Trật tự kinh tế thế giới mới (Kỳ II): Cục diện hậu chiến sự Nga - Ukraine

TS. BÙI NGỌC SƠN, Chuyên gia kinh tế độc lập ] 10/07/2022 12:00

Chiến sự Nga- Ukraine là một biến cố địa chính trị nhưng cũng mang một ý nghĩa địa kinh tế vô cùng lớn, làm thay đổi cán cân quyền lực của một số cường quốc.  

>> Trật tự kinh tế thế giới mới (Kỳ I): Vòng xoáy xung đột và phân rã

Trước cuộc chiến này, sự phân rã và cô lập của Mỹ và phương Tây đối với Trung Quốc là nổi bật. Tuy nhiên, sự liên minh giữa Trung Quốc và Nga đã đẩy sự phân rã thêm một bước.

 Các lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây có thể sẽ đẩy qui mô kinh tế Nga xuống dưới 1.000 tỷ USD. Ảnh: Getty

Các lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây có thể sẽ đẩy qui mô kinh tế Nga xuống dưới 1.000 tỷ USD. Ảnh: Getty

Hình thành phe nhóm

Trong thời chiến trạnh lạnh, sự chia phe giữa một bên là hệ thống kinh tế thị trường với một bên là hệ thống kinh tế kế hoạch mang tính mệnh lệnh. Còn hiện tại, cả Trung Quốc và Nga đã có mối liên hệ khá chặt chẽ với hệ thống kinh tế thị trường của Mỹ và phương Tây.

Đặc điểm cơ bản của sự phân phe lần này nằm ở sự “liên minh” giữa một đối tượng đang bị cô lập về kinh tế xuất phát từ cạnh tranh địa kinh tế là Trung Quốc và một đối tượng bị cô lập xuất phát từ các lệnh cấm vận vì lý do địa chính trị là Nga.

Hiện tại, Trung Quốc vẫn ngầm ủng hộ và hỗ trợ Nga trong chiến sự ở Ukraine. Tất cả cho thấy, dù không công khai đang có một “liên minh” nào đó giữa Nga và Trung Quốc nhằm chống lại Mỹ và phương Tây, nhưng đang có sự chia phe rõ ràng giữa Mỹ và phương Tây với Trung Quốc và Nga.

Ngoài ra, sự chia phe hiện nay phần nào cũng phải kể đến nhóm nước như Syria, Bắc Triều Tiên, Cu Ba, Iran và Venezuela vì nhóm này hiện đang bị cấm vận của Mỹ và phương Tây, và họ có sự gắn kết không chỉ về chính trị mà cả kinh tế với cả Nga- Trung Quốc.

>> Tấn công Ukraine, Nga đã "dính bẫy" phương Tây?

Thế khó của Nga và Trung Quốc

Quyền lực hay quyền lãnh đạo tùy thuộc rất lớn vào qui mô của nền kinh tế và sự liên kết của nền kinh tế với kinh tế toàn cầu. Nga có qui mô GDP năm 2013 gần 2.300 tỷ USD. Sự cấm vận của Mỹ và phương Tây từ năm 2014 vì sáp nhập Crimea khiến GDP giảm xuống mức thấp nhất là 1.276 tỷ USD năm 2016, sau đó phục hồi lên mức gần 1.600 tỷ USD vào năm 2021.

Sự cấm vận chưa từng có vì chiến sự ở Ukraine nhiều khả năng sẽ đẩy qui mô GDP của Nga xuống dưới mức 1.000 tỷ USD. Quan trọng không kém, nền kinh tế Nga gần như bị cô lập hoàn toàn khỏi kinh tế thế giới vì các lệnh cấm vận. Tất cả cho thấy vai trò và tiếng nói của Nga trong quản trị kinh tế toàn cầu gần như biến mất. Điều này có nghĩa chỉ còn lại một mình Trung Quốc là người cùng phe.

d

Trung Quốc đang đẩy mạnh mua dầu giá rẻ của Nga

Về phía Trung Quốc, ngay cả trước COVID-19, nền kinh tế này đã mất đà tăng trưởng khi các động lực tăng trưởng của họ mất dần tác dụng, cơ cấu kinh tế lạc hậu chậm đổi mới, dân số già đi nhanh chóng, năng suất lao động giảm dần. Trong khi đó, những chính sách kiểm soát BigTech, cùng như hạn chế hoạt động của các công ty nước ngoài… đang làm cho nền kinh tế Trung Quốc mất động lực nghiêm trọng.

