Đối thoại Shangri-La: "Vết nứt" quan hệ Mỹ- Trung ngày một lớn!

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 12/06/2022 05:14

Tại Shangri-La chưa tìm thấy tiếng nói "đối thoại" đúng nghĩa. Đây vẫn là nơi thể hiện mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc về Châu Á và tình hình Nga - Ukraine.

Rất nhiều bất đồng tại Shangri-La

Rất nhiều bất đồng tại Đối thoại Shangri-La

>>Mỹ - Trung có thể chung sống hòa bình?

Sau hai năm gián đoạn, Hội nghị Thượng đỉnh an ninh châu Á - Đối thoại Shangri-La tại Singapore lần này lại chứng kiến màn đối đầu căng thẳng giữa các cường quốc, khu vực. Đây là kết quả tất yếu khi trật tự toàn cầu đang bước vào giai đoạn xáo trộn mạnh nhất kể từ sau thế chiến thứ 2.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Australia chỉ trích Trung Quốc khiêu khích gây bất ổn trên Biển Đông; còn Bộ trưởng Nhật lên án Nga, Triều Tiên không hành xử dựa vào luật pháp quốc tế. Chiến sự Nga - Ukraine cũng “phả hơi nóng” đến Đối thoại Shangri-La.

Tuy nhiên, tất cả chỉ là vệ tinh xoay quanh mối quan hệ Trung - Mỹ với những mâu thuẫn truyền kiếp và một loạt vấn đề bất đồng quan điểm mới nảy sinh kể từ khi Washington đẩy mạnh chiến lược “xoay trục Châu Á- Thái Bình Dương”.

Ngay từ khi mở màn Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Lloyd Austin có bài phát biểu với nhan đề “Những bước đi tiếp theo trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ”. Sau đó, đại diện Trung Quốc, ông Ngụy Phương Hoa đáp lại bằng chủ đề “Tầm nhìn Trung Quốc với trật tự khu vực”.

Chiến lược của Washington chỉ rõ “mối nguy Trung Quốc tại châu Á- Thái Bình Dương”, kêu gọi các quốc gia trong khu vực “cùng phối hợp hành động” theo cơ chế mới để ngăn chặn.

Bắc Kinh, tuy ít biểu hiện quan điểm, song liên tục gia tăng hoạt động phi pháp, tăng cường vũ khí, tàu thuyền, tổ chức tập trận trên biển Đông. Có thể thấy rằng, Trung Quốc không bao giờ từ bỏ “con đường tai tiếng” ôm trọn vùng biển rộng lớn của khu vực Đông Nam Á.

Hai Bộ trưởng Quốc phòng Trung - Mỹ sẽ có cuộc gặp song phương tại Singapore. Tuy thế, giây phút chiếu lệ và ít ỏi này không mang lại hy vọng đôi bên có thể tìm ra giải pháp giải quyết căng thẳng.

Kể từ thời điểm chiến tranh thương mại Mỹ- Trung xảy ra, mối quan hệ Trung - Mỹ tụt dốc nghiêm trọng. Xung đột Mỹ- Trung không chỉ xoay quanh kinh tế, công nghệ mà còn liên quan cả vấn đề chính trị, nhân quyền, chủ quyền ở Đài Loan, Tân Cương, Tây Tạng. Chiến sự Nga - Ukraine cũng bồi thêm "nhát dao" khiến Mỹ - Trung khó thông cảm cho nhau hơn.

Ví dụ, Washington cam kết bảo vệ Đài Loan khỏi các cuộc tấn công vũ trang. Trong khi Trung Quốc cảnh báo “nếu quốc gia nào chia cắt Đài Loan khỏi đại lục, chắc chắn Trung Quốc sẽ xảy ra cuộc chiến tranh với quốc gia đó”.

Mỹ và Trung Quốc chỉ trích nhau tại Shangri-La

Mỹ và Trung Quốc chỉ trích nhau tại Shangri-La

Trong khi đó, Nhật Bản và ASEAN cố gắng đóng vai trò “người trung gian” làm dịu bớt căng thẳng. Lần đầu tiên, tại một diễn đàn đa phương tầm cỡ, các nước Đông Nam Á được đóng vai trò quan trọng. Vì sao?

Trung Quốc và Mỹ với tầm nhìn chiến lược mới, dù muốn hay không vẫn phải hướng về Đông Nam Á, nơi nắm giữ thế mạnh địa chính trị, kinh tế, được dự báo nổi lên thành trung tâm của Châu Á - Thái Bình Dương trong vài thập kỷ tới.

Bắc Kinh cần Đông Nam Á “im lặng”; không liên kết với Mỹ; không đồng loạt lên án nước này thực hiện các hoạt động gia tăng sức mạnh tại Biển Đông. Tuy nhiên, thời kỳ dọa nạt, cưỡng ép đã qua, cứng rắn quá mức sẽ đẩy láng giềng về phía đối thủ!

Washington cần Đông Nam Á cùng hợp tác đẩy lùi Trung Quốc, tạo thêm cứ điểm phòng thủ và tấn công, cùng kết hợp với đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia - là điều kiện cần cho chiến lược mới phát huy hiệu quả.

Không khí căng thẳng tại Shangri-La phản ánh đúng những gì diễn ra trên thực tế. Chiến đấu cơ Trung Quốc mới đây ngăn chặn các máy bay tuần thám của Australia và Canada trên Biển Đông, biển Hoa Đông, các vùng biển Bắc Kinh có yêu sách lãnh thổ vô lý.

Chúng ta đang sống trong thời kỳ mà thế giới phân mảnh cả về địa lý lẫn ý thức hệ. Đức tính nhượng bộ ngày càng ít thấy, thay vào đó là những cáo buộc, chỉ trích, đối đầu, nối dài căng thẳng, bất đồng.

Có thể bạn quan tâm

  • Mỹ ra

    Mỹ ra "đòn phủ đầu" Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La

    15:25, 01/06/2019

  • 5 nội dung đáng chú ý tại Đối thoại Shangri-La 2018

    5 nội dung đáng chú ý tại Đối thoại Shangri-La 2018

    04:46, 03/06/2018

  • Shangri-La 2018: “Nóng” vấn đề biển Đông và Triều Tiên

    Shangri-La 2018: “Nóng” vấn đề biển Đông và Triều Tiên

    19:57, 02/06/2018

  • Mỹ - Trung lại “hục hặc”…

    Mỹ - Trung lại “hục hặc”…

    03:10, 28/11/2021

  • Dấu hiệu

    Dấu hiệu "tăng nhiệt" trong căng thẳng thương mại Mỹ - Trung

    14:46, 11/02/2022

  • Mỹ - Trung có thể chung sống hòa bình?

    Mỹ - Trung có thể chung sống hòa bình?

    05:30, 18/11/2021

TRƯƠNG KHẮC TRÀ