Chiến sự Nga- Ukraine: “Hé lộ” điểm yếu của Đức

NHẬT LINH 13/08/2022 04:37

Đức- cường quốc lớn nhất của Châu Âu đang đứng trước thách thức phải thay đổi để thích nghi với những tác động của chiến sự Nga- Ukraine.

Đức chưa thực hiện việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine như đã hứa.

Đức chưa thực hiện việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine như đã hứa. Ảnh: Thủ tướng Đức Olaf Scholz

>> Cuộc chiến khí đốt Nga- EU: Châu Âu sẽ vượt qua thử thách?

Tính đến cuối tháng 7/2022, kế hoạch viện trợ của Đức đối với Ukraine chưa đạt được thực hiện như kỳ vọng. Theo thỏa thuận, các quốc gia như Ba Lan, Slovakia và Cộng hòa Séc sẽ cung cấp vũ khí thời Liên Xô cho Ukraine, còn Đức sẽ chuyển giao các thiết bị quân sự hiện đại của mình. Tuy nhiên, trải qua nhiều tháng đàm phán, Đức chưa thực hiện việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine như đã hứa. 

Động thái trì hoãn nói trên của Đức càng trở nên đáng lo ngại khi niềm tin của các nước thành viên EU vào Đức càng suy giảm do mối quan hệ năng lượng mật thiết của nước này với Nga, nhất là khi Đức từ chối đình chỉ dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2 vài ngày trước khi Nga phát động chiến sự Nga- Ukraine.

Nói dễ hơn làm

Trong giai đoạn mở đầu chiến sự Nga- Ukraine, chính quyền Đức gây chú ý bởi động thái phản ứng mạnh mẽ. Thậm chí, Thủ tướng Đức Olaf Scholz bất ngờ tuyên bố, cuộc tấn công của Nga trên lãnh thổ Ukraine đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử Châu Âu. Ông nhấn mạnh, nước Nga - cường quốc vũ trang hạt nhân - đã châm ngòi chiến tranh nhằm xóa sổ Ukraine, đồng thời công bố những thay đổi chính sách quan trọng và các biện pháp mới chưa từng có, bao gồm viện trợ Ukraine vũ khí và 100 tỷ euro chi tiêu quốc phòng.

Tuy nhiên, ông Wolfgang Ischinger, Chủ tịch Hội đồng An ninh Munich, cho rằng việc áp dụng hàng loạt chính sách mới vào thực tế là điều không hề dễ dàng. Một phần là bởi, ông Scholz phụ thuộc vào sự ủng hộ của Đảng Dân chủ Tự do, Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Xã hội của mình. Thủ tướng Đức không chỉ kêu gọi thay đổi quan hệ với Nga, từ đối tác sang đối đầu mà còn đề ra các cam kết quốc phòng mới.

Đức và các nước phương Tây có chung một nỗi lo an ninh rằng Nga có thể đẩy căng thẳng quân sự leo thang bằng việc sử dụng vũ khí hóa học và hạt nhân. Theo đó, “không can dự trực tiếp vào chiến sự Nga- Ukraine” đã trở thành khẩu hiệu ngầm của các nước NATO như Đức và chắc chắn rằng, ông Scholz không muốn được lịch sử ghi nhớ là nhà lãnh đạo đưa Đức vào trận chiến với Nga thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, kể cả khi không trực tiếp tham dự chiến sự Nga- Ukraine, thì rủi ro vẫn tiềm ẩn với nước Đức thông qua chương trình viện trợ quân sự của nước này cho Ukraine.

“Vấn đề đầu tiên đặt ra là liệu Nga có xác định ranh giới với các nước phương Tây, đặc biệt là Đức trong việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine? Nếu có, Đức và đồng minh phương Tây cần chuẩn bị cho những hệ quả khôn lường, chẳng hạn, nước Nga có thể trả đũa các nước Baltic hoặc tấn công đoàn xe viện trợ Ukraine trên chính lãnh thổ NATO”, ông Wolfgang Ischinger nhấn mạnh.

Trong trường hợp Ukraine tự thân đẩy lùi Nga khỏi vùng Donbass, một số nhà phân tích Đức quan ngại Nga càng cố gắng mở rộng cuộc chiến và tấn công ác liệt hơn. Nhưng vì sao Đức lại tỏ ra e dè trước tất cả những rủi ro đó hơn cả? Bởi dưới tác động của các trào lưu hòa bình sau Thế chiến II, chính sách đối ngoại của Đức được xây dựng dựa trên các nguyên tắc như Zurückhaltung (phản đối sử dụng vũ lực); giờ đây, chương trình Zeitenwende của ông Scholz sẽ biến đất nước thành trung tâm an ninh của châu Âu.

