Chiến sự Nga- Ukraine: Kinh tế Nga "ngấm đòn" trừng phạt ra sao?

NGỌC ANH 25/01/2023 04:00

Dù các đòn trừng phạt của Mỹ và phương Tây có tác dụng chậm, nhưng chắc, làm suy yếu nước Nga.

Kinh tế Nga đã suy giảm mạnh do các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây

Kinh tế Nga đã suy giảm mạnh do các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây.

>> Chiến sự Nga- Ukraine: Kinh tế Nga "điêu đứng" vì lệnh trừng phạt

Có một số ý kiến cho rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây đối với Nga không có nhiều tác dụng. Những người ủng hộ điều này chỉ ra các chỉ số kinh tế vĩ mô cho thấy nền kinh tế Nga đã phục hồi.

Sở dĩ như vậy do Nga đã có cơ hội hỗ trợ nền kinh tế của mình chống lại các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây trước khi ông Putin phát động chiến sự Nga- Ukraine. Để bắt đầu, Nga đã tích lũy được nguồn dự trữ tài chính đáng kể. Kể từ năm 2014, Nga đã tăng cường thương mại với châu Á , điều này cho phép nước này vượt qua tình trạng suy giảm thương mại với phương Tây. Quan trọng nhất, ông Putin ngăn chặn được các cuộc biểu tình rầm rộ chống lại mức sống ngày càng giảm sút.

Những người chỉ trích lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây đã chỉ ra đồng Rúp mạnh lên, GDP của Nga giảm nhẹ và tỷ lệ thất nghiệp thấp. Nhưng theo ông Vladimir MiLov, Phó Chủ tịch Vận động Quốc tế tại Tổ chức Nước Nga Tự do, những con số này không phản ánh đúng tình hình thực tế. Đơn cử như số liệu thất nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp chính thức hiện ở mức 3,7 %, tức chỉ có 2,7 triệu người Nga thất nghiệp. Đó là mức thấp kỷ lục. Tuy nhiên, vào cuối quý 3/2022, gần 5 triệu công nhân Nga đã phải chịu nhiều hình thức thất nghiệp. Đáng chú ý, 70% trong số họ đang nghỉ phép không lương. Trên thực tế, khoảng 10% lực lượng lao động Nga không có việc làm. Điều này có thể so sánh với mức tồi tệ nhất trong những năm 1990 khi có tới 10- 13% người Nga thất nghiệp.

Cũng theo ông Vladimir MiLov, một thống kê sai lệch khác là tỷ giá hối đoái của đồng Rúp. Đúng là đồng Rúp đã mạnh lên, nhưng chỉ vì chính phủ gây khó khăn cho các doanh nghiệp và cá nhân Nga trong việc rút tiền và chuyển đổi sang ngoại tệ. Cái gọi là đồng Rúp mạnh được hỗ trợ bởi các biện pháp kiểm soát tiền tệ hà khắc và nhập khẩu sụt giảm. Chính sách này đã gây tổn hại nặng nề cho các ngành công nghiệp của Nga như ngành sản xuất thép: sản lượng thép thành phẩm giảm hơn 7% trong năm 2022.

Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách chỉ trích các biện pháp trừng phạt chỉ ra dự đoán của Bộ Tài chính Nga rằng GDP năm 2022 của nước này sẽ chỉ giảm 2,7 %. Tuy nhiên, con số GDP này bao gồm cả sản xuất liên quan đến quân sự đang gia tăng. Một chiếc xe tăng chiến đấu mới được sản xuất ngay lập tức được đưa ra mặt trận và bị bắn bởi tên lửa Javelin của Ukraine vẫn được coi là một đóng góp danh nghĩa cho GDP của Nga.

“Trong mọi trường hợp, các chỉ số khác cho thấy sự suy giảm kinh tế nghiêm trọng hơn nhiều so với các số liệu kinh tế chính thức cho thấy. Chẳng hạn như, doanh thu từ các nguồn khác ngoài xuất khẩu dầu khí đã giảm 20% vào tháng 10/2022 so với cùng kỳ năm 2021. Điều đó cho thấy các ngành sản xuất của nền kinh tế Nga phụ thuộc nhiều nhất vào công nghệ và linh kiện phương Tây, bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lệnh trừng phạt. Sản lượng của ngành công nghiệp ô tô Nga, trực tiếp hoặc gián tiếp cung cấp việc làm cho 3,5 triệu người, đã suy giảm tới 2/3 trong năm 2022”, ông Vladimir MiLov nhấn mạnh.

Theo ông Vladimir MiLov, các số liệu của Nga cho thấy mức lạm phát có thể kiểm soát được cũng gây hiểu lầm. Ngay cả ngân hàng trung ương Nga hiện đang báo cáo rằng lạm phát quan sát được - tức là cách công chúng nhìn nhận mức tăng giá, như được báo cáo trong các cuộc khảo sát - là 16%, cao hơn 4% so với thống kê chính thức. Khoảng cách giữa số liệu chính thức và trải nghiệm sống của người dân là điều dễ hiểu vì mức sống của người Nga đang giảm sút nghiêm trọng.

