Chiến sự Nga- Ukraine: "Nóng" cuộc chiến thông tin

CẨM ANH 22/08/2022 04:00

Theo Nikkei Asia Review, Nga đang dần bắt kịp Ukraine trong cuộc chiến thông tin đang diễn ra trên mạng xã hội.

>>Chiến sự Nga- Ukraine: Tiềm ẩn mối đe dọa hạt nhân

Xu hướng thông tin ủng hộ Nga trên Twitter đang gia tăng trong những tháng gần đây

Sau khi chiến sự Nga- Ukraine diễn ra vào tháng 2, nhiều người dân ở các nước phương Tây đã thể hiện sự quan tâm nhiều hơn đến các bài đăng có xu hướng ủng hộ Ukraine hơn là các dòng tweet ủng hộ Nga trên Twitter. Tuy nhiên, giờ đây họ đã trở nên dễ tiếp nhận các quan điểm nghiêng về phía Moscow khi lo ngại lạm phát gia tăng và nhờ sự tuyên truyền tích cực của Nga.

Công ty phân tích an ninh mạng Terilogy Worx có trụ sở tại Tokyo đã phân tích các dòng tweet được đăng trên Twitter, tập trung vào 10 từ khóa thể hiện sự ủng hộ đối với Ukraine, bao gồm "#standwithukraine" và 10 từ khóa ủng hộ Nga, chẳng hạn như "#standwithrussia." Công ty này cũng đã kiểm tra các bài đăng đã được retweet ít nhất tám lần.

Kết quả cho thấy, trong hai tháng sau khi chiến sự Nga- Ukraine bùng nổ vào ngày 24/2, các tweet ủng hộ Ukraine đã được tweet lại trung bình 120 lần cho mỗi tweet. Con số này lớn hơn so với 55 bài đăng ủng hộ Nga. Tương tự, có trung bình khoảng 500 lượt "thích" cho các bài tweet ủng hộ Ukraine, trong khi đó, các bài đăng ủng hộ Nga chỉ nhận được 180 lượt. Số liệu này cho thấy tầm ảnh hưởng của mỗi thông điệp trên Twitter của các nội dung liên quan đến Ukraine là 620 và con số này là 210 đối với các bài đăng có nội dung ủng hộ Nga.

Tuy nhiên, mọi thứ bắt đầu thay đổi trong khoảng thời gian từ ngày 24/5 đến ngày 6/6. Khoảng ba tháng sau cuộc chiến, các tweet ủng hộ Ukraine đã được tweet lại trung bình 90 lần, trong khi đó các bài đăng ủng hộ Nga đã tăng lượt tweet lên 105 lần. Các bài đăng ủng hộ Ukraine thu được trung bình 410 lượt thích, so với 280 cho các bài đăng ủng hộ Nga. Điểm tương tác cho các bài đăng ủng hộ Ukraine có xu hướng giảm nhẹ xuống còn 500, còn các tweet ủng hộ Nga có xu hướng tăng nhẹ lên 390 điểm.

Một chuyên gia của Terilogy Worx cho biết: “Những phản ứng có lợi đối với những bài đăng ủng hộ Nga đã trở nên đáng chú ý hơn khi sự quan tâm đến cuộc chiến bắt đầu suy giảm trên toàn thế giới”.

>>Nguy cơ rò rỉ phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia

Quân nhân Vệ binh Quốc gia Nga canh gác tại một công trình thủy lợi ở tỉnh Kherson, Ukraine

Quân nhân Vệ binh Quốc gia Nga canh gác tại một công trình thủy lợi ở tỉnh Kherson, Ukraine

Đáng chú ý, các dòng tweet bằng tiếng Ý chiếm 32% trong tổng số các tweet ủng hộ Nga từ ngày 24/2 đến ngày 20/4, tiếp theo là tiếng Tây Ban Nha với 20%. Khoảng 67% tweet ủng hộ Ukraine được viết bằng tiếng Anh.

Trao đổi với Nikkei Asia Review, Giáo sư Yoko Hirose của Đại học Keio cho biết: “Nga đã hoạt động tích cực hơn trên các nền tảng truyền thông để khiến công chúng dễ tiếp nhận quan điểm của mình. Moscow cũng nhắm vào các chiến dịch tuyên truyền vào các nhóm người có quan điểm chống Mỹ tại khu vực Mỹ Latinh như một cách để gây tác động đến người gốc Tây Ban Nha ở Mỹ". 

Bên cạnh đó, một số chuyên gia cho biết công chúng phương Tây đang cảm thấy "mệt mỏi" trước cuộc chiến kéo dài ở Ukraine, và có xu hướng chuyển sự lo ngại của họ sang vấn đề lạm phát. Ông Takahisa Kawaguchi, Cố vấn trưởng tại Tokio Marine dR, một công ty quản lý rủi ro có trụ sở tại Tokyo cho biết, đã có nhiều thông tin được lan truyền ở châu Âu rằng sự hỗ trợ quân sự của chính phủ các nước trong khu vực dành cho Ukraine và các lệnh trừng phạt chống lại Nga đang làm tổn hại cuộc sống của người dân.

Thậm chí, ngay tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden cũng chứng kiến tỷ lệ ủng hộ giảm xuống mức thấp nhất khi sự bất bình của công chúng về lạm phát ngày càng tăng. Đảng Dân chủ cũng được cho là sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới.

Mặc dù vậy, Cơ quan tình báo GCHQ của Anh đánh giá Nga không giành được ưu thế trên mặt trận thông tin với Ukraine gần 6 tháng sau chiến sự. Theo Jeremy Fleming, lãnh đạo cơ quan tình báo Anh, Nga đã dùng phần mềm độc hại WhisperGate để phá hủy các hệ thống mạng máy tính của chính phủ Ukraine. Ông cho rằng hành vi sử dụng các công cụ mạng phục vụ mục đích tấn công như vậy là "vô trách nhiệm và bừa bãi".

Có thể bạn quan tâm

  • Chiến sự Nga- Ukraine: Tiềm ẩn mối đe dọa hạt nhân

    Chiến sự Nga- Ukraine: Tiềm ẩn mối đe dọa hạt nhân

    04:00, 20/08/2022

  • Chiến sự Nga- Ukraine: Nga trước thách thức bảo vệ Crimea

    Chiến sự Nga- Ukraine: Nga trước thách thức bảo vệ Crimea

    04:30, 19/08/2022

  • Chiến sự Nga- Ukraine: Ukraine đối mặt mối đe dọa từ phía Bắc

    Chiến sự Nga- Ukraine: Ukraine đối mặt mối đe dọa từ phía Bắc

    04:00, 19/08/2022

  • Chiến sự Nga- Ukraine: Ukraine tìm “lỗ hổng” để phản công Nga

    Chiến sự Nga- Ukraine: Ukraine tìm “lỗ hổng” để phản công Nga

    04:10, 17/08/2022

CẨM ANH