Thủ tướng Hungary đưa ra quan điểm "chúng tôi không nhìn cuộc chiến Nga - Ukraine bằng con mắt của Mỹ, Đức, chúng tôi nhìn bằng cách của Hungrary".
>>Rời Nga, Châu Âu không dễ giải bài toán năng lượng
Các diễn biến trong hàng loạt quyết sách chính trị của châu Âu đối với chiến sự Nga - Ukraine đang cho thấy còn quá nhiều vấn đề tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng rất khó đi đến thống nhất cuối cùng. Phải chăng cơ chế liên minh không còn phù hợp trong bối cảnh quốc tế thay đổi mau chóng như hiện nay?
Hồi đầu tháng 11 vừa qua, Uỷ ban châu Âu đề xuất gói viện trợ 18 tỷ euro cho Ukraine. Các khoản tiền được cho là sẽ được giải ngân thường xuyên trong suốt năm 2023. Tuy nhiên, Hungary là thành viên duy nhất trong số 27 quốc gia EU phủ quyết kế hoạch này.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho rằng, đất nước ông sẵn sàng viện trợ song phương cho Ukraine, nhưng không muốn tăng thêm khoản nợ đổ đồng lên tất cả mọi thành viên.
Ngoài khoản tài trợ bổ sung cho Ukraine, Hungary cũng đang ngăn cản việc phê duyệt các quy tắc thuế mới trên toàn EU. Điều này xảy ra vào thời điểm 7,5 tỷ euro dành riêng cho Hungary đã bị “đóng băng” và 5,8 tỷ euro khác cũng bị tạm giữ cho đến khi nước này hành động để giải quyết những lo ngại về tính độc lập của ngành tư pháp.
Bộ trưởng Tài chính CH Czech Zbynek Stanjura tỏ ra cương quyết: “Chúng tôi đang làm hết sức mình để đảm bảo số tiền có thể được giải ngân vào đầu tháng 1/2023, cho dù đó là kế hoạch A hay kế hoạch B với bất cứ giá nào, chúng tôi phải làm điều đó”.
Nhà lãnh đạo Hungary dựa vào nguyên tắc “thống nhất tuyệt đối” của EU, nghĩa là một vấn đề nào đó chỉ được thông qua khi có 100% thành viên đồng thuận.
Brussels vướng phải vấn đề pháp lý vô cùng khó, nếu họ phớt lờ quyền phủ quyết của ông Viktor Orban nghĩa là nguyên tắc, mục đích, tôn chỉ của khối bị sụp đổ, tạo tiền lệ mạnh ai nấy làm, dẫn đến nguy cơ tan rã.
Nhưng nếu thượng tôn nguyên tắc, thì EU coi như thất bại trong việc tìm kiếm tiếng nói chung cho nỗ lực viện trợ đáng kể nhất cho Ukraine kể từ đầu cuộc chiến.
Ông Viktor Urban là người theo đuổi chủ nghĩa dân tộc hiếm hoi còn sót lại ở châu Âu, phong cách chính trị và đường lối đối nội, đối ngoại khá giống Tổng thống Nga Putin.
Chính vì điều đó, nền chính trị - xã hội ở quốc gia Đông Âu có dấu hiệu quay lại “vết xe đổ”, điều mà trong quan điểm của châu Âu là xu hướng độc tài, toàn trị, mất dân chủ. Do vậy, Hungary ngày càng trở thành một phần khác biệt trong EU.
Quan điểm này được nêu rõ trong một báo cáo vừa qua khi cho rằng Hungary đã “vi phạm nghiêm trọng” các chuẩn mực dân chủ của EU và được Nghị viện châu Âu thông qua với 433 phiếu ủng hộ và 123 phiếu phản đối.
Dĩ nhiên, châu Âu xem cặp đôi Putin - Orban như là đồng minh chính trị - tư tưởng cần ngăn chặn. Từ khi chiến sự Nga - Ukraine xảy ra, Hungary hoàn toàn đứng ngoài cuộc, không trực tiếp tham gia gây sức ép với Moscow.
Viktor Orban tuyên bố, ông không muốn đối đầu với Nga. “Chúng tôi không nhìn cuộc xung đột này bằng con mắt của Mỹ, Pháp hay Đức. Chúng tôi nhìn nó bằng con mắt của Hungary”.
Giới lãnh đạo Hungary muốn mở cánh cửa phía Đông, họ đánh giá Nga và Trung Quốc mới là đối tác đáng quan trọng hơn Mỹ. Trong quan điểm của Budapest, mối quan hệ với Nga là để duy trì lợi ích sát sườn của họ. Phần lớn năng lượng sử dụng ở Hungary được nhập khẩu từ Nga, hầu hết cơ sở phát điện tại đất nước này từng do Liên Xô thiết kế.
Hungary không có động lực chống Nga, họ không muốn bất ổn, cũng là cách thức để nội các ông Orban tiếp tục nắm quyền lãnh đạo, bất chấp EU bắt đầu sử dụng công cụ pháp lý buộc họ phải thay đổi.
Có thể bạn quan tâm
Chiến sự Nga - Ukraine: "Hé lộ" những mục tiêu trong mùa đông
04:30, 11/12/2022
Chiến sự Nga - Ukraine: Thế khó của Ukraine
03:45, 03/12/2022
Chiến sự Nga - Ukraine: Bên nào sẽ xoay chuyển "thế cờ"?
04:00, 02/12/2022
Chiến sự Nga - Ukraine ra sao trong mùa đông?
04:30, 26/11/2022
Chiến sự Nga - Ukraine và nỗi ám ảnh năng lượng
04:30, 20/11/2022
Chiến sự Nga - Ukraine và lý do của Ba Lan
04:30, 18/11/2022
Chiến sự Nga - Ukraine: Ukraine sẽ giành lợi thế trong mùa đông?
03:30, 18/11/2022