Chiến sự Nga- Ukraine: Thực hư Trung Quốc chuyển vũ khí cho Nga?

TRƯỜNG ĐẶNG 24/02/2023 04:00

Việc Mỹ và phương Tây lớn tiếng cáo buộc Trung Quốc viện trợ vũ khí cho Nga được cho là một động thái khác để tăng thêm áp lực với Bắc Kinh.

Liệu Tập Cận Bình có đánh đổi nhiều lợi ích để gửi vũ khí cho Nga?

Nhiều ý kiến đang đặt dấu hỏi liệu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có đánh đổi nhiều lợi ích để gửi vũ khí cho Nga?

>>Chiến sự Nga - Ukraine: Kết cục nào trong năm 2023?

Hội nghị An ninh Munich vừa qua gây chú ý xung quanh việc Mỹ cáo buộc Bắc Kinh viện trợ “vũ khí sát thương” cho quân đội Nga trong chiến sự Nga- Ukraine. Lo ngại này càng dâng cao khi ông Vương Nghị, quan chức đối ngoại cấp cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đến thăm Nga sau hội nghị này, sát dịp kỉ niệm tròn 1 năm xảy ra chiến sự Nga- Ukraine.

Mặc dù vậy, có nhiều lý do để nghi ngờ cáo buộc của chính quyền Mỹ xung quanh vấn đề này.

Thứ nhất, không có nhiều khả năng Trung Quốc sẽ mạo hiểm để viện trợ khí tài cho Nga. Bởi, mặc dù vẫn duy trì mối quan hệ hợp tác thân cận với Nga, Bắc Kinh trước đến nay đều nhấn mạnh vai trò trung lập của mình với chiến sự Nga- Ukraine.

Bên cạnh đó, kể từ khi từ bỏ chính sách Zero Covid, Trung Quốc đang muốn xích lại gần Mỹ và châu Âu để cùng nhau giải quyết các vấn đề hóc búa, cũng như tìm cách kéo nền kinh tế trong nước phục hồi trở lại. Ngay trong vụ căng thẳng khinh khí cầu do thám với Mỹ, Trung Quốc cũng có phản ứng trầm lắng hơn so với bình thường.

Do đó, một động thái can thiệp sâu hơn như cung cấp vũ khí cho Nga có thể khiến các dự định của ông Tập Cận Bình sụp đổ. Không chỉ vậy, nó sẽ khiến các nước trên thế giới nhìn nhận Trung Quốc là một nguy cơ đối với an ninh thế giới, trong bối cảnh nhiều chuyên gia lo ngại Bắc Kinh có thể áp dụng cách thức của Nga trong vấn đề Đài Loan.

Thứ hai, Trung Quốc có rất ít lợi ích khi gián tiếp tham gia vào chiến sự Nga- Ukraine theo cách này. Kể từ khi chiến sự Nga- Ukraine xảy ra, Trung Quốc đã là nước hưởng lợi nhất về mặt kinh tế. Nhờ dòng dầu thô chuyển hướng từ Châu Âu, Trung Quốc đã tiếp nhận được một lượng lớn “vàng đen” của Nga với giá rẻ vào kho dữ trữ của mình, sau đó họ xuất sang châu Âu để thu lợi lớn. Bên cạnh đó, sự rút lui của hàng loạt công ty của châu Âu và Mỹ cũng để lại cho các công ty Trung Quốc một thị trường tiêu dùng béo bở.

Lãnh đạo Trung Quốc chắc hẳn nhận thức được lợi ích kinh tế đáng kể này hơn nhiều so với việc bán vũ khí phi sát thương và sát thương cho Nga để đối phó với Ukraine.

Theo ông Alexander Korolev, giảng viên cao cấp tại Đại học New South Wales ở Úc, chuyên gia về quan hệ Trung Quốc-Nga, các cáo buộc nói trên của phương Tây có lẽ bắt nguồn từ mối quan hệ quân sự gần đây ngày càng sâu sắc giữa Nga và Trung Quốc, cũng như sự xuất hiện của máy bay không người lái (UAV) do Trung Quốc sản xuất trên chiến trường Ukraine trong thời gian qua.

>>Trung Quốc hưởng lợi gì từ chiến sự Nga - Ukraine?

Thứ ba, có một số lý do cho việc UAV Trung Quốc xuất hiện nhiều trên chiến trường Ukraine. Có một thực tế, đa số các loại UAV tại chiến trường Ukraine là mẫu Mavic do công ty Trung Quốc DJI sản xuất, theo ông Faine Greenwood, một chuyên gia về UAV của trang Foreign Policy. Nhưng điều đó không có nghĩa chính phủ Trung Quốc tham gia vào việc này.

Drone của DJI tại một bãi tập ở Kyiv

Drone của DJI tại một bãi tập ở Kiev

Theo ông Faine Greenwood, sự phổ biến của loại UAV nói trên đến từ sự linh hoạt, dễ sử dụng và có giá phải chăng, khiến nó trở thành một khí tài được cả Nga và Ukraine ưa chuộng. Tháng 8/2022, ông Yuri Baluyevsky, cựu Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga, thậm chí đã gọi nó là “một biểu tượng thực sự của chiến tranh hiện đại”. Mặc dù DJI đã rút ra khỏi thị trường Nga và Ukraine kể từ tháng 4/2022, nhưng điều đó vẫn không ngăn cản sự xuất hiện ngày càng nhiều của UAV này tại chiến sự Nga- Ukraine.

Theo ông Greenwood, có cả một đội quân tình nguyện từ Ukraine và Nga gây quỹ để mua UAV đã qua sử dụng từ các nguồn dân sự. Với tính năng chụp ảnh hay vận chuyển đồ, UAV này dễ dàng được mua bán và vận chuyển xuyên biên giới để vào chiến trường. Tại đây, các binh sĩ sẽ cải tiến nó thành các phương tiện vũ khí cảm tử, hoặc cho mục đích do thám, vận chuyển khí tài, lương thực.

Không có nhiều động cơ để Bắc Kinh thực sự cung cấp vũ khí sát thương cho Nga, nhưng những dấu vết trên chiến trường cũng đủ để Mỹ và phương Tây leo thang căng thẳng với Bắc Kinh. Sẽ đáng mong chờ những phản ứng của lãnh đạo Trung Quốc nhằm đối phó với những áp lực mới này, trong khi tranh cãi xung quanh vụ khinh khí cầu với Mỹ vẫn chưa thể lắng xuống.

Có thể bạn quan tâm

  • Chiến sự Nga - Ukraine: Thách thức quan hệ Nga - Trung Quốc

    Chiến sự Nga - Ukraine: Thách thức quan hệ Nga - Trung Quốc

    04:00, 31/12/2022

  • Trục lợi ích mới từ chiến sự Nga - Ukraine

    Trục lợi ích mới từ chiến sự Nga - Ukraine

    04:30, 21/02/2023

  • Trung Quốc rút ra bài học nào từ chiến sự Nga - Ukraine?

    Trung Quốc rút ra bài học nào từ chiến sự Nga - Ukraine?

    04:30, 17/02/2023

  • Chiến sự Nga - Ukraine: “Vén màn” trật tự thế giới mới

    Chiến sự Nga - Ukraine: “Vén màn” trật tự thế giới mới

    04:00, 17/02/2023

TRƯỜNG ĐẶNG