Chiến sự Nga- Ukraine: "Ngòi nổ" mới từ căng thẳng Mỹ- Trung

TRƯỜNG ĐẶNG 26/02/2023 03:30

Những cáo buộc của Mỹ dành cho Trung Quốc về việc viện trợ vũ khí sát thương và phi sát thương cho Nga đang có nguy cơ trở thành một ngòi nổ mới trong chiến sự Nga- Ukraine.

Quan hệ Mỹ - Nga - Trung là nhân tố chính quyết định cục diện cuộc chiến Nga - Ukraine

Quan hệ Mỹ - Nga - Trung là nhân tố chính quyết định cục diện cuộc chiến Nga - Ukraine

>>Cơ hội nào cho hòa đàm Nga- Ukraine?

“Chúng tôi đã thấy Trung Quốc cung cấp hỗ trợ phi sát thương cho Nga để sử dụng ở Ukraine. Tôi lo ngại về những thông tin cho rằng họ đang xem xét cung cấp hỗ trợ sát thương cho Nga. Phía Mỹ đã nói rất rõ ràng với Trung Quốc rằng điều đó sẽ gây ra vấn đề nghiêm trọng”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói với đài CBS, nêu bật lên những căng thẳng mới trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc.

Nguy cơ đó có thể dẫn tới việc Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt với Trung Quốc ở mức độ tương đương với các nhà nước bị Mỹ cho là “tài trợ khủng bố” như Bắc Triều Tiên hay Syria. Trước đó, Nghị viện châu Âu đã thông qua một nghị quyết với đa số phiếu bầu coi Nga là nhà tài trợ khủng bố, nhưng nghị quyết này không ràng buộc về mặt pháp lý. Nếu chính quyền Biden tấn công Trung Quốc bằng các lệnh trừng phạt ở cấp độ đó, thì đây sẽ là một động thái vô cùng nghiêm trọng cho an ninh thế giới thời điểm này.

Trung Quốc đang trong quá trình gây dựng lại hình ảnh trên trường quốc tế sau khi bị chỉ trích vì đã không có nhiều tiếng nói trong chiến sự Nga – Ukaine. Nếu có thể tìm ra cách chấm dứt cuộc xung đột này, Bắc Kinh sẽ chứng tỏ được với thế giới về vai trò của mình trong giải quyết các vấn đề cấp bách nhất của nhân loại.

Tại Hội nghị an ninh Munich vừa qua, ông Vương Nghị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã bày tỏ mong muốn tìm giải pháp chấm dứt chiến sự Nga- Ukraine bằng biện pháp hòa bình và đối thoại. Ngày 24/2, Bộ Ngoại giao nước này đã công bố kế hoạch 12 điểm kêu gọi hai bên chấm dứt giao tranh.

Trung Quốc có lợi thế lớn nhờ duy trì mối quan hệ gần gũi với Nga. Nỗ lực hàn gắn hai bên càng được củng cố sau khi ông Vương Nghị có chuyến thăm Nga sau hội nghị Munich, đồng thời gợi ý về một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tập Cận Bình và Putin trong thời gian tới.

Do đó, nếu chính quyền Biden áp đặt một lệnh trừng phạt coi Trung Quốc là nhà tài trợ khủng bố, những nỗ lực của Trung Quốc có thể bị lệch hướng. Chính quyền Bắc Kinh chắc chắn sẽ bác bỏ mọi cáo buộc đơn phương từ phía Mỹ, nhưng mọi chuyện sẽ khác nếu biện pháp đó được sự đồng thuận của châu Âu và nhiều nước có ảnh hưởng khác.

Một đòn tấn công tổng lực của Mỹ và đồng minh vào Trung Quốc cũng có nghĩa, không chỉ hòa đàm Nga – Ukraine trở nên xa vời, mà còn dẫn tới nguy cơ đẩy Trung Quốc ra xa hơn về phía Nga.

Triển vọng hòa bình cho Nga và Ukraine vẫn mịt mờ

Triển vọng hòa bình cho Nga và Ukraine vẫn mịt mờ

>>Chiến sự Nga- Ukraine: Thực hư Trung Quốc chuyển vũ khí cho Nga?

Đặc biệt, nếu động thái nói trên của Mỹ được tung ra, có nguy cơ khiến Trung Quốc càng trở nên hung hăng trong giải quyết các vấn đề quốc tế.

Một khi chương trình nghị sự hòa bình cho Nga – Ukraine không trở thành hiện thực, Trung Quốc sẽ có ít lựa chọn trong việc củng cố quyền lực và sắp đặt lại trật tự thế giới. Đó là điều đáng lo ngại, khi Trung Quốc đã rút ra được những bài học từ cuộc chiến để có thể áp dụng trong vấn đề Đài Loan hay Biển Đông khi cần thiết.

Việc đẩy Trung Quốc ra khỏi vị trí trung lập cũng sẽ tạo điều kiện để Trung Quốc hỗ trợ Nga mạnh mẽ hơn nữa, không loại trừ cả vấn đề vũ khí sát thương. Điều này có nguy cơ châm thêm "ngòi nổ" cho chiến sự Nga- Ukraine. 

Trong cuộc gặp mới đây tại Moscow, ông Vương Nghị đã nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng “Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Nga để duy trì quyết tâm chiến lược”. Tuyên bố này dường như không khác nhiều so với cuộc gặp của ông Tập và ông Putin vào 4/2/2022, rằng quan hệ Trung Quốc và Nga là hữu nghị và hợp tác “không có giới hạn”. Và 20 ngày sau đó, chiến sự Nga- Ukraine đã nổ ra.

Một khi có sự tham gia của Trung Quốc, tương quan lực lượng giữa Nga và Ukraine sẽ xoay chuyển theo chiều hướng bất lợi cho Mỹ và phương Tây – vốn đang mắc kẹt trong vấn đề thiếu hụt vũ khí chuyển giao hay chia rẽ chính trị trong nước.

Trong trường hợp đó, liệu Mỹ và phương Tây có ngồi im chứng kiến sự thất bại của Ukraine, hay sẽ có những can thiệp mạnh mẽ hơn để đối phó với liên minh của 2 cường quốc quân sự này? 

Có thể bạn quan tâm

  • Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu dỡ bỏ thuế quan

    Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu dỡ bỏ thuế quan

    04:50, 18/11/2022

  • Tín hiệu tích cực từ đối thoại cấp cao Mỹ - Trung

    Tín hiệu tích cực từ đối thoại cấp cao Mỹ - Trung

    02:30, 16/11/2022

  • Chiến sự Nga - Ukraine: Kết cục nào trong năm 2023?

    Chiến sự Nga - Ukraine: Kết cục nào trong năm 2023?

    03:20, 21/02/2023

  • Chiến sự Nga - Ukraine: Một năm nhìn lại

    Chiến sự Nga - Ukraine: Một năm nhìn lại

    04:30, 24/02/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chiến sự Nga- Ukraine: "Ngòi nổ" mới từ căng thẳng Mỹ- Trung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO