Chiến sự Nga- Ukraine: Khi nào tới hồi kết?
Chiến sự Nga- Ukraine đã và đang diễn ra ác liệt. Nga vẫn xoay xở mọi nguồn lực để đạt được mục, trong khi Mỹ và phương Tây không ngừng viện trợ cho Ukraine.
Theo các chuyên gia, nếu không bên nào kiệt sức, có khả năng lớn cuộc xung đột này sẽ kéo dài suốt năm 2023 và thậm chí lâu hơn thế nữa.
Với Ukraine, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đã gây ra những mất mát nghiêm trọng về sinh mạng, bất ổn xã hội và tạo ra vết nứt kinh tế lớn. Sau một năm bùng nổ chiến sự Nga- Ukraine, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy khẳng định tiếp tục “giữ vững tay súng” khi các nước phương Tây cam kết gửi thêm viện trợ quân sự cho Ukraine.
Với Nga, cả vị thế, kinh tế lẫn uy tín đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nga không kiểm soát được một phần đáng kể lãnh thổ mà nước này tuyên bố sáp nhập vào tháng 9/2022. Bất chấp thành tích không mấy ấn tượng của quân đội Nga, Tổng thống Nga Putin không có dấu hiệu từ bỏ cuộc xung đột. Trong thông điệp liên bang ngày 21/2, ông Putin khẳng định sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Cho đến nay, phương Tây đã thể hiện rõ ràng lập trường ủng hộ Ukraine. Ngày 20/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có chuyến thăm bất ngờ tới Ukraine. Trong cuộc gặp với người đồng cấp Ukraine Tổng thống Volodymyr Zelenskyy, ông Biden đã cam kết rằng Washington sẽ ủng hộ Ukraine đến cùng.
Ngày hôm sau, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni cũng tới Kiev để gặp Tổng thống Ukraine, khẳng định sự ủng hộ của Italy đối với Ukraine và cho biết chính phủ của bà dự định cung cấp các hệ thống phòng không Spada và Skyguard cho quân đội Ukraine, bên cạnh hệ thống SAMP-T/Mamba mà nước này đã quyết định cung cấp cùng với Pháp.
Ngoài ra, tại Hội nghị An ninh Munich, các nhà lãnh đạo châu Âu khác đã cam kết ủng hộ Ukraine và thậm chí thừa nhận họ đã quá chậm chạp trong việc cung cấp những vũ khí. Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã kêu gọi phương Tây cung cấp nhiều xe tăng cho Ukraine ngay bây giờ. Thủ tướng Anh cũng tán thành việc các đồng minh gửi máy bay chiến đấu đến Ukraine và huấn luyện các phi công Ukraine sử dụng các máy bay phản lực tiên tiến nhất.
Quan trọng hơn, phương Tây cũng đã kiên định đối với các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga nhằm làm suy yếu năng lực quân sự của Điện Kremlin. Lệnh trừng phạt lớn mới nhất là lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm tinh chế dầu mỏ của Nga có hiệu lực vào ngày 5/2/2023.
Tuy nhiên, phương Tây chưa dành cho Ukraine sự hỗ trợ trong một số khía cạnh nhất định, khi họ không tán thành việc xóa nợ cho quốc gia này. Trong khi đó, đề xuất lấy các tài sản tịch thu từ Ngân hàng Trung ương Nga và các nhà tài phiệt Nga nằm trong danh sách cấm vận để trao cho Kiev như một khoản bồi thường chiến tranh vẫn chưa được tiến hành. Bên cạnh đó, Ukraine cũng đang phải đối mặt với khó khăn về sản xuất và cũng như quá trình chuyển giao vũ khí, đe dọa khả năng cung cấp đủ đạn dược cho Kiev.
Trước tình hình này, ông Putin dường như đang hy vọng phương Tây dừng hỗ trợ Ukraine, qua đó đảm bảo một chiến thắng trong dài hạn của Nga.
>> Nga có thể đi xa đến đâu trong chiến sự Ukraine?
