Nguy cơ "đóng băng" chiến sự Nga- Ukraine
Khi châu Âu sắp bước vào những tháng mùa đông khắc nghiệt, có nhiều dự đoán cho rằng, chiến sự Nga- Ukraine nhiều khả năng sẽ bị "đóng băng" khi không có bên nào đạt được tiến bộ đáng kể.
>>Nga thất thế tại Ukraine và bài toán ngoại giao với Trung Quốc
Cuộc phản công đầy bất ngờ của Ukraine trên khắp Kharkov, kết hợp với những tiến bộ có phần chậm chạp hơn ở phía Nam, đã làm Điện Kremlin và Bộ Quốc phòng Nga bị chỉ trích rất nhiều. Tuy nhiên, khi mùa đông đến gần, cả Nga và Ukraine phải lựa chọn ưu tiên mặt trận nào và liệu Nga có nên tăng gấp đôi nỗ lực để hoàn thành mục tiêu đã đặt ra trước đó hay không.
Hiện tại, quân đội Nga vẫn đang nắm giữ khoảng 20% lãnh thổ của Ukraine, bao gồm cả Crimea và các vùng phía Nam. Tuy nhiên, bảy tháng chiến sự Nga- Ukraine đã cho thấy những thiếu sót trong công tác hậu cần của Nga, điều này sẽ không dễ dàng hơn trong điều kiện thời tiết ẩm ướt hơn, lạnh hơn vào mùa đông sắp tới.
Chỉ trong vài ngày, Nga đã mất một trong ba trục tấn công ở Donetsk; Đồng thời, hệ thống phòng thủ của Nga ở Kherson đang chịu sức ép ngày càng lớn do quân đội Ukraine đã thành công trong việc cắt đứt cây cầu tiếp tế qua sông Dnipro và nhắm vào các sở chỉ huy cũng như kho đạn dược của quân đội Nga trong khu vực.
Bên cạnh đó, quân đội Nga không có đủ lực lượng mới để tham gia vào cuộc xung đột. Quân đoàn 3 mới thành lập gần đây chủ yếu bao gồm các tiểu đoàn tình nguyện được tuyển mộ trên khắp các khu vực của Nga. Các nhóm chiến thuật khác của tiểu đoàn đã được tái thiết sau khi bị tổn thất nặng nề. Tuy nhiên, có những báo cáo cho thấy tình trạng mất kỷ luật của một số đơn vị quân sự Nga. Cuộc rút lui mất trật tự ở Kharkov, với lượng lớn khí tài quân sự bị bỏ rơi là minh chứng cho thấy có rất nhiều vấn đề mà các tướng lĩnh Nga sẽ không thể khắc phục trong thời gian ngắn nhất.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thừa nhận chiến dịch tấn công ở Donbass "diễn ra với tốc độ chậm, nhưng nó vẫn tiếp tục". Bất chấp những lời kêu gọi tổng động viên ở Moscow, điều này dường như vẫn khó xảy ra khi ông Putin nhấn mạnh: "Chúng tôi không tham chiến với toàn bộ quân đội mà chỉ điều một phần tới Ukraine",
Tuy nhiên, Ukraine cũng đã mất hàng nghìn binh sĩ, trong đó có nhiều binh sĩ thuộc các đơn vị tốt nhất của họ ở Donbass. Và một quan chức của NATO nói với CNN rằng trong khi cuộc phản công của Ukraine đã tạo động lực lớn cho tinh thần của binh sĩ, nhưng nhiều khả năng "điều tương tự sẽ không xảy ra lần nữa".
>>Chiến sự Nga- Ukraine: Các đòn trả đũa của Nga sẽ lớn hơn
Trên thực tế, lực lượng pháo binh và tên lửa của Nga vẫn đông hơn rất nhiều so với Ukraine. Với lợi thế pháo kích, Nga đã tiến hành tấn công dồn dập cả ngày lẫn đêm vào thành phố Kupyansk, nơi Ukraine giành lại hơn một tuần trước, khiến người dân ở đây phải sơ tán.
Giới quan sát cho rằng, vẫn còn quá sớm để dự đoán cục diện chiến trường sẽ ra sao vào mùa đông sắp tới. Mặc dù có nhiều ý kiến bày tỏ sự tin tưởng vào thắng lợi của Ukraine, nhưng theo Tướng David Petraeus, cựu Giám đốc CIA và chỉ huy lực lượng quân đội Mỹ tại Iraq, thành công trên chiến trường của Ukraine sẽ phụ thuộc vào nguồn cung cấp vũ khí liên tục và mở rộng của phương Tây. Trong thời gian chờ đợi vũ khí viện trợ, các lực lượng Ukraine sẽ rất dễ bị phản công nếu Nga bất ngờ tăng tốc trở lại.
Mỹ vẫn đang thận trọng về việc gửi cho Ukraine các loại vũ khí có tầm bắn hơn 80 km có thể tấn công sâu vào bên trong lãnh thổ của Nga. Cho đến nay, Washington vẫn luôn bỏ qua yêu cầu cung cấp cho Ukraine Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) có tầm bắn lên tới 300 km.
Trong cuộc phỏng vấn với BBC, cựu Phó Tổng thư ký NATO, Rose Gottemoeller bày tỏ lo ngại sức ép đối với Điện Kremlin có thể gây ra phản ứng khó lường, thậm chí bao gồm cả nguy cơ vũ khí hạt nhân chiến thuật sẽ được sử dụng. "Hồi tháng 2, trước thềm cuộc chiến, Tổng thống Putin cảnh báo rằng bất kỳ quốc gia nào cản đường Nga sẽ phải đối mặt với những hậu quả mà họ chưa từng thấy trong lịch sử", ông cho biết.
Theo ông Olga Olika, Giám đốc Chương trình Châu Âu và Trung Á tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế của Liên Hợp Quốc, tin rằng Điện Kremlin sẽ không tiếp tục leo thang cuộc chiến như vậy vì "việc kích nổ vũ khí hủy diệt hàng loạt sẽ kích động sự trả đũa quốc tế, bao gồm cả sự can dự quân sự trực tiếp từ NATO".
Với tình hình chiến trường hiện tại, có rất ít động lực để Ukraine tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn, trong khi Điện Kremlin sẽ khó xoay chuyển kết quả của "hoạt động quân sự đặc biệt" nếu một phần ba khu vực Donbass vẫn nằm trong tay Ukraine. Triển vọng một mùa đông băng giá với Nga và Ukraine đang dần hiện hữu rõ hơn bao giờ hết.
Có thể bạn quan tâm
Chiến sự Nga- Ukraine: Các đòn trả đũa của Nga sẽ lớn hơn
03:40, 19/09/2022
Cuộc chiến Nga - Ukraine: Kịch bản nào sau những cuộc phản công?
05:00, 17/09/2022
Nga thất thế tại Ukraine và bài toán ngoại giao với Trung Quốc
04:30, 17/09/2022
Chiến sự Nga- Ukraine: Nga sắp tung đòn phản kích lớn
04:00, 17/09/2022