Nhịp sống thế giới từ ngày 5-11/9
Nữ hoàng Anh Elizabeth II qua đời; Bà Liz Truss trở thành Tân Thủ tướng Anh; Kinh tế Brazil ghi nhận giảm phát... là những tin đáng chú ý trong tuần này.
>>Nhịp sống thế giới từ ngày 22-28/8
1. Kinh tế Brazil ghi nhận giảm phát trong tháng thứ hai liên tiếp
Viện Địa lý và Thống kê Brazil (IBGE) công bố số liệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh này trong tháng 8/2022 ghi nhận giảm phát trong tháng thứ hai liên tiếp. Chỉ số giá tiêu dùng tại Brazil đã giảm 0,36% so với tháng trước đó.
2. Hong Kong (Trung Quốc) được xếp hạng nền kinh tế tự do nhất thế giới trong 28 năm liên tiếp
Viện nghiên cứu Fraser của Canada vừa công bố “Báo cáo thường niên về mức độ tự do kinh tế thế giới 2022”. Theo đó, Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) đứng đầu thế giới trong 28 năm liên tiếp. Trong số 5 hạng mục đánh giá, Hong Kong tiếp tục đứng đầu về tự do thương mại quốc tế.
3. ECB tăng lãi suất mạnh chưa từng thấy
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 8/9 nâng lãi suất cơ bản 0,75 điểm phần trăm, bước nhảy lớn chưa từng có trong lịch sử ECB, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục tăng lãi suất. Động thái này một lần nữa cho thấy ưu tiên chống lạm phát của ECB ngay cả khi nền kinh tế khu vực Eurozone đứng bên “miệng hố” suy thoái và đối mặt nguy cơ phải chia khẩu phần khí đốt trong mùa đông sắp đến.
4. Nữ hoàng Anh Elizabeth II qua đời
Điện Buckingham thông báo, Nữ hoàng Anh Elizabeth II đã qua đời vào ngày 8/9 ở tuổi 96. Thái tử Charles, 73 tuổi, sẽ kế vị Nữ hoàng Elizabeth II cũng như trở thành nguyên thủ của 14 quốc gia khác thuộc khối Vương quốc Thịnh vượng chung.
>>Nhịp sống thế giới từ ngày 29/8- 4/9
5. EU và Anh hỗ trợ gần 230 tỷ USD cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì dịch COVID-19
Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, Liên minh châu Âu (EU) và Anh đã cấp 227,97 tỷ euro (228 tỷ USD) dưới hình thức hỗ trợ nhà nước trong năm 2020 cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì dịch COVID-19. Trong đó, Ba Lan và Hy Lạp đứng đầu danh sách. Cụ thể, EC cho biết Ba Lan và Hy Lạp có tỷ lệ chi tiêu lớn nhất về hỗ trợ nhà nước trong đại dịch COVID-19 so với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2020 của hai nước này, lần lượt lên tới 3,8% và 3,6%.
6. Nhật Bản ghi nhận tăng trưởng GDP quý thứ 3 liên tiếp
Ngày 8/9, Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố số liệu cho thấy, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã đạt mức tăng thực tế 3,5% trong quý II/2022 so với cùng kỳ năm 2021. Con số thống kê này cao hơn so với mức tăng 2,2% được công bố trước đó hồi tháng 8.
7. EC đề xuất “5 biện pháp khẩn cấp” để giảm giá năng lượng
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã đề xuất “5 biện pháp khẩn cấp” mà EU có thể giải quyết tình trạng giá năng lượng tăng cao và bảo vệ người tiêu dùng. Các giải pháp này bao gồm tiết kiệm điện một cách thông minh; giới hạn doanh thu của các công ty sản xuất điện; giới hạn giá khí đốt của Nga; thiết lập một cơ chế đoàn kết để phân phối lại lợi nhuận quá mức của các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch; cung cấp thanh khoản cho doanh nghiệp.
8. Bà Liz Truss chính thức trở thành Thủ tướng Anh
Bà Liz Truss đã chính thức trở thành Thủ tướng Anh sau khi được Nữ hoàng Elizabeth II bổ nhiệm trong một buổi lễ tại lâu đài Balmoral tại Scotland. Trước khi trở thành Ngoại trưởng Anh, bà Truss từng giữ chức Thứ trưởng Giáo dục, Bộ trưởng Môi trường, Bộ trưởng Tư pháp, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế, Thứ trưởng về Phụ nữ và Bình đẳng.
9. Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ngừng hoạt động hoàn toàn
Lò phản ứng hoạt động cuối cùng của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine đã không còn kết nối với lưới điện sau khi cơ sở này bị ngắt khỏi đường dây điện còn lại. Energoatom - công ty vận hành nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia - nêu rõ: "Tổ phát điện (lò phản ứng) số 6 đã bị đóng và ngắt kết nối với lưới điện" vì đám cháy bùng lên do pháo kích.
10. Tổng thống Philippines tiến hành hai chuyến công du nước ngoài đầu tiên
2 tháng sau khi tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã có chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới 2 nước ASEAN là Indonesia và Singapore. Theo Bộ Ngoại giao Philippines, chuyến công du này “cho thấy tầm quan trọng của mối quan hệ giữa Philippines với các nước láng giềng” trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), thể hiện tinh thần đoàn kết cũng như cam kết tiếp tục hội nhập khu vực của Philippines.
Có thể bạn quan tâm