Nhịp sống thế giới từ ngày 21- 27/11
ASEAN - Trung Quốc khởi động đàm phán nâng cấp Hiệp định ACFTA; EU không thống nhất được mức trần giá khí đốt; Mỹ “cấm cửa” thiết bị viễn thông của Huawei, ZTE... là những tin đáng chú ý.
>>Nhịp sống thế giới từ ngày 14-20/11
1. Peru có Thủ tướng thứ năm trong vòng 16 tháng
Tổng thống Peru Pedro Castillo ngày 25/11 đã bổ nhiệm Bộ trưởng Văn hóa Betssy Chavez làm Thủ tướng mới của nước này, thay thế ông Anibal Torres vừa từ chức. Bà là Thủ tướng thứ năm của Peru kể từ khi Tổng thống Castillo nắm quyền cách đây 16 tháng.
2. Mỹ “cấm cửa” thiết bị viễn thông của Huawei, ZTE
Mỹ đã công bố lệnh cấm nhập khẩu hoặc bán các thiết bị liên lạc bị coi là "nguy cơ không thể chấp nhận được đối với an ninh quốc gia" - bao gồm cả thiết bị của Huawei và ZTE. Cả hai công ty này đều nằm trong danh sách bị Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) xác định là mối đe dọa. Lệnh trên cũng ảnh hưởng đến nhiều công ty Trung Quốc khác, bao gồm các nhà sản xuất thiết bị giám sát video Hangzhou Hikvision và Dahua Technology.
3. Kinh tế Đức tăng trưởng cao hơn ước tính
Số liệu của Cơ quan thống kê liên bang Đức (Destatis) cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý III/2022 của Đức tăng 0,4% so với quý trước, cao hơn mức ước tính ban đầu 0,3% đưa ra hồi tháng 10. Trong đó, lĩnh vực tiêu dùng tăng 1%, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
4. EU không thống nhất được mức trần giá khí đốt
Các Bộ trưởng năng lượng Liên minh châu Âu (EU) đã không nhất trí được về mức trần giá khí đốt nhằm giảm thiểu cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu. Dự kiến, các Bộ trưởng năng lượng EU sẽ tiếp tục nhóm họp vào đầu tháng 12 tới để nỗ lực thu hẹp các bất đồng.
>>Nhịp sống thế giới từ ngày 7- 13/11
5. Hàn Quốc thúc đẩy chiến lược xuất khẩu quốc gia
Hàn Quốc sẽ tăng cường hợp tác với các quốc gia đối tác trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, quốc phòng và các lĩnh vực chiến lược khác nhằm thúc đẩy lĩnh vực xuất khẩu đang có xu hướng chậm lại. Tháng trước, xuất khẩu của Hàn Quốc lần đầu tiên trong hai năm sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Nước này cũng bị thâm hụt thương mại tháng thứ bảy liên tiếp do nhập khẩu tăng vọt.
6. IMF dự báo tích cực về kinh tế UAE
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định nền kinh tế Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) dự kiến sẽ tăng trưởng hơn 6% trong năm nay, sau ghi nhận mức tăng 3,8% trong năm ngoái, nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch, xây dựng cũng như các hoạt động liên quan đến Hội chợ Triển lãm Dubai 2020.
7. Kinh tế Anh ảm đạm nhất trong số các nền kinh tế hàng đầu thế giới
OECD cho biết trong dự báo kinh tế mới nhất rằng GDP của Anh sẽ giảm 0,4% vào năm 2023 và chỉ tăng 0,2% vào năm 2024. Đồng thời, OECD cảnh báo rằng các quốc gia phải tiếp tục coi việc chống lạm phát là ưu tiên hàng đầu.
8. Kinh tế của Thái Lan tăng trưởng mạnh trong quý III
Tăng trưởng kinh tế của Thái Lan trong quý III/2022 đã đạt tốc độ nhanh nhất trong hơn 1 năm qua với 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Thành quả này là nhờ sự phục hồi của du lịch và tiêu dùng tư nhân.
9. ASEAN - Trung Quốc khởi động đàm phán nâng cấp Hiệp định ACFTA
Các nhà lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc đã thông báo và hoan nghênh việc chính thức khởi động các cuộc đàm phán nâng cấp Khu vực thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA). Việc nâng cấp ACFTA gửi đi tín hiệu rằng cả ASEAN và Trung Quốc đều cam kết biến ACFTA trở nên phù hợp hơn với các doanh nghiệp, sẵn sàng cho tương lai và ứng phó với các thách thức toàn cầu.
10. Hàng triệu người Nam Sudan cần nhận viện trợ
Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho biết sẽ có khoảng 9,4 triệu người ở Nam Sudan cần nhận được hỗ trợ và bảo vệ trong năm 2023, tăng 500.000 người so với ước tính trước đó. Hiện nay, xung đột, bệnh dịch, các hình thái thời tiết khắc nghiệt như lũ lụt và hạn hạn, những thách thức về y tế công cũng như các hoạt động can thiệp đang làm xói mòn điều kiện sống của nhiều người dân Nam Sudan.
Có thể bạn quan tâm