Chiến sự Nga-Ukraine kéo dài, phương Tây ứng phó thế nào?

NHI NGUYỄN 21/06/2022 04:30

Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine đã qua ngày thứ 100, Nga, Ukraine và phương Tây đều chấp nhận một thực tế là cuộc chiến này sẽ còn kéo dài.

>>Thiếu hụt vũ khí, Ukraine có nguy cơ thất thủ ở Donbass?

thành phố Lysychansk ở Donbass. Ảnh: CNN

Thành phố Lysychansk ở Donbass bị phá hủy nặng nề do pháo kích. Ảnh: CNN

Bất chấp hàng loạt lời kêu gọi chấm dứt xung đột Nga- Ukraine từ Mỹ và châu Âu, các chuyên gia cho rằng chiến sự này sẽ chỉ kết thúc khi một bên giành thắng lợi hoàn toàn, hoặc khi cả hai bên chấp nhận thỏa hiệp.

Thực tế cho thấy khi không đạt được mục đích như ban đầu, Nga đã giảm bớt tham vọng, thay đổi cả chiến lược lẫn chiến thuật, thu hẹp các mục tiêu của chiến dịch quân sự bằng cách lui về Donbass, chiếm được thành phố cảng Mariupol bên bờ biển Azov, củng cố khu vực Kherson và cố gắng làm chủ hoàn toàn những thành phố trọng yếu như Severodonetsk và Lysychansk.  

Từ đây, một vấn đề đặt ra là Hoa Kỳ và châu Âu sẽ cần một chiến lược để kiểm soát cuộc xung đột này, không chờ đợi hai bên thỏa hiệp để kết thúc chiến tranh. 

Tuy nhiên, các tính toán của Kiev phức tạp hơn. Như mọi quốc gia khi bị tấn công, Ukraine buộc phải xem xét nhiều yếu tố, từ vũ khí hiện có, vũ khí viện trợ, dư luận phương Tây, đến mâu thuẫn nội bộ chính quyền Kiev và thuận lợi chiến trường nhờ địa hình vùng Donbass... 

Mặc dù lực lượng của Ukraine tốt hơn nhiều so với dự kiến, nhưng quốc gia này khó duy trì lợi thế này trong dài hạn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, Ukraine chắc chắn sẽ cầm cự. Người Ukraine tự tin vào sức mạnh và tinh thần vượt trội của quân đội, cũng như việc duy trì sự ủng hộ của Mỹ và phương Tây. Tất cả những điều này cho thấy Ukraine sẽ kiên trì và không chấp nhận nhượng bộ.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi mong muốn kết thúc chiến tranh ngày càng tăng khi chi phí nhân lực, kinh tế và ngoại giao cho cuộc chiến đã vượt quá dự kiến. Thỏa thuận được đề xuất phổ biến nhất là Ukraine cần nhượng một số lãnh thổ mà Nga hiện đang chiếm để đổi lấy việc Nga đồng ý chấm dứt chiến sự.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger và một số nước phương Tây như Pháp và Italy đã từng gợi ý chấm dứt xung đột bằng các giải pháp hòa bình. Điều này cho thấy, sự mất kiên nhẫn sau những đoàn kết ban đầu của phương Tây kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, Ukraine sẽ phải tự chiến đấu. Và ngay cả khi có sự giúp đỡ của phương Tây, quốc gia này cũng sẽ không thể khôi phục lại hiện trạng trước khi chiến sự diễn ra, thậm chí là trước năm 2014. Việc nhân nhượng lãnh thổ để có hòa bình có thể là một lựa chọn hấp dẫn đối với Ukraine, nhưng câu trả lời tùy thuộc vào khu vực nào với quy mô ra sao, khả năng lấy lại trong tương lai, cũng như các điều kiện hòa bình khác. Thậm chí, đây có thể cũng chỉ là một biện pháp tạm thời. Điều này rất khó để dự đoán.

>>Ukraine tự quyết vận mệnh, vì sao Châu Âu lại "rạn nứt"?

Australia viện trợ 14 xe bọc thép M113AS4 cho Ukraine

Australia viện trợ 14 xe bọc thép M113AS4 cho Ukraine

Ông Richard Hass, Chủ tịch Hội đồng Đối ngoại của Mỹ, cho rằng phương Tây cần chuẩn bị kịch bản cho chiến sự Nga- Ukraine kéo dài. Trong khi tránh can dự trực tiếp bằng biện pháp quân sự, Hoa Kỳ và châu Âu nên tiếp tục cung cấp cho Ukraine vũ khí, lương thực cần thiết cùng thông tin tình báo và đào tạo liên quan để nước này từng bước giành lại quyền kiểm soát lãnh thổ.

“Họ cũng nên ủng hộ mục tiêu khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine thông qua chính sách ngoại giao và áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga, hoan nghênh Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. Hơn thế nữa, Hoa Kỳ và châu Âu phải duy trì một quy chuẩn quốc tế quan trọng: biên giới không thể bị thay đổi bằng vũ lực”, Ông Richard Hass nhấn mạnh.

Theo ông Richard Hass, không gì hiệu quả hơn việc châu Âu cắt đứt nguồn cung dầu khí từ Nga. Họ nên ưu tiên thúc đẩy phát triển các nguồn cung năng lượng thay thế, áp dụng thuế quan đối với dầu khí của Nga để giảm nhu cầu hay sẵn sàng đối đầu các kế hoạch trả đũa của Nga.

Không sớm thì muộn, xung đột Nga - Ukraine sẽ dừng lại. Chẳng ai biết được nó sẽ kết thúc thế nào, và giải pháp cuối cùng sẽ ra sao, nhưng, nhiều nhà quan sát tin rằng cuộc chiến sẽ có ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình chính trị thế giới. Họ coi đây là một khoảnh khắc quan trọng với nhiều ngã rẽ. 

Có thể bạn quan tâm

  • Ukraine tự quyết vận mệnh, vì sao Châu Âu lại

    Ukraine tự quyết vận mệnh, vì sao Châu Âu lại "rạn nứt"?

    05:14, 20/06/2022

  • Thiếu hụt vũ khí, Ukraine có nguy cơ thất thủ ở Donbass?

    Thiếu hụt vũ khí, Ukraine có nguy cơ thất thủ ở Donbass?

    04:37, 19/06/2022

  • Ukraine sẽ nhượng bộ một phần lãnh thổ cho Nga đổi lấy hòa bình?

    Ukraine sẽ nhượng bộ một phần lãnh thổ cho Nga đổi lấy hòa bình?

    05:14, 18/06/2022

  • Cuộc chiến Nga - Ukraine: Giải pháp nào là lối ra cho cuộc chiến?

    Cuộc chiến Nga - Ukraine: Giải pháp nào là lối ra cho cuộc chiến?

    04:30, 18/06/2022

NHI NGUYỄN