Theo một cuộc thăm dò do công ty nghiên cứu tư nhân Romir của Nga công bố vào tháng 10/2022, 68% người Nga nhận thấy nguồn cung hàng hóa được cung cấp tại các cửa hàng giảm trong 3 tháng qua. Theo Trung tâm Nghiên cứu Ý kiến Công chúng Nga, 35% người Nga buộc phải cắt giảm chi tiêu cho thực phẩm trong 2022.

>> Chiến sự Nga- Ukraine: Nga "ngấm đòn hiểm" của Mỹ

Tóm lại, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây đã và đang có ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế Nga. Những nỗ lực của ông Putin nhằm cải thiện triển vọng tài chính của đất nước bao gồm thay thế nhập khẩu, hoặc ủng hộ sự phát triển của các ngành công nghiệp trong nước và giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu sản xuất; chuyển hướng thương mại và đầu tư sang châu Á; và tìm nguồn cung ứng chất bán dẫn và các hàng hóa khác từ các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ để tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây.

Giao tranh giữa Nga và Ukraine vẫn diễn ra ác liệt.

Giao tranh giữa Nga và Ukraine vẫn diễn ra ác liệt.

Tuy nhiên, ông Vladimir MiLov cho rằng không có cách tiếp cận nào trong số này sẽ giải quyết được các vấn đề của Nga. Chẳng hạn, việc trao thị phần cho các công ty phụ thuộc vào môi trường độc quyền cao luôn dẫn đến hàng hóa kém chất lượng với giá cao hơn. Nó không kích thích đổi mới hoặc khuyến khích sản xuất các sản phẩm tốt hơn.

Các nước châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ chủ yếu quan tâm đến việc mua các nguyên liệu thô giá rẻ của Nga như dầu, khí đốt, than đá và gỗ tròn với mức chiết khấu đáng kể. Các nhà lãnh đạo ở những quốc gia đó không quan tâm đến việc giúp Nga phát triển các ngành sản xuất cạnh tranh của riêng mình.

Nga đã phần nào thành công trong việc lách các biện pháp trừng phạt bằng cách nhập khẩu những hàng hóa quan trọng do phương Tây sản xuất, chẳng hạn như các bộ phận để sản xuất thông qua các nước thứ ba, chủ yếu là Thổ Nhĩ Kỳ. Vào quý 3/2022, nhập khẩu của Nga từ Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lên hơn 1 tỷ USD mỗi tháng, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021. Nhưng các nước phương Tây có thể sử dụng áp lực ngoại giao để lấp những lỗ hổng này. Điều đáng nói là ông Putin không thể dựa vào đầu tư nước ngoài để vực dậy nền kinh tế Nga. Theo ngân hàng trung ương Nga, dòng vốn chảy ra khỏi Nga vào năm 2022 được dự đoán là 251 tỷ USD.

“Các biện pháp trừng phạt có thể ngăn chặn hành vi hung hăng của Nga tại Ukraine. Các nhà hoạch định chính sách phương Tây phải tiến hành phân tích chi tiết về tác động của các biện pháp trừng phạt thay vì chấp nhận một tập hợp hẹp các chỉ số bị thao túng. Và trên hết, họ phải kiên nhẫn”, ông Vladimir MiLov nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Kinh tế Nga “tổn thương”, chiến sự Nga- Ukraine sớm kết thúc?

    Kinh tế Nga “tổn thương”, chiến sự Nga- Ukraine sớm kết thúc?

    04:30, 07/12/2022

  • Chiến sự Nga- Ukraine: Kinh tế Nga

    Chiến sự Nga- Ukraine: Kinh tế Nga "ngấm đòn" suy thoái

    04:00, 19/11/2022

  • Chiến sự Nga- Ukraine kéo dài, kinh tế Nga lún sâu suy thoái

    Chiến sự Nga- Ukraine kéo dài, kinh tế Nga lún sâu suy thoái

    04:00, 04/11/2022

  • Cấm vận gia tăng, kinh tế Nga

    Cấm vận gia tăng, kinh tế Nga "tổn thương" nặng trong dài hạn

    14:24, 29/08/2022

  • Kinh tế Nga dần rơi vào “thị trường xám”!

    Kinh tế Nga dần rơi vào “thị trường xám”!

    05:00, 22/08/2022

  • "Cuộc chiến" kinh tế Nga- phương Tây: Ai sẽ chịu thiệt hại lớn?

    14:28, 18/07/2022

  • Các lệnh trừng phạt của phương Tây ảnh hưởng thế nào đến kinh tế Nga?

    Các lệnh trừng phạt của phương Tây ảnh hưởng thế nào đến kinh tế Nga?

    04:15, 09/05/2022

NGỌC ANH