để thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Chưa nguồn tin nào tiết lộ khung sườn của luật này. Song, có thể hiểu chỉ có thể thoát Trung khi và chỉ khi cấu trúc được chuỗi cung ứng mới và tự cung đa số mặt hàng tiêu dùng nội địa. Nhưng liệu có dễ?
Phân tích ví dụ sau đây: 99% máy tính cá nhân và máy tính bảng nhập khẩu vào Nhật Bản có nguồn gốc từ Trung Quốc, đối với điện thoại thông minh là 86%, linh kiện máy tính là 62%.
TSCM (Đài Loan) và Samsung (Hàn Quốc) đang kiểm soát hơn 70% thị trường chip toàn cầu - linh kiện tối quan trọng cấu thành sản phẩm điện tử. Đài Loan khó thoát khỏi “bàn tay” Trung Quốc. Quan hệ Hàn - Nhật mấy năm gần đây không tốt. Mặc dù sở hữu 84 nhà máy sản xuất chip nhưng điều đó chưa giúp Nhật Bản có thể tự chủ mặt hàng công nghệ chiến lược này.
Đất hiếm - nguyên liệu chế xuất chất bán dẫn để sản xuất chip hiện nay do Trung Quốc kiểm soát, khoảng 44 triệu tấn, 1/3 tổng trữ lượng toàn cầu. Nếu Trung Quốc ngưng bán loại khoáng sản này không chỉ Nhật, Mỹ mà cả thế giới khó khăn. Thực tế điều này đã xảy ra.
Nhật Bản có bí quyết thiết chế chip, nhưng Hà Lan mới là quốc gia sở hữu công nghệ sản xuất tối tân nhất, còn Trung Quốc - dĩ nhiên có thể giúp cho mọi mặt hàng có mặt trên thị trường với giá hợp lý nhất, nhanh nhất.
Éo le thay! Tuy có nhiều công ty khổng lồ về công nghệ nhưng nó không thể hoạt động độc lập, không thể thiếu hàng trăm nhà cung ứng nằm rải rác toàn cầu, không thể có chiếc tivi Sony, chiếc xe Lexus,… nếu không có quá trình OEM/VAR.
Xem ra công cuộc “thoát Trung” lần 2 của Nhật Bản không dễ như lần đầu. Ngày nay khi giá trị, tiêu chuẩn, sức mạnh mềm của Trung Quốc đã xác lập trên phạm vi toàn cầu - “thoát Trung” là không thể!
Có thể bạn quan tâm