Chiến sự leo thang, ba nhà lãnh đạo châu Âu bất ngờ đến Ukraine
Theo truyền thông quốc tế, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Italy Mario Draghi đã đến Kiev.
>>Nghịch lý lệnh trừng phạt của châu Âu với Nga
Theo AFP, các nhà lãnh đạo Pháp, Đức và Italy đã xuống từ tàu hỏa đến một sân ga ở thủ đô Ukraine. Khi được một nhà báo hỏi vì sao họ đến Ukraine, Tổng thống Pháp Macron nói: "Vì một thông điệp về sự thống nhất của châu Âu".
Đây là chuyến đi đầu tiên của các nhà lãnh đạo hàng đầu châu Âu tới Ukraine kể từ khi Nga tấn công đất nước này. Bộ ba nhà lãnh đạo Châu Âu dự kiến sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Volodymyr Zelensky.
Tuy nhiên, trao đổi với các phóng viên, Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết bà không mong đợi "những thông báo tích cực" từ chuyến thăm của các nhà lãnh đạo Pháp, Italy và Đức tới Ukraine.
"Tôi không chắc sẽ có những thông tin tích cực sau cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo nhưng bất kể nó sẽ kết thúc như thế nào, đây sẽ là cuộc gặp lịch sử mở đường cho một châu Âu mạnh hơn hoặc cho một Ukraine mạnh hơn", bà nói và cho biết thêm ba nhà lãnh đạo châu Âu đã đến Ukraine ngay giữa cuộc chiến Nga- Ukraine đang trở nên gay cấn, đó là một tín hiệu tuyệt vời giúp củng cố Ukraine và châu Âu".
Bà Vereshchuk cho biết có hai câu hỏi quan trọng cần đặt ra cho các nhà lãnh đạo châu Âu, đó là “Làm thế nào để chấm dứt chiến sự Nga- Ukraine? và làm thế nào để lật sang một trang mới cho Ukraine và mở ra con đường cho Ukraine vào Liên minh châu Âu?”.
Ủy ban EU dự kiến sẽ đưa ra ý kiến vào thứ Sáu tuần này về tư cách ứng cử viên của Ukraine. Sau đó, 27 quốc gia thành viên EU sẽ quyết định xem họ có đồng ý với ý kiến của Ủy ban Châu Âu hay không.
>>"NATO hóa” Châu Âu, thêm phép tính sai của Putin!
Trong khi hầu hết các quốc gia châu Âu đều ủng hộ Ukraine và hỗ trợ cho các nỗ lực chiến đấu của quốc gia này, thì nhiều chuyên gia đánh giá, không chắc chắn rằng họ sẽ ủng hộ Ukraine trở thành thành viên EU.
Ukraine được đặc cách tăng tốc trong giai đoạn nhận diện ứng viên, nhưng quá trình xét duyệt kết nạp có thể mất nhiều năm hay thậm chí vài thập kỷ. Trước đó, trong chuyến thăm tới Ukraine, Chủ tịch Ủy ban châu Âu cũng không hứa hẹn cụ thể về triển vọng Ukraine sớm là thành viên EU.
"Vẫn còn nhiều vấn đề cần cải cách, điển hình là chống tham nhũng hay hiện đại hóa chính quyền, tăng thu hút nhà đầu tư", bà Ursula von der Leyen lưu ý, dù ghi nhận giới lãnh đạo ở Kiev đã nỗ lực củng cố nền pháp quyền tại Ukraine.
Mặt khác, bà Ursula von der Leyen tập trung nhiều hơn vào viễn cảnh tái thiết ở Ukraine khi chiến sự Nga- Ukraine kết thúc, và cho rằng Ukraine cần "làm chủ hoàn toàn" quá trình tái thiết. EU cam kết hỗ trợ Ukraine vạch ra lộ trình "theo đuổi con đường châu Âu".
Câu hỏi liệu Ukraine có nên gia nhập EU hay không và Nga sẽ phản ứng như thế nào vẫn đang là một vấn đề gây tranh cãi trong nhiều năm. Năm 2013, các cuộc biểu tình ủng hộ châu Âu nổ ra sau khi cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych đưa ra quyết định đột ngột không ký thỏa thuận với EU. Thay vào đó, ông chọn theo đuổi thiết lập một mối quan hệ chặt chẽ hơn với nước Nga. Nhưng sau đó, Nga tấn công vào vùng Donbass và sáp nhập Crimea một cách bất hợp pháp.
Cho đến thời điểm hiện tại, một số nước EU, trong đó có Thụy Điển, Đan Mạch và Hà Lan chưa sẵn sàng chấp thuận cho Ukraine làm ứng viên. Đức vẫn chưa tuyên bố lập trường. Chưa rõ liệu chuyến đi đến Ukraine lần này của Thủ tướng Đức có mang tới những quyết định quan trọng hay không.
Thực tế chỉ ra, mở rộng liên minh nhanh chóng chưa bao giờ là điều dễ dàng đối với EU. Trong nhiều thập kỷ, họ đã do dự về việc hướng Đông, khi vấp phải nhiều vấn đề sau khi kết nạp một số quốc gia từng thuộc Liên Xô, bởi không phải tất cả trong số họ đều đáp ứng đủ yêu cầu về quản trị và chống tham nhũng mà khối đề ra.
Theo ông Rosa Balfour, Giám đốc Viện nghiên cứu Carnegie ở Brussels, Bỉ, chuyến công du lần này của các nhà lãnh đạo châu Âu tới EU có thể là một hành động biểu tượng cho sự ủng hộ quốc gia này trong cuộc chiến với Nga. Nhưng chắc chắn nó không phải là lời hứa về việc đưa nước này nhanh chóng gia nhập EU.
Có thể bạn quan tâm