Ông Shinzo Abe và di sản Abenomics

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 10/07/2022 05:00

Ông Shinzo Abe là chính trị gia tài năng. Di sản "Abenomics" có giá trị đặc sắc ở hai phương diện ưu điểm lẫn hạn chế.

Ông Shinzo Abe để lại di sản đáng ngưỡng mộ

Ông Shinzo Abe để lại di sản đáng ngưỡng mộ- Abenomics

>>Nhật Bản sẽ ra sao khi theo đuổi chủ nghĩa tư bản kiểu mới?

Ông Shinzo Abe là người giữ vị trí Thủ tướng Nhật Bản 4 nhiệm kỳ liên tục trước khi rời chính trường vào tháng 8/2020 vì lý do sức khỏe. Di sản nổi tiếng nhất của ông Abe là “Abenomics”- chính sách kinh tế nhằm phục hưng Nhật Bản.

Sau thành tựu làm nên giai thoại “thần kỳ Nhật Bản”, nền kinh tế nước này tăng trưởng gần như bằng 0 trong giai đoạn từ 1990 - 2012. Đây là kết quả của già hóa dân số, giảm chi tiêu dùng, thảm họa thiên tai và nợ công từ các đời Thủ tướng trước để lại. Nhật Bản bắt đầu tuột dần từ nền kinh tế số 2 thế giới, lần lượt bị Đức, Trung Quốc vượt qua.

Abenomics ra đời từ năm 2012 và được triển khai từ nhiệm kỳ Thủ tướng thứ 2 của ông Abe. Sáng kiến này tập trung vào 3 vấn đề lớn: Nới lỏng chính sách tiền tệ; thúc đẩy chi tiêu công và tăng trưởng kinh tế sâu rộng.

Bằng uy tín của mình, ông Abe đạt được cam kết giảm lãi suất với Ngân hàng Trung ương - kết quả chưa từng có trước đó. Nhật Bản áp dụng chính sách lãi suất cho vay dưới 0%. Nguồn vốn trở nên dồi dào, người dân mạnh tay chi tiêu; còn doanh nghiệp nhận thấy cơ hội mở rộng sản xuất kinh doanh.

Từ tháng 12/2012, nền kinh tế Nhật chứng kiến trạng thái tăng trưởng trở lại sau 22 năm đứng yên, kéo dài đến 71 tháng liên tục, kết thúc vào tháng 10/2018. Các chuyên gia kinh tế của Văn phòng Nội các Nhật Bản khẳng định thành quả đạt được nhờ chính sách tiền tệ siêu nới lỏng và những dự án đầu tư công quy mô lớn - theo tinh thần Abenomics.

Nếu như giai đoạn tăng trưởng 57 tháng liên tục sau sự kiện Olympic Tokyo 1964 nhờ kích thích người dân sắm tivi, tủ lạnh, điều hòa, xe hơi thì Abenomics tạo điều kiện cho người dân “lên đời” hàng loạt thiết bị.

Xét về quy mô, nền kinh tế Nhật Bản đã tăng từ 491.408 nghìn tỷ Yên năm 2011 lên 546.848 nghìn tỷ Yên vào năm 2017, 555.607 tỷ Yên vào năm 2019. Năm 2011, xuất khẩu của Nhật Bản tăng trưởng âm 0,2% thì 6 năm sau đạt tăng trưởng dương 6,7% nhờ đồng Yên được điều chỉnh hạ giá.

>> Ông Shinzo Abe và dấu ấn quan hệ Việt Nam - Nhật Bản

Thành công của Abenomics là quá rõ ràng. Tuy vậy, chính sách này cũng có những hạn chế, giúp các nước đang phát triển có cái nhìn thực tế hơn về chính sách tài khóa tiền tệ, chuyển đổi mô hình tăng trưởng cũng như cân bằng giữa an sinh và phát triển kinh tế.

Hạn chế của Abenomics cho thấy nền kinh tế Nhật đã tới hạn tăng trưởng

Hạn chế của Abenomics cho thấy nền kinh tế Nhật đã tới hạn tăng trưởng

Tài chính và tiền tệ không phải là công cụ vạn năng, tiền tệ mang chức năng lưu thông, cất trữ và thanh toán. Theo quan điểm của K.Marx, “tiền chính là loại hàng hóa đặc biệt" vì: tiền có giá trị sử dụng đặc biệt. Với P. Smuaelson, tiền chính là thứ dầu bôi trơn trong các guồng máy luân chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất để đi đến nơi tiêu dùng.

Theo quan điểm của M. Freidman, tiền tệ ra đời là kết quả tất yếu của sự phát triển nền kinh tế thị trường hiện đại. Như vậy bản chất của tiền tệ không phải là “động lực” có thể duy trì tăng trưởng lâu bền.

Nước Mỹ chi hàng nghìn tỷ USD trong đại dịch COVID-19, châu Âu đưa lãi suất về cận 0 đến âm nhưng không thể giải quyết bài toàn suy thoái, khủng hoảng đa chiều. Nền kinh tế ngập trong vốn siêu rẻ giờ đây vật lộn với lạm phát nghiêm trọng.

Có thể nhìn thấy nguyên nhân ở hệ thống doanh nghiệp Nhật Bản, những cái tên đình đám nhất ngày càng bị những thương hiệu đến từ Trung Quốc, Mỹ vượt mặt. Trong danh sách 50 doanh nghiệp lớn nhất thế giới về doanh thu, Nhật Bản chỉ còn lại 3 đại diện trong ngành ô tô: Mitsubishi, Honda và Toyota.

Động lực tăng trưởng bền vững nằm ở chính sách linh hoạt, cơ cấu dân số, tài nguyên thiên nhiên, con người và khả năng sáng tạo, đổi mới. Những mấu chốt này ở Nhật Bản đều có dấu hiệu thoái trào.

Tăng chi tiêu công là con dao hai lưỡi - nếu như nền kinh tế không đủ công suất để sản sinh lợi nhuận bù đắp, sẽ rơi vào trạng thái tăng trưởng con số phi thực tế. Nợ công dài hạn của Nhật Bản hiện cán mốc 1 triệu tỷ Yên, tương đương 7.700 tỷ USD, tăng liên tục trong vòng 18 năm gần đây!

Có thể bạn quan tâm

  • Ông Shinzo Abe và dấu ấn quan hệ Việt Nam - Nhật Bản

    Ông Shinzo Abe và dấu ấn quan hệ Việt Nam - Nhật Bản

    19:53, 08/07/2022

  • Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe qua đời sau khi bị ám sát

    Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe qua đời sau khi bị ám sát

    16:11, 08/07/2022

  • Đang phát biểu ở Nara, cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe bất ngờ bị ám sát

    Đang phát biểu ở Nara, cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe bất ngờ bị ám sát

    10:45, 08/07/2022

TRƯƠNG KHẮC TRÀ