Báo động nguy cơ khủng hoảng lương thực trầm trọng hơn
Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Nga- Ukraine đang đứng trước nguy cơ đổ bể, gây ra lo ngại về đợt khủng hoảng lương thực tiếp theo tồi tệ hơn.
>>Báo động đỏ nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu
Hồi tháng 7 năm nay, thỏa thuận giải phóng ngũ cốc do Liên Hợp Quốc chủ trì cùng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cam kết bảo đảm an toàn cho nguồn lương thực hàng trăm triệu tấn xuất khỏi cảng miền Nam Ukraine, cứu thế giới khỏi nạn đói. Đến nay đã có khoảng 2 triệu tấn ngũ cốc đã xuất cảng.
Nhưng tình hình chiến sự Nga- Ukraine ngày một phức tạp ở miền Nam, tuyến vận tải ở khu vực này có thể bị “đóng băng”. Do đó, thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Nga- Ukraine đang đứng trước nguy cơ đổ bể, gây ra lo ngại về đợt khủng hoảng lương thực tiếp theo tồi tệ hơn.
Đại diện hãng vận tải biển CMB có trụ sở tại Bỉ bày tỏ lo ngại: “Hiện tại, chúng tôi không gửi tàu của mình đến các cảng của Ukraine vì chúng tôi không tin rằng nó an toàn”.
Với tốc độ xuất khẩu ngũ cốc hiện tại qua 3 cảng Odesa, Chornomorsk và Pivdennyi, cần đến nửa năm để giải phóng hết khối lượng tồn kho từ vụ thu hoạch năm ngoái. Một “núi” ngũ cốc khác sẽ được tích tụ từ vụ thu hoạch hiện tại, bao gồm 20 triệu tấn lúa mì và ngô của Ukraine dự kiến đạt tổng cộng khoảng 30 triệu tấn.
Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo rằng Nga có thể rút lại cam kết hỗ trợ cho hành lang biển sau khi ông cáo buộc Kiev sử dụng nó để xuất khẩu ngũ cốc sang châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ, chứ không phải các quốc gia nghèo cần lương thực nhất, đặc biệt là ở châu Phi.
Trong khi Ukraine ngập trong lương thực thì thế giới vẫn chưa vượt qua nạn đói cận kề. Tại vùng Sừng châu Phi, hơn 1.000 trẻ em tử vong và 7 triệu trẻ em suy dinh dưỡng vì thiếu ăn. Nhiệt độ cao kỷ lục ở Trung Quốc đẩy hàng tỷ người đến gần hơn với khủng hoảng lương thực, ở mức độ trầm trọng.
Vựa lương thực lớn nhất châu Âu có thể sụp đổ do nông dân không bán được nông sản, không có tiền tái đầu tư, đồng nghĩa với việc trồng lúa mì vụ đông đang trên đà giảm khoảng một phần ba so với năm ngoái. Điều đó có thể kéo dài khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Nga coi hành động Ukraine bán ngũ cốc cho châu Âu là gián tiếp chống lại mình, bởi Moscow có vai trò không thể thiếu để lương thực xuất cảng, cứu đói châu Phi theo yêu cầu của Liên Hợp Quốc. Tổng thống Nga gọi đây là “trò lừa bịp trơ tráo”.
Ông Putin phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông, rằng chỉ 2 trong số 80 tàu chở ngũ cốc Ukraine đến với châu Phi; châu Âu hành động như chủ nghĩa thực dân và một lần nữa lại lừa dối các quốc gia đang phát triển.
Nếu như Kremlin rút khỏi thỏa thuận, ngũ cốc Ukraine một lần nữa tắc nghẽn như trước thời điểm tháng 7. Như đã thấy, nó ảnh hưởng ngay lập tức đến tận nước Mỹ giàu có thịnh vượng.
Cuộc chiến Nga - Ukraine chưa định được hồi kết, hàng loạt nguy cơ khủng hoảng thứ cấp rình rập, nhu cầu về lương thực như trở lại thời tiền sử - đảm bảo cái ăn trước khi nghĩ đến chuyện lớn lao hơn.
Toàn cầu chật vật với hai nhiệm vụ dường như đối lập, một mặt giải quyết nhu cầu tối thiểu, mặt khác giải quyết các vấn đề tối đa - đó là mối lo nền công nghệ thứ tư, khủng hoảng chip.
Có thể bạn quan tâm
Tia hy vọng mới đẩy lùi khủng hoảng lương thực toàn cầu
04:30, 30/07/2022
Liên Hợp Quốc "bế tắc" đàm phán, khủng hoảng lương thực sẽ trầm trọng hơn?
15:07, 07/06/2022
Báo động đỏ nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu
11:30, 28/05/2022
WEF DAVOS 2022: Quan ngại nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu
16:00, 26/05/2022
WEF DAVOS 2022: Thế giới tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu
15:08, 24/05/2022
Việt Nam cần làm gì với nguy cơ "khủng hoảng lương thực" toàn cầu?
02:33, 19/04/2022
COVID-19 và nỗi lo khủng hoảng lương thực toàn cầu
09:05, 21/09/2021
Nguy cơ khủng hoảng lương thực Châu Á
11:00, 07/12/2019