Chiến sự Nga- Ukraine sắp có "bước ngoặt" mới

CẨM ANH 14/12/2022 15:39

Chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đang chuẩn bị gửi hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot tới Ukraine. Loại tên lửa này có thể làm thay đổi cục diện chiến trường Ukraine.

>>Chiến sự Nga- Ukraine: Thế khó của hai bên

Hệ thống tên lửa Patriot

Hệ thống tên lửa Patriot

Mặc dù vậy, kế hoạch của Lầu Năm Góc vẫn cần được Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin phê chuẩn trước khi được gửi tới Tổng thống Joe Biden. Các quan chức Mỹ nhận định, ông Austin sẽ sớm phê duyệt kế hoạch và sau đó nước này sẽ nhanh chóng chuyển giao các tổ hợp Patriot cho Ukraine trong những ngày tới. Binh sĩ Ukraine sẽ được huấn luyện vận hành chúng tại một căn cứ của lục quân Mỹ ở Grafenwoehr, Đức.

Ukraine đã nhiều lần kêu gọi Mỹ gửi hệ thống Patriot khi nước này hứng chịu hàng loạt cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga vào các cơ sở hạ tầng quan trọng trên khắp đất nước. Do cần thời gian huấn luyện và các thách thức hậu cần khác, cho đến nay, Mỹ vẫn chưa mặn mà với việc gửi các hệ thống phòng thủ tên lửa tới Ukraine.

Tuy nhiên, các cuộc tấn công của Nga vào Ukraine hiện đã khiến Washington quyết định rằng các hệ thống phòng thủ phải được chuyển giao cho Kiev, đặc biệt trong bối cảnh Iran đã đồng ý tăng đáng kể số lượng máy bay không người lái cho Nga, và Moscow đã mua số lượng lớn tên lửa đạn đạo của Iran để bổ sung vào kho vũ khí.

Được biết, hệ thống Patriot được đánh giá là rất tối tân vì chúng có khả năng chống lại tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, cũng như được đánh giá cao về tính hiệu quả trong các tình huống chiến đấu.

Nhà sản xuất Raytheon cho biết, Patriot đã đánh chặn hơn 150 tên lửa đạn đạo trong chiến đấu kể từ năm 2015 và cũng đã trải qua hơn 3.000 cuộc thử nghiệm trên mặt đất. Nếu việc này được thông qua, đây sẽ là hệ thống vũ khí phòng thủ tầm xa hiệu quả nhất được gửi đến Ukraine; đồng thời góp phần đảm bảo an ninh không phận cho các quốc gia NATO ở Đông Âu.

Không rõ sẽ có bao nhiêu bệ phóng tên lửa sẽ được gửi đến Ukraine, nhưng một khẩu đội Patriot điển hình bao gồm một bộ radar phát hiện và theo dõi mục tiêu, máy tính, thiết bị phát điện, trạm điều khiển giao tranh và tối đa 8 bệ phóng, mỗi bệ chứa 4 tên lửa sẵn sàng khai hỏa.

>>Chiến sự Nga- Ukraine tăng tốc bất chấp mùa đông

Xe chở đạn kiêm bệ phóng Patriot của Đức tham gia diễn tập tại Na Uy tháng 10/2018. Ảnh: Heer.

Xe chở đạn kiêm bệ phóng Patriot của Đức tham gia diễn tập tại Na Uy. Ảnh: Heer.

Theo Quân đội Hoa Kỳ, hệ thống này thường cần khoảng 90 binh sĩ để vận hành và bảo trì. Tuy nhiên, chỉ cần ba binh sĩ để vận hành hệ thống sau khi triển khai. Hệ thống này được thiết kế để sử dụng ở cấp tiểu đoàn, với mỗi tiểu đoàn bao gồm một sở chỉ huy, đội ngũ bảo trì và các chuyên gia liên lạc.

Các chuyên gia nhận định, một khi các hệ thống phòng thủ tên lửa này được bố trí ở Ukraine, nhiều cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine sẽ không thành công. Ông Tom Karako, một thành viên cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế trao đổi với Politico rằng đây là một vũ khí phòng thủ sẽ làm Nga phải "suy nghĩ kỹ" trước khi tấn công lực lượng Ukraine.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng lưu ý rằng "điều quan trọng là Nga có thể gây ra bao nhiêu thiệt hại trước khi các hệ thống này đi vào hoạt động. Nhưng về cơ bản, việc Patriot hiện diện tại Ukraine sẽ tạo ra bước ngoặt mới trong chiến sự Nga-Ukraine".

Ông Mark F. Cancian, chuyên gia về vũ khí quân sự tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cũng lo ngại khi cho rằng đây là bước đi khá mạo hiểm của Lầu Năm Góc. "Tôi nghĩ họ quyết định rằng vì nhu cầu phòng thủ tại Ukraine quá lớn nên họ sẵn sàng chấp nhận rủi ro có thể xảy ra", ông Cancian nói thêm.

Hiện nay, Mỹ có khoảng 15 tiểu đoàn Patriot, nhiều tiểu đoàn được triển khai ở châu Âu và Trung Đông. Một số đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ cũng có các hệ thống Patriot do Hoa Kỳ sản xuất. Theo ông Tom Karako, Giám đốc Dự án Phòng thủ Tên lửa tại CSIS, phạm vi rộng và độ tinh vi của Patriot giúp nó có khả năng phát hiện và tiêu diệt các mối đe dọa tốt hơn các hệ thống khác. Nhưng điều này cũng đòi hỏi trách nhiệm lớn trong việc sử dụng chúng.

Có thể bạn quan tâm

  • Châu Âu

    Châu Âu "rạn nứt" vì chiến sự Nga - Ukraine

    04:30, 13/12/2022

  • Chiến sự Nga- Ukraine: Thế khó của hai bên

    Chiến sự Nga- Ukraine: Thế khó của hai bên

    04:00, 13/12/2022

  • Chiến sự Nga- Ukraine tăng tốc bất chấp mùa đông

    Chiến sự Nga- Ukraine tăng tốc bất chấp mùa đông

    15:44, 12/12/2022

  • Chiến sự Nga - Ukraine: Toan tính của hai bên

    Chiến sự Nga - Ukraine: Toan tính của hai bên

    04:00, 12/12/2022

  • Chiến sự Nga - Ukraine:

    Chiến sự Nga - Ukraine: "Hé lộ" những mục tiêu trong mùa đông

    04:30, 11/12/2022

CẨM ANH