Đáng chú ý, khu vực bất động sản chiếm gần 30% GDP của Trung Quốc đang trong tình trạng vỡ nợ hàng loạt, đe dọa kéo theo một cuộc khủng hoảng tài chính nếu không có sự can thiệp của Nhà nước. Tồi tệ hơn, chính sách zero-Covid cực đoan đang làm tê liệt nền kinh tế Trung Quốc. FitchRatings đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2022 của Trung Quốc từ 4,8% xuống chỉ còn 4,3%.

Trung Quốc gặp triển vọng đầy thách thức về kinh tế như vậy sẽ khó khăn trong việc duy trì hay phát triển ảnh hưởng quốc tế. 

“So găng” quyền lực

Dù vẫn có ý kiến cho rằng khó mà phân rã giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vì chúng phụ thuộc nhiều vào nhau nhưng trên thực tế, sự phân rã đã diễn ra rồi. Việc thuê nguồn ngoại đang thành thuê nguồn nội, và điều này cũng có nghĩa là toàn cầu hóa đang thu hẹp và sẽ kết thúc trong vòng ba thập kỷ tới.

Quan trọng hơn, sụt giảm tăng trưởng là vấn đề cơ cấu, và sự phân rã kinh tế thực chất là cạnh tranh địa chính trị. Tất cả điều này cho thấy Trung Quốc đang đối mặt với sự suy yếu mang tính dài hạn. Cuộc chiến Nga-Ukraine và cả đại dịch COVID-19 đã làm tồi tệ hơn triển vọng của nền kinh tế Trung Quốc trong dài hạn.

Nếu tăng trưởng GDP không đạt mức trung bình 5%/năm liên tục đến năm 2030, Trung Quốc sẽ không bao giờ đuổi kịp Mỹ để có thể trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thực tế cho thấy khả năng đạt được tốc độ tăng trưởng GDP 5%/năm của Trung Quốc gân như bằng không. Thậm chí, nước này đang phải đối mặt với nhiều thập kỷ mất mát tương tự như Nhật Bản từ đầu thập niêm 1990 đến nay.

Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh phương Tây vẫn chiếm ưu thế lớn về quyền lãnh đạo hệ thống. Tổng GDP của nhóm G7 gồm Mỹ, Anh, Nhật Bản, Đức, Italia, và Pháp lên tới gần 39.000 tỷ USD năm 2021. Trong khi đó, tổng GDP của Trung Quốc và Nga chỉ ở mức khoảng 16.000 tỷ USD trong cùng năm.

Đặc biệt, Mỹ và phương Tây sở hữu nền khoa học và công nghệ có nền tảng cơ bản, tiên tiến hơn; nền kinh tế đầy sáng tạo, năng suất lao động cao. Trong khi, Trung Quốc và Nga còn lệ thuộc nhiều vào công nghệ; nền kinh tế thiếu sáng tạo, năng suất thấp.

Thế lực kinh tế của Trung Quốc và Nga từ cuộc chiến Nga-Ukraine đang trong xu hướng suy yếu và giảm sức mạnh so với Mỹ và phương Tây. Dù gặp khó khăn trong ngắn hạn vì những cấm vận đối với Nga, quyền lực và quyền lãnh đạo của Mỹ và phương Tây nhiều khả năng sẽ tăng lên, tương tự như thời kỳ sụp đổ bức tường Berlin.

Có thể bạn quan tâm

  • Chiến sự Nga- Ukraine: Liệu có xung đột quân sự NATO- Nga?

    Chiến sự Nga- Ukraine: Liệu có xung đột quân sự NATO- Nga?

    05:00, 08/07/2022

  • Chiến sự Nga - Ukraine: Phần thắng sẽ thuộc về ai?

    Chiến sự Nga - Ukraine: Phần thắng sẽ thuộc về ai?

    05:10, 06/07/2022

  • Lộ diện

    Lộ diện "phần băng chìm" trong chiến sự Nga- Ukraine

    05:10, 04/07/2022

  • "Giật mình" với những toan tính địa chính trị trong chiến sự Nga - Ukraine

    05:14, 21/06/2022

TS. BÙI NGỌC SƠN, Chuyên gia kinh tế độc lập ]