“Le lói” chủ nghĩa bảo hộ kinh tế mới

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 12/12/2022 00:00

Nếu đi đến đích, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) sẽ khai sinh chủ nghĩa bảo hộ kinh tế mới dưới vỏ bọc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu nhằm vào Trung Quốc.

EU và Mỹ cân nhắc áp thuế môi trường với nhôm, thép Trung Quốc nhằm đáp trả việc Trung Quốc không tham gia cam kết COP26.

 Mỹ và EU cân nhắc áp thuế môi trường lên sắt và nhôm nhập từ Trung Quốc.p/Ảnh: IndianExpress

Mỹ và EU cân nhắc áp thuế môi trường lên sắt và nhôm nhập từ Trung Quốc. Ảnh: IndianExpress

>> Cần xử lý nghiêm doanh nghiệp gian lận xuất xứ, nhãn mác hàng hóa

Đánh thuế với nhôm, thép Trung Quốc

COP26 tại Glasgow được coi là hội nghị về khí hậu đạt được thành công nhất lịch sử, 197 thành viên cam kết giảm 45% lượng phát thải CO2 vào năm 2030 so với mức năm 2010 và về 0 vào khoảng giữa thế kỷ này. Để hiện thực hóa mục tiêu, thế giới phải hy sinh tăng trưởng trong ngắn hạn, đầu tư nhiều hơn; sửa đổi quy chuẩn sản xuất, tiêu dùng,…
Tuy nhiên, Trung Quốc không tham dự COP26. Dù Bắc Kinh vẫn có mục tiêu cho riêng mình, song không có gì làm đảo bảo khi họ không chịu sự điều chỉnh của Glasgow 2021.

Mỹ và châu Âu coi đây là thiệt thòi của họ, mất thời gian vài thập kỷ tái cấu trúc nền kinh tế, thay đổi phương thức sản xuất và sử dụng năng lượng,… tạo cơ hội cho Trung Quốc vượt qua. Rõ ràng, trong ngắn hạn, sử dụng năng lượng hóa thạch cho sản xuất hàng hóa sẽ có tính cạnh tranh hơn so với sử dụng năng lượng mới do chi phí ban đầu cao hơn.

Bên cạnh đó, căng thẳng quan hệ với Nga đặt ra bài toán tự chủ năng lượng rất khó cho châu Âu. Bằng mọi cách giảm sử dụng năng lượng hóa thạch, kêu gọi toàn cầu chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo - giảm phát thải, chống biến đổi khí hậu xem ra là vấn đề nhất cử lưỡng tiện với Mỹ, EU.

Câu chuyện còn liên đới đến cán cân quyền lực dầu mỏ hiện nay, khi Trung Quốc được thừa hưởng nguồn “vàng đen” vô tận từ Nga, Trung Đông; còn Mỹ và EU chật vật tìm nguồn cung.

Nếu xét việc đánh thuế nhôm, thép trong hệ quy chiếu rộng hơn, tương quan trong quan hệ Trung - Mỹ đang rất căng thẳng, đây không khác gì chủ nghĩa bảo hộ mới. Bởi thuế quan chỉ được sử dụng khi chiến tranh thương mại, chứ chưa bao giờ vì mục đích bảo vệ môi trường.

Đầu tháng 3/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh áp mức thuế nhập khẩu 25% đối với thép và 10% đối với nhôm để chống lại hàng nhập khẩu giá rẻ, nhất là từ Trung Quốc, lập tức khiến cho thị trường này chao đảo.

Với chính quyền Biden, đây là thỏa thuận thuế quan đầu tiên thuộc loại này được thảo luận và sẽ là một nhân tố được Nhà Trắng mô tả là chính sách thương mại hướng tới người lao động, tập trung vào bảo vệ các ngành công nghiệp và người lao động ở cả Mỹ và Châu Âu.

>> Doanh nghiệp đối mặt nhiều hơn nguy cơ điều tra phòng vệ thương mại

Cần cơ chế phòng vệ

Khủng hoảng kinh tế và hiện tượng chững lại của tiến trình toàn cầu hóa là cơ hội cho chủ nghĩa bảo hộ phát sinh dưới mọi hình thức, từ hàng tiêu dùng nhu yếu phẩm như lương thực đến năng lượng, công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ, công nghệ cao.

