Các nhà kinh tế nhận định chính sách zero-Covid của Trung Quốc, lạm phát và khủng hoảng năng lượng ở châu Âu có khả năng gây tác động xấu lên nền kinh tế toàn cầu cho đến năm 2024.
>>Nỗi lo suy thoái kinh tế Mỹ
Lần tăng lãi suất cơ bản mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) vừa qua đã khiến thị trường thế giới lao dốc một lần nữa, các đồng nội tệ tiếp tục giảm giá so với đồng USD đang mạnh lên.
Theo đó, đồng bạc xanh đã tăng đáng kể từ tháng 3/2022, khi Fed bắt đầu trên con đường thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát tăng nóng bởi giá dầu thô toàn cầu cao và chi phí lương thực tăng. Nhất là cuộc chiến tranh kéo dài nhiều tháng của Nga vào Ukraine đã khiến nguồn cung lúa mì và thức ăn chăn nuôi bị ách tắc.
Song, kế hoạch kiềm chế lạm phát của các nhà hoạch định chính sách tiền tệ tại Mỹ vẫn chưa như kỳ vọng. Chủ tịch Fed, Jerome Powell đã nhấn mạnh họ sẽ tiếp tục tăng lãi suất chính, thậm chí có thể với tốc độ nhanh hơn để ngăn lạm phát trở nên phi mã, ngay cả khi điều đó có nghĩa là nền kinh tế Mỹ sẽ bước vào suy thoái. Thêm vào đó là cuộc khủng hoảng năng lượng do xung đột quân sự và Trung Quốc khăng khăng với chiến dịch zero – Covid.
Với những vấn đề trên, hoàn toàn có cơ sở để tin rằng thời kỳ khó khăn còn lâu mới kết thúc đối với phần còn lại của thế giới. Các chuyên gia dự báo, cuối năm nay, khu vực đồng Euro có thể sẽ bước vào suy thoái do sự phụ thuộc quá nhiều vào khí đốt tự nhiên của Nga khiến giá năng lượng tăng vọt. Cùng với đó, các nền kinh tế châu Á đang đối mặt với viễn cảnh nhu cầu hàng xuất khẩu ngày càng chậm lại. Suy thoái, thậm chí giảm tốc mạnh trong tăng trưởng ở Mỹ và châu Âu sẽ khiến người tiêu dùng không còn thoải mái chi tiêu, ảnh hưởng đến nhu cầu đối với hàng hóa nhập khẩu.
Nổi bật hơn vẫn là ảnh hưởng của Trung Quốc đối với phần còn lại của châu Á. Mới đây, Ngân hàng Thế giới đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2022 của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương xuống 3,2% so với mức dự báo 5% vào tháng 4, do chính sách zero-Covid của Trung Quốc đã làm “trật bánh” mọi thứ, từ phát triển công nghiệp đến tiêu dùng địa phương.
Vấn đề đặt ra là tình trạng này sẽ diễn ra trong bao lâu? Theo quan điểm lạc quan của một số nhà kinh tế, mọi thứ có thể bắt đầu tốt hơn vào năm 2024, với giả định sự gián đoạn chuỗi cung ứng giảm bớt và Trung Quốc nới lỏng các quy tắc nghiêm ngặt về Covid-19.
Nhà kinh tế trưởng Albert Park của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn rất lớn đối với triển vọng của khu vực và kêu gọi các chính phủ cần cảnh giác. Theo ông Park, suy thoái đang trở thành "gánh nặng" khiến dự báo tăng trưởng của các khu vực đều giảm.
ADB cho rằng, trong khi các nhà hoạch định chính sách tiền tệ trong khu vực đã tăng lãi suất, một số ngân hàng trung ương có thể cần phải làm nhiều hơn để kiềm chế lạm phát và ngăn chặn dòng vốn chảy ra.
>>Giải pháp căn cơ giảm sức ép lạm phát cuối năm
Tại Việt Nam, trong cuộc họp báo chuyên đề quý 3/2022, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Văn Truyền khẳng định, dư địa cho điều hành để kiểm soát lạm phát đúng với mục tiêu đề ra vẫn còn lớn. Cụ thể, CPI tháng 9 tăng 0,4% so với tháng trước, tăng 3,94% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 9 tháng 2022 tăng 2,73% so với cùng kỳ.
“Với các kết quả đó, chỉ tiêu lạm phát được Quốc hội và Chính phủ đặt ra cho năm 2022 không quá 4% là còn dư địa tương đối lớn. Bình quân 9 tháng mới đạt 2,73%. Tuy nhiên từ nay đến cuối năm, sẽ có những yếu tố đan xen làm tăng, giảm giá hàng hóa”, ông Truyền dự báo.
Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cũng nhấn mạnh đến các giải pháp chính sách tài khóa, thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí. Trong đó, Bộ Tài chính đã đề xuất giảm thuế cho người tiêu dùng, giảm thuế xăng dầu hỗ trợ sản xuất và người dân.
“Bộ Tài chính đã chuẩn bị sẵn các kịch bản, không chỉ thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu mà đề xuất giảm thuế nhập khẩu ưu đãi, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, để ứng phó kịp thời, giữ giá các mặt hàng chiến lược. Thời gian tới sẽ còn nhiều thách thức, do đó chúng ta không thể chủ quan, điều hành nhịp nhàng chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế vĩ mô và lạm phát”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết.
Có thể bạn quan tâm
02:00, 30/09/2022
12:00, 25/09/2022
14:46, 18/09/2022
14:30, 14/09/2022