Thủ tướng Anh và mớ hỗn độn “Kinh tế học nhỏ giọt”
Theo thăm dò của hãng tư vấn YouGov, tỷ lệ cử tri Anh ủng hộ Thủ tướng Anh Liz Truss chỉ còn 10%. Liệu nữ chính trị gia trẻ tuổi sẽ rời ghế Thủ tướng Anh?
>>Vô vàn thách thức đang chờ đợi tân Thủ tướng Anh
Ngày 18/10, tờ CNBC giật tít “ Kinh tế học nhỏ giọt của Liz Truss đã chết, Vương quốc Anh đối mặt với tương lai không chắc chắn”. Nữ Thủ tướng Anh 47 tuổi là người bị yêu cầu từ chức khi vừa nhậm chức chưa đầy một tháng rưỡi. Hiện chỉ còn 10% cử tri Anh tín nhiệm bà Liz Truss.
Bà Liz Truss là người mến mộ học thuyết “Kinh tế nhỏ giọt” và ngay lập tức triển khai học thuyết này sau khi nắm quyền lãnh đạo tại Wesminter, cái mà Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng “nó dường như bất động”.
Lý thuyết “Kinh tế học nhỏ giọt” cho rằng giảm thuế và tăng lợi ích cho người giàu cuối cùng sẽ bớt gánh nặng cho toàn bộ. Vì người giàu, hàm ý ở đây là tầng lớp doanh nhân, nhà đầu tư mới có khả năng vực dậy nền kinh tế một cách nhanh nhất.
Nguồn gốc của học thuyết này có từ thế kỷ 18. Nhà kinh tế học Canada John Kenneth Galbraith ví von học thuyết này như “ngựa và chim sẻ”, nghĩa trần trụi của nó khá khó chịu, rằng: “khi cho ngựa ăn đủ yến mạch thì một số ít sẽ lọt xuống sàn cho chim sẻ”.
Giáo sư David Hope tại Trường Kinh tế London bác bỏ nó, thông qua dữ liệu được thu thập 50 năm cho thấy, việc cắt giảm thuế với người giàu chỉ làm gia tăng bất bình đẳng, chứ không có tác dụng gì đến việc làm và tăng trưởng kinh tế. “Chẳng có gì giọt xuống”, ông kết luận.
Chúng ta có thể lấy ví dụ như thế này, trước năm 2010 chỉ người giàu có mới mua được Iphone, nhưng hiện nay Iphone đã được bình dân hóa. Điều này có vẻ như người thu nhập thấp đã hưởng thụ ngang với người thu nhập cao. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy.
Nếu người giàu chỉ cần vài phút lao động để mua Iphone mới nhất, thì với ngày công lao động bình dân ở các nước đang phát triển, người ta cần đến 6 tháng để mua chiếc điện thoại này. Vậy, giảm thuế cho người giàu chỉ vỗ béo họ. Khi tất cả có Iphone thì người giàu đã sử dụng nhà thông minh, xe thông thái, du lịch vũ trụ, mai táng trên mặt trăng!
Người Anh có lý do để chỉ trích Thủ tướng khi đời sống ngày càng eo hẹp, hóa đơn năng lượng tăng phi mã, khủng hoảng chi phí sinh hoạt chưa có điểm dừng. Các cuộc biểu tình đã xuất hiện ở Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha.
Một loạt Nghị sĩ đảng Bảo thủ yêu cầu bà Truss từ chức sau khi một cuộc thăm dò dư luận cho thấy đảng Bảo thủ có nguy cơ thất bại trong tổng tuyển cử trước Công đảng đối lập.
Tính hết năm ngoái, 56 người giàu nhất nước Anh sở hữu 213 tỷ USD, tăng từ 152,9 tỷ USD so với một năm trước đó - nghĩa là các tỷ phú xứ sở sương mù giàu hơn 61 tỷ USD sau 12 tháng, bất chấp khó khăn đại dịch COVID-19.
Tại sao Thủ tướng Anh không chọn “Bild-up” (xây từ dưới lên), một lý thuyết đối nghịch với “Kinh tế học nhỏ giọt”? Học thuyết này được đề xuất bởi Robert Reich, Giáo sư về Chính sách Công tại Đại học California, Bộ trưởng Lao động Mỹ.
Thứ nhất, đặc điểm chính trị tại các quốc gia tư bản điển hình, nơi mà ranh giới giữa ông chủ doanh nghiệp và chính trị gia khá mờ nhạt, nếu không muốn nói các đại tập đoàn chống lưng cho đảng chính trị. Nhiều khi lãnh đạo quốc gia là người đại diện cho một cuộc hiệp thương đượm mùi ích lợi.
Trước khi lên làm Thủ tướng Anh, bà Truss đã vượt qua 8 ứng viên! Kallum Pickering, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Ngân hàng Berenberg, bình luận: “Việc loại bỏ các phần lớn trong tuyên ngôn chính sách cho thấy bà ấy chỉ nắm quyền trên danh nghĩa”.
Như vậy, chẳng có gì khó hiểu khi tân Thủ tướng Anh lựa chọn chính sách có lợi cho giới nhà giàu - họ mới là thế lực nắm thực quyền trong cơ cấu chính trị tư bản, không riêng gì ở Anh!
Thứ hai, những tác động bên ngoài châu Âu là quá lớn, vượt khỏi khả năng xử lý của bất cứ chính trị gia nào hiện nay, dù lỗi lạc đến mấy. Đó là vấn đề đổ vỡ quan hệ Nga - EU, nguyên nhân trực tiếp gây khủng hoảng năng lượng, lương thực dẫn đến lạm phát và suy thoái.
Quay về trước thời điểm ngày 24/2, nếu như châu Âu và Mỹ khéo léo xử lý khủng hoảng Đông Âu theo hướng khác, như bà Angela Merkel (cựu Thủ tướng Đức) đã từng duy trì rất tốt quan hệ Nga - Mỹ - châu Âu suốt 16 năm, thì mọi chuyện đã tốt đẹp hơn.
Trong bối cảnh này, cách tiếp cận “Bild - up” của Thủ tướng Anh khó thay đổi cục diện do nền móng kinh tế châu Âu đã suy yếu, nợ công, bội chi chính phủ không che dấu thêm được nữa!
Có thể bạn quan tâm