Các nền kinh tế nhỏ, yếu rất nhạy cảm với cuộc chiến thuế quan giữa các cường quốc. Khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra, một số mặt hàng Việt Nam như đá nhân tạo, gỗ, sắt, thép bị Washington liệt vào danh sách “nguy hiểm” sau vụ việc lô nhôm 4,3 tỷ USD “đội lốt” Made in Vietnam vào Mỹ.

Trung Quốc sản xuất nhôm, thép giá rẻ nhiều nhất thế giới, sự tương thông địa lý hai nền kinh tế Việt - Trung dễ dàng biến Việt Nam thành điểm trung chuyển của hàng hóa gian lận. Nếu ý tưởng lần này của EU và Mỹ được thực thi, nguy cơ cũ lại xuất hiện. Do đó, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần có giải pháp phòng ngừa rủi ro này.

Thứ nhất, cảnh giác với nhà đầu tư Trung Quốc mang vốn vào Việt Nam mở doanh nghiệp sản xuất hoặc gia công hàng tiêu dùng, hoặc sơ chế thực phẩm. Có khoảng 15 nhóm hàng Trung Quốc xuất đi Mỹ với sản lượng lớn, như: dệt may, da giày và túi xách; máy vi tính; điện tử và linh kiện; sắt thép; gỗ và các sản phẩm gỗ,…

Thứ hai, đã đến lúc cần siết chặt hơn nữa quy trình cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), ngăn chặn nguy cơ lợi dụng xuất xứ hàng hóa từ Việt Nam để lẩn tránh thuế từ nước khác. Theo đó, không cấp giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho những dự án sản xuất không đảm bảo thực hiện hơn 2/3 chuỗi quy trình sản xuất tại Việt Nam.

Thứ ba, cần thiết sử dụng cơ chế phòng vệ thương mại trên cơ sở khung khổ Luật thương mại quốc tế và nước sở tại, đúng điều kiện, thủ tục gồm 4 biện pháp: (1) chống bán phá giá; (2) chống trợ cấp; (3) biện pháp tự vệ; (4) chống lẩn tránh phòng vệ thương mại.

Thứ tư, hầu như không có quy trình tự động để phân biệt hoạt động xuất nhập khẩu bất thường, điều đó có nghĩa nhấn mạnh vai trò trách nhiệm của các cơ quan chức năng, con người thi hành công vụ được điều chỉnh bởi luật pháp nghiêm khắc. Do đó, cần xem xét hành vi tiếp tay cho gian lận thương mại là phá hoại quốc kế dân sinh.

Thứ năm, kinh nghiệm của EU cho thấy họ sử dụng phòng vệ thương mại dựa trên nguyên tắc WTO. Bất kỳ cá nhân, tổ chức nào có dấu hiệu vi phạm chắc chắn bị Uỷ ban châu Âu hoặc Tổng cục Thương mại điều tra, vòng soát xét thường kéo dài tối đa 11 tháng.

Có thể bạn quan tâm

  • Nghị định số 111/2021/NĐ-CP – Ngăn chặn gian lận xuất xứ hàng hóa

    Nghị định số 111/2021/NĐ-CP – Ngăn chặn gian lận xuất xứ hàng hóa

    04:10, 14/12/2021

  • Doanh nghiệp đối mặt nhiều hơn nguy cơ điều tra phòng vệ thương mại

    Doanh nghiệp đối mặt nhiều hơn nguy cơ điều tra phòng vệ thương mại

    00:03, 21/11/2022

  • Ngành gỗ đối phó phòng vệ thương mại: Chủ động ứng phó

    Ngành gỗ đối phó phòng vệ thương mại: Chủ động ứng phó

    11:00, 25/08/2022

  • Ngành gỗ đối phó phòng vệ thương mại: Sẵn sàng trước các vụ kiện

    Ngành gỗ đối phó phòng vệ thương mại: Sẵn sàng trước các vụ kiện

    03:30, 25/08/2022

  • Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ dán cứng chưa bị Mỹ áp thuế lẩn tránh phòng vệ thương mại

    Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ dán cứng chưa bị Mỹ áp thuế lẩn tránh phòng vệ thương mại

    02:03, 24/08/2022

  • Liên tiếp

    Liên tiếp "dính" kiện phòng vệ thương mại, doanh nghiệp thép gặp khó

    06:12, 08/08/2022

TRƯƠNG KHẮC TRÀ