“Mong manh” an ninh lương thực
Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Nga- Ukraine sẽ khó đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu, nhất là khi Nga vẫn tiếp tục tấn công các cảng biển của Ukraine.
Nga và Ukraine vừa đạt được thỏa thuận “giải cứu” hàng trăm triệu tấn ngũ cốc xuất khẩu sang nước thứ 3.
>> Tia hy vọng mới đẩy lùi khủng hoảng lương thực toàn cầu
Các bên cùng có lợi
Sau ngày 24/2, Nga đã phong tỏa một nửa hải cảng Ukraine, không tàu buôn nào dám tiếp cận vì sợ trở thành mục tiêu tấn công. Điều này đã khiến nguồn cung ngũ cốc khoảng 22 triệu tấn bị mắc kẹt, gây ra khủng hoảng lương thực ở ngay cả những nước giàu có.
Liên Hợp Quốc ước tính chiến sự Nga - Ukraine đẩy thêm 95 triệu người vào cảnh nghèo đói cùng cực và 50 triệu người thiếu đói nghiêm trọng.
Trước bối cảnh nói trên, Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc đã đạt được thỏa thuận cho phép giải phóng 3 triệu tấn ngũ cốc mỗi tháng xuất phát từ Biển Đen. Theo đó, việc xuất cảng ngũ cốc từ Odessa, Pivdennyi và Chornomorsk được hộ tống bởi hải quân Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời là bên phán xét mọi hành động vi phạm cam kết.
Đây là lần đầu tiên Châu Âu ra quyết định cho phép giải phóng các nguồn tiền sử dụng để mua sắm, nhập khẩu và vận chuyển vật tư nông nghiệp và thực phẩm của Nga.
>> Báo động đỏ nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu
Như vậy, các thế lực đối đầu kịch liệt đã tạm gác lại mâu thuẫn cùng nhau giải quyết khủng hoảng lương thực. Đây là điểm rất đặc trưng ở các nước phương Tây - chỉ cần đảm bảo lợi ích hài hòa, mọi chuyện nhanh chóng ổn thỏa.
Tiềm ẩn rủi ro
Châu Âu và Mỹ cần lương thực để “hạ nhiệt” lạm phát. Trong khi Nga coi như sử dụng rất thành công “vũ khí lương thực” khi họ được giải phóng một số lệnh cấm vận để tái thiết nền nông nghiệp.
Lương thực giúp xích lại gần nhau nhưng lương thực không phải là điều kiện kết thúc chiến sự Nga- Ukraine; còn mâu thuẫn sâu sắc Nga- phương Tây lại càng không thể được giải quyết một sớm một chiều.
Chưa đầy 24h sau thỏa thuận nói trên, một vụ nổ lớn xảy ra tại cảng Odessa. Bộ Quốc phòng Nga đã chính thức xác nhận tấn công cảng Odessa để phá hủy kho chứa tên lửa Harpoon và một tàu quân sự của Ukraine. Tuy sự việc không mấy nghiêm trọng, nhưng cho thấy xung đột vũ trang ở Đông Âu hiện rất phức tạp, ở đó không chỉ có Kiev và Moscow!
Hơn nữa, sự “bằng mặt không bằng lòng” thể hiện rõ trong buổi lễ ký kết thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc tại Istabul. Phái đoàn Nga và Ukraine không ngồi cùng bàn, họ ký riêng rẽ với các quan chức nước chủ nhà và phái bộ Liên Hợp Quốc rồi chuyển cho nhau qua trung gian. Một số đại diện Ukraine giải thích họ không muốn tên của mình xuất hiện cùng quan chức Nga.
Ngoại trừ thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc, chiến sự Nga- Ukraine vẫn “nóng” khắp mọi mặt trận, thậm chí các hải cảng xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine vẫn có thể hứng chịu thêm bom đạn. Do đó, không gì chắc chắn hai bên sẽ duy trì thỏa thuận đủ lâu để giải quyết nạn đói khắp thế giới.
Có thể bạn quan tâm
Căng thẳng Nga- Ukraine "leo thang" sau khi thỏa thuận ngũ cốc được ký kết
04:00, 24/07/2022
Chiến sự Nga- Ukraine: Những điều chưa từng có tiền lệ!
05:00, 30/07/2022
Ukraine phản công ở Kherson, Nga chống đỡ kiểu gì?
04:00, 29/07/2022
Ukraine dồn lực chiếm lại Kherson từ Nga
15:08, 28/07/2022
Kịch bản nào kết thúc chiến sự Nga- Ukraine?
05:10, 28/07/2022