Đòn trừng phạt của Mỹ đang thúc đẩy Trung Quốc tự chủ công nghệ?
Các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với lĩnh vực công nghệ Trung Quốc đang tạo điều kiện cho nước này thúc đẩy nghiên cứu và phát triển nhằm hướng tới việc tự chủ công nghệ.
>>Giáng đòn vào Micron, Trung Quốc "chơi lớn" với Mỹ
Theo một nghiên cứu mới của các nhà nghiên cứu Trung Quốc, các biện pháp trừng phạt của Mỹ với các lĩnh vực công nghệ cao của Trung Quốc đã làm tăng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển R&D của nước này trong các lĩnh vực này lên 52,9%.
Một nhóm các nhà nghiên cứu chính sách khoa học do Giáo sư Liu Lanjian, thuộc Đại học Changan ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây, dẫn đầu, đã nghiên cứu các tác động của biện pháp trừng phạt của chính phủ Mỹ đã ảnh hưởng đến gần 1.000 công ty công nghệ cao của Trung Quốc từ năm 2010 đến năm 2020.
Họ nhận thấy số lượng đơn xin cấp bằng sáng chế của các công ty Trung Quốc đã tăng trung bình 57,6% do các lệnh trừng phạt này. “Dưới chính sách kiểm soát công nghệ của Mỹ, số lượng đơn xin cấp bằng sáng chế và tài trợ cho hoạt động R&D của các doanh nghiệp công nghệ cao đã tăng lên đáng kể ở Trung Quốc”, nhóm chuyên gia cho biết trong một bài báo đăng trên Diễn đàn Khoa học và Công nghệ ở Trung Quốc.
“Tuy nhiên, chi phí đổi mới công nghệ cũng tăng lên đáng kể, khiến các hoạt động đổi mới sáng tạo trở nên khó khăn hơn và kém hiệu quả hơn,” nhóm chuyên gia nói trên cho biết.
Hiện nay, tại Trung Quốc, cộng đồng nghiên cứu khoa học bị chia rẽ về tác động của các lệnh cấm công nghệ của chính phủ Mỹ. Một số nhà nghiên cứu tin rằng các biện pháp trừng phạt của Washington sẽ ảnh hưởng đến việc chuyển giao công nghệ, làm giảm sự trao đổi của các nhà khoa học Trung Quốc với các nhà nghiên cứu hàng đầu ở phương Tây và giữ các ngành công nghiệp Trung Quốc ở cuối chuỗi sản xuất.
Ngược lại, một số nhà nghiên cứu nhận định rằng các lệnh cấm sẽ thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ tại Trung Quốc, thúc đẩy chính phủ Trung Quốc đưa ra các chính sách mới nhằm khuyến khích hoặc buộc các công ty Trung Quốc phải giảm phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài.
Một số nghiên cứu trước đây đã đo lường tác động thực tế của các biện pháp trừng phạt của Mỹ bằng những con số cụ thể. Theo đó, tác động giữa các ngành công nghiệp có sự khác biệt đáng kể. Các công ty điện tử Trung Quốc là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, tiếp theo là các công ty trong lĩnh vực máy tính và viễn thông.
“Trung Quốc là nước đi sau và các liên kết trong một số lĩnh vực công nghệ mũi nhọn vẫn còn yếu. Các sản phẩm thay thế vẫn chưa hoàn thiện và sẵn có, đồng thời thiếu một số liên kết chính trong chuỗi cung ứng", chuyên gia Liu Lanjian nhận định và cho biết hiện các nước phát triển đã tăng cường hơn nữa việc kiểm soát xuất khẩu công nghệ cao. Các doanh nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc do Huawei làm đại diện là những lực lượng mới nổi đang tích cực hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu và họ đang đối mặt với những rủi ro to lớn do việc kiểm soát công nghệ mang lại.
>>Gay cấn cuộc đua AI Mỹ - Trung Quốc
Đối với một số lĩnh vực khác, các lệnh hạn chế lại có ít tác động hơn như ngành công nghiệp vật liệu mới. Theo báo cáo gần đây của Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI), Trung Quốc dẫn đầu thế giới trong tất cả 12 lĩnh vực công nghệ liên quan đến vật liệu tiên tiến và sản xuất. Tổng cộng, Trung Quốc có lợi thế hơn Mỹ ở 37 trong số 44 lĩnh vực công nghệ then chốt, bao gồm trí tuệ nhân tạo, năng lượng, công nghệ sinh học và quốc phòng.
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, cho biết Mỹ sẽ đạt được một số lợi ích ngắn hạn nhờ các chính sách trừng phạt của mình nhưng sẽ thua trong cuộc chiến dài hạn chống lại Trung Quốc vì điều đó sẽ buộc các công ty Trung Quốc phải phát triển công nghệ của riêng họ.
Người sáng lập Microsoft Bill Gates cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Financial Times nói rằng lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ không cho kết quả như mong đợi.
“Tôi không nghĩ Mỹ sẽ thành công trong việc ngăn cản Trung Quốc sở hữu những con chip được sản xuất với công nghệ cao. Các lệnh hạn chế sẽ buộc họ dành thời gian và rất nhiều tiền để sản xuất chip của riêng họ, nhưng với thời hạn chỉ từ 5 đến 10 năm. Trung Quốc sẽ bắt kịp khá nhanh, nhưng tôi không thấy đó là một lợi ích to lớn đối với họ", FT dẫn lời ông Bill Gates.
Đồng quan điểm, ông Dan Wang, chuyên gia phân tích công nghệ đến từ hãng Gavekal Dragonomics, trụ sở tại Thượng Hải, nhận định “Tự chủ là một ảo mộng đối với bất cứ quốc gia nào, ngay cả với Mỹ hay Trung Quốc, nếu xét về chip".
Có thể bạn quan tâm