Vấn đề thứ hai liên quan đến chính quân đội Đức. Ông Wolfgang Ischinger cho rằng chiến sự Nga- Ukraine đã bắt đầu và nước này cho thấy nguồn vũ trang hạn chế có thể viện trợ cho Ukraine. Nhiều nhà bình luận cho rằng, thực trạng trên đã đẩy Đức vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”: Nên hay không thừa nhận sức mạnh chưa đủ lớn? Chính phủ Đức tỏ ra chần chừ, dẫn tới sự trì hoãn trầm trọng trong việc vận chuyển vũ khí hạng nặng tới Ukraine.

Mặt khác, việc Đức phụ thuộc lớn vào khí đốt nhập khẩu từ Nga đã gây ra nhiều tranh cãi giữa Berlin và các đồng minh châu Âu. Càng cắt giảm việc mua khí đốt nhập khẩu sớm, chiến sự Nga- Ukraine sẽ được rút ngắn và Đức sẽ không còn bị “buộc tội” là nguồn thu nhập chính của Gazprom (Công ty dầu khí của Nga). Song, Đức không thể để mặc giá dầu lên cao và bỏ qua mối đe dọa thiếu hụt khí đốt trong mùa đông tới. 

Các chuyên gia cho rằng Đức cùng với các thành viên khác của EU cần hợp sức để cung cấp vũ khí hạng nặng cho Kiev, nhằm mở đường cho những đàm phán hòa bình trong tương lai. Điều kiện tiên quyết để lệnh ngừng bắn diễn ra là quân đội Nga - Ukraine cùng suy yếu, nhưng cho tới hiện tại chưa có dấu hiệu khả quan cho những tính toán trên. Vì thế, nước Đức cần tập trung nỗ lực thay đổi cán cân và làm mọi thứ có thể để hỗ trợ quân đội Ukraine - ngay bây giờ, thay vì trong tương lai gần bởi Ukraine không thể chờ lâu hơn được nữa.

>> Chiến sự Nga- Ukraine đánh thức "gã khổng lồ" châu Âu

Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Hội nghị an ninh Munich trong cuộc họp các nước G7 tháng 6 vừa qua cho thấy, Đức không phải là quốc gia duy nhất nhìn nhận cuộc tấn công của Nga mang tính “bước ngoặt”. Từ 60 đến 70% số người được hỏi ở tất cả các nước G7 đồng ý rằng kỷ nguyên mới sẽ được định hình bởi sự trở lại của các mối đe dọa an ninh truyền thống, và phương Tây đang bước vào một cuộc Chiến tranh lạnh mới với Nga.

Vũ khí của Đức viện trợ cho Ukraine

Vũ khí của Đức viện trợ cho Ukraine

Châu Âu thuộc về ai?

Không chỉ chịu áp lực dư luận trong nước, người đứng đầu nước Đức còn phải củng cố EU. Vương quốc Anh ren rối hậu Brexit, mức độ tín nhiệm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron giảm sút và Thủ tướng Ý Mario Draghi đột ngột tuyên bố từ chức,... Tất cả những điều này khiến nhiều ý kiến e ngại việc Đức có sẵn sàng tiếp tục vai trò đầu tàu ở Châu Âu hay không? Suốt 3 thập kỷ qua, niềm tin của các nước thành viên EU vào Đức dần xói mòn bởi tiến độ chậm trễ của dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2. Không quá bất ngờ khi tháng 7 vừa qua, các đề xuất quan trọng của Thủ tướng Scholz, bao gồm việc cải cách quy trình chính sách đối ngoại của EU nhận được phản ứng thờ ơ của một số quốc gia Đông Âu. 

Tại thời điểm hiện tại, châu Âu vẫn cần dựa vào khả năng dẫn dắt chính trị và quân sự của Mỹ. Nhưng một châu Âu vững mạnh, độc lập về quân sự là mong muốn chung của tất cả các nước thành viên EU. Đây là vừa là thách thức, vừa là cơ hội để Đức lấy lại niềm tin và khẳng định vị trí của mình trên chính trường. Theo đó, ông Wolfgang Ischinger cho rằng, có 2 điều cần lưu ý.

Thứ nhất, EU cần có khả năng tự chủ quân sự cao hơn trong trường hợp NATO không thể hoặc không muốn hành động. Cử tri Mỹ sẽ bớt nhìn nhận châu Âu là nơi tiêu thụ tiền thuế của họ. Nước Đức hoàn toàn có khả năng đi đầu trong việc này, bởi trong 70 năm qua, Đức là nơi đặt căn cứ quan trọng của Mỹ ở châu Âu và quân đội của nước này thậm chí đã nhập vào các cấu trúc của NATO. 