Theo ông Maximilian Hess, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại Mỹ, ông Putin nhận thức rõ rằng chiến sự Nga- Ukraine càng kéo dài, phương Tây sẽ càng tốn kém nhiều hơn. Gánh nặng kinh tế của cuộc chiến có khả năng sẽ khiến người dân lựa chọn các nhà lãnh đạo phương Tây “hiền hòa” hơn lên nắm quyền trong những năm tới, chẳng hạn như ông Donald Trump. Tại châu Âu, cũng có những chính trị gia có thiện cảm với ông Putin. Thủ tướng Hungary Viktor Orbán vẫn duy trì sự ủng hộ với Điện Kremlin. Ứng cử viên Tổng thống Pháp Marine Le Pen cũng được biết đến với cách tiếp cận mềm mỏng với Nga.
“Điều quan trọng hiện nay là phải đảm bảo sự hỗ trợ của phương Tây đối với Ukraine được duy trì trong thời gian dài. Việc thiếu một liên minh chính thức giữa phương Tây và Ukraine là nguy cơ cần được giải quyết”, ông Maximilian Hess nhấn mạnh.
Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassily Nebenzia tuyên bố Nga chỉ sẵn sàng thảo luận về một giải pháp hòa bình để đạt được các mục tiêu mà nước này đã tuyên bố cho chiến dịch quân sự ở Ukraine. "Nga sẵn sàng đàm phán để hiện thực hóa một cách hòa bình các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt và sẽ không xem xét bất kỳ kịch bản nào khác. Nga không bao giờ ấp ủ bất kỳ kế hoạch nào nhằm tiêu diệt Ukraine với tư cách là một quốc gia độc lập và chỉ khi nào Kiev dừng các hành động thù địch thì họ mới có cơ hội trở lại”, ông Vassily Nebenzia nhấn mạnh và cảnh báo rằng việc phương Tây liên tục viện trợ Ukraine, đặc biệt là Mỹ, chỉ làm gia tăng xung đột và làm tổn hại thêm mối quan hệ của họ với Nga.
Theo các chuyên gia, cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây là cuộc đối đầu vì thể diện quốc gia, vì những giá trị mà hai bên theo đuổi. Ông John o'loughlin - Đại học Colorado Boulder, Mỹ cho rằng phương Tây có tham vọng lớn hơn nhiều so với việc chỉ giành chiến thắng trong cuộc chiến ở Ukraine. Đó là vô hiệu hóa Nga với tư cách là một cường quốc thế giới. Phương Tây, đặc biệt là Mỹ không muốn thua cuộc. Vì điều đó sẽ giáng một đòn mạnh vào uy tín nước Mỹ. Nhưng Nga cũng không muốn thất bại vì quan điểm của người Nga cho rằng đây là cuộc chiến vệ quốc, vì sự sống còn của Tổ quốc. Do đó, chiến sự Nga- Ukraine sẽ còn kéo dài, chưa biết đến khi nào kết thúc.
Có thể bạn quan tâm
Chiến sự Nga- Ukraine: Ukraine trước nguy cơ thiếu hụt đạn pháo
04:00, 02/03/2023
Chiến sự Nga- Ukraine: Thấy gì từ đề xuất 12 điểm của Trung Quốc?
04:00, 01/03/2023
Chiến sự Nga - Ukraine "hé lộ" những “lằn ranh đỏ” đáng sợ!
03:30, 01/03/2023
Chiến sự Nga- Ukraine: Vũ khí nào giúp Ukraine thay đổi cục diện?
03:30, 27/02/2023
Những quan điểm “đốt nóng” chiến sự Nga - Ukraine
05:00, 26/02/2023
Chiến sự Nga- Ukraine: Cách tiếp cận của Mỹ đã đúng?
04:00, 26/02/2023
Chiến sự Nga- Ukraine: "Ngòi nổ" mới từ căng thẳng Mỹ- Trung
03:30, 26/02/2023