“Phác họa” kinh tế toàn cầu 2023
Dù kinh tế toàn cầu có thể không rơi vào suy thoái trong năm 2023, nhưng mức tăng trưởng có thể chỉ như thời kỳ đại dịch COVID-19 và khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
Năm 2022, nền kinh tế toàn cầu lại phải hứng chịu những biến cố lớn trong lịch sử. Đó là chiến sự Nga- Ukraine, dịch bệnh bùng phát trở lại và chiến lược cực đoan Zero-covid của Trung Quốc, lạm phát cao có nguy cơ mất kiểm soát, khiến hàng loạt NHTW mạnh tay tăng lãi suất.
>> Bất ổn kinh tế toàn cầu (Kỳ II): Nguy cơ suy thoái kinh tế
Biến cố “nối đuôi” nhau
Đầu năm 2022, nền kinh tế thế giới vẫn trong quá trình phục hồi tốt bắt nguồn từ sự phục hồi ngoạn mục trong năm 2021 ở Mỹ, EU và các nền kinh tế chủ chốt trên thế giới. Mặt khác, sự đứt gãy chuỗi cung ứng được dự báo kết thúc vào cuối quý II/2022 sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, khi chiến sự Nga- Ukraine nổ ra, nền kinh tế thế giới phải đối mặt với nhiều rủi ro mới không ngờ. Thứ nhất, tình trạng thiếu nguồn cung lương thực vì Nga và Ukraine chiếm tới 34% nguồn cung toàn cầu lúa mì, 17% ngô, 27% lúa mạch, 55% dầu hướng dương, 81% bánh hướng dương. Thứ hai, các lệnh cấm vận dầu và khí gas của Nga đã khiến giá dầu tăng vọt tới 123 USD/thùng vào ngày 7/3/2022 sau hai tuần nổ ra cuộc chiến. Thứ ba, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn cầu không những không kết thúc như dự đoán mà còn kéo dài hơn.
Bên cạnh đó, tình trạng dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát mạnh ở Trung Quốc từ đầu năm và chính sách Zero-covid cực đoan góp phần làm tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu thêm dai dẳng và trầm trọng.
Kết quả, giá các hàng hóa nguyên liệu chiến lược, đặc biệt là giá lương thực và năng lượng tăng vọt, khiến lạm phát bùng phát mạnh có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát trên toàn cầu. Giá lương thực đã tăng 50% trong khi giá năng lượng tăng 33% kể từ khi xảy ra chiến sự Nga- Ukraine.
FED và nhiều NHTW khác không còn cách nào là phải ra tay quyết liệt để ngăn chặn lạm phát, tránh cho nền kinh tế Mỹ và thế giới rơi vào hỗn loạn bất chấp nhiều nền kinh tế còn chưa kịp phục hồi sau đại dịch.
Trong khi các NHTW căng mình chống lạm phát, thì OPEC+ lại quyết định cắt giảm 2 triệu thùng dầu/ngày, tương đương 2% cung toàn cầu kể từ 1/11/2022, góp phần đẩy lạm phát tăng cao hơn.
Thăng trầm của các nền kinh tế lớn
Tăng trưởng kinh tế quý 3/2022 của Mỹ đã phục hồi trở lại mức 3,2% sau khi tăng trưởng – 1,4% trong quý 1 và – 0,9% trong quý 2). Như vậy, bất chấp lãi suất tăng mạnh từ giữa năm 2022 và tác động tiêu cực từ chiến sự Nga- Ukraine, kinh tế Mỹ cho thấy khả năng chống chọi tốt.
Xét cả năm, nền kinh tế Mỹ có năm 2022 tăng trưởng chậm đáng kể so với năm 2021 rực rỡ. Tuy nhiên, khả năng Mỹ rơi vào suy thoái là rất thấp.
Trong khi EU phải chống chọi trực tiếp với những áp lực rất lớn từ chiến sự Nga- Ukraine, đặc biệt là tình trạng thiếu năng lượng, lạm phát và sản xuất bị ảnh hưởng. Tăng trưởng GDP của EU giảm liên tục từ quý 1 đến quý 3. Đáng lo ngại, chỉ số PMI tháng 10 và 11 đều dưới mức 50 điểm cho thấy khuynh hướng thu hẹp trong sản xuất trong quý IV và vài tháng đầu năm 2023. Khu vực này có rủi ro suy thoái rất cao trong năm 2023.
Đáng chú ý, kinh tế Trung Quốc có sự phục hồi khá tốt trong quý 1 với tốc độ tăng trưởng hàng năm ở mức 4,8%. Nhưng kể từ quý 2 trở đi, dịch bệnh bùng phát trở lại cộng với chiến lược Zero-Covid được xem là cực đoan, tình trạng vỡ nợ trong lĩnh vực bất động sản, khu vực tài chính và ngân hàng bất ổn, nạn hạn hán nghiêm trọng, xung đột thương mại với Mỹ vẫn tiếp diễn… đã gây thiệt hại lớn cho tăng trưởng của nền kinh tế này.
IMF dự báo nền kinh tế Trung Quốc có mức tăng trưởng GDP cả năm 2022 chỉ khoảng 1,1%, và tăng nhẹ lên 1,3% vào năm 2023.
>> “Bệ đỡ” tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Kinh tế Nhật Bản có quý 2 và 3 tăng trưởng khá tốt. Tuy nhiên, sự sụt giảm của chỉ số PMI trong tháng 11 xuống mức dưới 50 điểm cho thấy sẽ có sự sụt giảm đáng kể tốc độ tăng trưởng GDP trong quý IV/2022. Nền kinh tế này lệ thuộc nhiều vào xuất khẩu và hoạt động của các công ty ở nước ngoài. Do vậy khi FED tăng mạnh lãi suất và các nền kinh tế Mỹ và EU và toàn cầu chịu tác động tiêu cực, thì triển vọng của nền kinh tế Nhật cũng chịu tác động theo.
Triển vọng 2023
Những phân tích ở trên cho thấy nền kinh tế thế giới trong năm 2022 chịu nhiều biến cố tiêu cực cả về đại dịch, thiên tai, địa chính trị, và kinh tế. Trong nửa đầu năm, tăng trưởng tốt nhờ phục hồi khá thuận lợi sau đại dịch, nhưng nửa sau xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi nên tăng trưởng sụt giảm.
Bởi vậy, các tổ chức quốc tế liên tục phải chỉnh sửa dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2022 và dự báo năm 2023. Báo cáo mới nhất ngày 11/10/2022 của IMF cho biết tăng trưởng GDP toàn cầu giảm từ 6% trong năm 2021 xuống còn 3,2% trong năm 2022 và tiếp tục giảm 2,7% trong năm 2023.
Đến ngày 1/12/2022, Tổng Giám đốc IMF cho biết ngày càng có nguy cơ tăng trưởng toàn cầu dưới 2% trong năm 2023 tương tự như thời kỳ đại dịch Covid-19 và khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
Có thể bạn quan tâm
Mỹ- Saudi Arabia bất hòa, kinh tế toàn cầu đối diện đe dọa mới
11:02, 17/11/2022
Bất ổn kinh tế toàn cầu (Kỳ I): Những biến cố bất ngờ
11:14, 20/10/2022
Khó khăn kéo dài với kinh tế toàn cầu
04:55, 05/10/2022
IMF cảnh báo nền kinh tế toàn cầu có thể sa sút nghiêm trọng
05:00, 09/03/2022
“Sức bật mới” kinh tế Châu Á (Kỳ I): Động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu
11:14, 10/02/2022
Lo ngại kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm trong năm 2022
05:02, 08/02/2022