Thứ hai, quy trình ra quyết định của EU phải thay đổi. Theo quy định hiện hành, bất kỳ quyết định mang tính đối ngoại nào của EU đều cần có sự ủng hộ nhất trí của tất cả các quốc gia thành viên; bất kỳ thành viên nào đều có thể phủ quyết. Thủ tướng Scholz hiện đã bắt tay giải quyết thách thức đó, nhưng do sự suy giảm lòng tin, ông thiếu sự hỗ trợ từ một số đối tác của mình trong Hội đồng châu Âu. Chỉ cần tuyên bố rằng, Đức sẽ không thực hiện quyền phủ quyết trong tình huống 26–0, mà sẽ bỏ phiếu trắng, ngay cả khi không thành công, đây sẽ là bước đi táo bạo và thể hiện cam kết thúc đẩy EU của Đức.

Hướng đi tương lai

Cùng một lúc, Đức đối mặt với hàng loạt thách thức, bao gồm cuộc khủng hoảng an ninh Châu Âu lớn nhất trong hàng thập kỷ, nguy cơ sụp đổ của nền kinh tế dân chủ truyền thống, tình trạng thiếu tự chủ quân sự của EU.

Những khó khăn trên đã đặt ra vấn đề chiến lược lớn đối với Đức và các đồng minh. Hãy nhìn chiến sự Nga- Ukraine: các cường quốc phương Tây tuyên bố chỉ có Nga và Ukraine mới có quyền quyết định về các vấn đề hòa bình hoặc lệnh ngừng bắn. Nhưng các quốc gia hỗ trợ quân sự, tình báo, kinh tế cho Ukraine đều có tác động tới diễn biến và kết quả cuối cùng của cuộc xung đột. Đó là lý do vì sao việc xây dựng một diễn đàn chung giữa Mỹ, châu Âu và Ukraine là cần thiết. Những cuộc thảo luận như vậy khó có thể tiến hành một cách công khai, Hoa Kỳ và các đồng minh lớn ở châu Âu có thể thành lập nhóm liên lạc bí mật cùng với Ukraine, để đảm bảo Kiev và phương Tây có chung đường đi nước bước.

Về khía cạnh này, ông Wolfgang Ischinger cho rằng Đức cũng có một lợi thế lớn khi họ chủ trì nhóm G7 năm nay. Cuộc tấn công của Nga lên lãnh thổ Ukraine đã vạch rõ những điểm khác biệt giữa các nước chuyên quyền và dân chủ. Và nếu phương Tây muốn vượt trội trong thời đại xung đột địa chính trị tăng cao, nhóm G7 cần xây dựng mối quan hệ liên minh với các nước Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ Latinh.

“Trong nhóm G7, Đức hẳn là quốc gia với ít gánh nặng hậu thuộc địa nhất, đồng thời cũng không can thiệp quân sự vào khu vực Trung Đông hay các nước khác. Vì thế, Đức là quốc gia phù hợp nhất để dẫn dắt chiến dịch toàn cầu chống lại nguy cơ sụp đổ trật tự thế giới. Nếu Đức có thể tiến lên dựa vào chương trình Zeitenwende của Thủ tướng Scholz và đón nhận sự thay đổi, thay vì tỏ ra cố chấp, Đức sẽ trở thành quốc gia lãnh đạo mà EU khao khát có hiện tại”, ông Wolfgang Ischinger nhấn mạnh. 

Có thể bạn quan tâm

  • Ukraine quyết

    Ukraine quyết "đánh bật" Nga khỏi vùng Đông Nam

    05:00, 11/08/2022

  • Ukraine quyết tâm chiếm lại bán đảo Crimea

    Ukraine quyết tâm chiếm lại bán đảo Crimea

    14:46, 10/08/2022

  • "Lối thoát" cho chiến sự Nga- Ukraine

    05:00, 10/08/2022

  • Mỹ “tiếp sức”, Ukraine phản công chiếm lại Kherson

    Mỹ “tiếp sức”, Ukraine phản công chiếm lại Kherson

    04:20, 10/08/2022

  • Chiến sự Nga- Ukraine: Báo động nguy cơ rò rỉ hạt nhân từ Zaporizhzhia

    Chiến sự Nga- Ukraine: Báo động nguy cơ rò rỉ hạt nhân từ Zaporizhzhia

    04:00, 09/08/2022

NHẬT LINH