"Né" Trung Quốc, Mỹ tái thiết chuỗi cung ứng ra sao?

TRƯỜNG ĐẶNG 31/03/2023 03:40

Ông Donald Trump từng chỉ trích NAFTA là “thỏa thuận thương mại tồi tệ nhất”, nhưng hai quốc gia láng giềng có thể là giải pháp không hề tồi cho Washington trong cuộc đấu Mỹ - Trung.

Mỹ có thể trông cậy vào Mexico và Canada trong chiến lược kiềm chế Trung Quốc?

Mỹ có thể trông cậy vào Mexico và Canada trong chiến lược kiềm chế Trung Quốc

Hiệp định USMCA đã thay thế cho Hiệp định NAFTA (1994) sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump xóa bỏ NAFTA vào năm 2016 với lý do NAFTA không công bằng và đã khiến lao động Mỹ bị mất việc làm. Kể từ khi Hiệp định này có hiệu lực đến nay, thương mại hàng hóa và dịch vụ của Bắc Mỹ đã tăng gấp bốn lần về giá trị, lên hơn 7 nghìn tỷ USD. Nhưng cũng trong giai đoạn đó, thương mại ở châu Á đã tăng trưởng gấp 6 lần. Trung Quốc nổi lên trở thành “công xưởng thế giới” và đảm nhận vai trò tối quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt với Mỹ.

>>Châu Âu tìm cách "thoát" Trung Quốc trong năng lượng mặt trời

Thế nhưng, cuộc cạnh tranh địa chính trị đang ngày càng gay gắt giữa Bắc Kinh và Washington khiến nhu cầu tái định hình chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc trở nên không thể tránh khỏi. Dù Mỹ đã nhìn thấy tiềm năng từ Việt Nam, Thái Lan, hay Ấn Độ, nhưng Mexico và Canada dường như là hai nhân tố thay thế tiềm năng nhất.

Mỹ đã nhiều năm bỏ quên hai thị trường này. Trên thực tế, chỉ có ngành công nghiệp ô tô là một trong số ít ngành thực sự áp dụng các mô hình xuyên biên giới 3 nước với nhau. Để có thể dành “chiến thắng” trong cuộc đua bán dẫn hay xe điện, chính quyền Biden đã bắt đầu những bước đi đầu tiên.

Thương mại giữa Mỹ và 2 nước láng giềng đã có sự cải thiện gần đây

Thương mại giữa Mỹ và 2 nước láng giềng đã có sự bứt phá gần đây (Ảnh: Economist)

Vào năm 2022, thương mại của Hoa Kỳ với 2 nước láng giềng đã vượt thương mại với Trung Quốc, là thành quả từ hiệp định USMCA mới do Mỹ dẫn đầu. Ngày 15/3 vừa qua, chính quyền Mỹ đã phê duyệt kế hoạch sáp nhập đường sắt lớn đầu tiên trong hai thập kỷ liên kết cả ba quốc gia.

Với thỏa thuận USMCA, hơn ba phần tư xuất khẩu của Mexico đi về Mỹ. Vào tháng 2, Tesla quyết định xây dựng một nhà máy ở bang Nuevo León – bước khởi đầu trong chương trình đầu tư có thể lên tới 10 tỷ USD.

Đầu tư của Mỹ đã bắt đầu kéo theo các quốc gia cùng chung chí hướng. Năm ngoái, khoảng 400 công ty quốc tế bắt đầu quan tâm đến việc chuyển các cơ sở từ châu Á sang Mexico. Điển hình như Daikin – nhà sản xuất điều hòa không khí Nhật Bản - đang chuyển một số dây chuyền sản xuất từ Thái Lan sang Mexico và thuê khoảng 2.000 nhân công Mexico trong 18 tháng tới.

Dù vậy, ông Alberto de la Fuente, Chủ tịch Hội đồng các công ty toàn cầu ở Mexico, cảnh báo rằng làn sóng đầu tư vẫn mang tính kỳ vọng hơn là thực tế vào thời điểm này. Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Mexico đã tăng lên 35,3 tỷ USD vào năm 2022, cao nhất kể từ năm 2015, nhưng thực tế nó chỉ đến từ một số ít khoản đầu tư giá trị lớn hơn là một làn sóng.

Mexico vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết như an ninh, hậu cần, và đặc biệt là năng lượng. Quốc gia Mỹ Latinh gặp khó để vực dậy công ty điện lực quốc gia, trong khi tư nhân không mặn mà đầu tư do thiếu hỗ trợ. Do đó, năng lượng sạch còn rất xa vời.

>>Mỹ ấp ủ nhiều "át chủ bài" như AUKUS để đối phó với Trung Quốc

Theo các chuyên gia đánh giá, Mexico vẫn còn thiếu ưu đãi thu hút đầu tư, thậm chí ngay cả với Mỹ. Mexico có rất ít ưu đãi liên bang, trong khi chỉ một số ít tiểu bang cung cấp giá thuê đất rẻ.

Với Canada, nước này có thể nhắm mục tiêu vào các bộ phận cụ thể của chuỗi cung ứng, hưởng lợi từ đạo luật IRA của Mỹ mới đây. Trong đó, quy định các khoản ưu đãi thuế cho người mua xe điện có các bộ phận được sản xuất tại Bắc Mỹ.

Ngày 13/3, tập đoàn ô tô Volkswagen của Đức thông báo sẽ xây dựng nhà máy sản xuất pin xe điện đầu tiên bên ngoài châu Âu ở Ontario. Ngoài ra, Canada cũng là một trong các nước đi đầu về mô hình tăng trưởng xanh.

Ngành công nghệ thế giới còn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn tài nguyên Trung Quốc

Ngành công nghệ thế giới còn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn tài nguyên Trung Quốc

Dù vậy, yếu tố quan trọng nhất với Mỹ là sự phong phú về tài nguyên thiên nhiên. Dù Canada mới chỉ chiếm 3% trữ lượng kim loại cần thiết cho ngành công nghệ, như lithium và mangan, nhưng giới chuyên gia tin rằng còn rất nhiều khoáng sản ở dưới lòng đất chưa được thăm dò và khai thác.

Cuối 2022, nước này cũng đã công bố chiến lược khoáng sản quan trọng đầu tiên để tiến tới thiết lập vị thế trong lĩnh vực khai thác và tinh chế khoáng sản ở phân đoạn cao hơn trong ngành công nghiệp.

Quy mô ngành sản xuất giữa Trung Quốc và Bắc Mỹ vẫn còn khoảng cách lớn. Riêng các nhà máy của Trung Quốc đã rộng hơn của Mexico 20 lần. Để san lấp khoảng cách trên, cả Mexico và Canada sẽ cần rất nhiều hỗ trợ từ Mỹ, cả về vốn và kỹ thuật. Tuy nhiên, để đảm bảo được an ninh quốc gia và tương lai nền kinh tế, đó sẽ là khoản đầu tư có giá trị, đặc biệt khi Mỹ ngày càng khó kiềm chế Trung Quốc.

Có thể bạn quan tâm

  • Báo động đỏ nguy cơ thoái trào toàn cầu hóa

    Báo động đỏ nguy cơ thoái trào toàn cầu hóa

    04:00, 27/03/2023

  • Nhật Bản - Ấn Độ xích lại gần nhau vì lo Trung Quốc?

    Nhật Bản - Ấn Độ xích lại gần nhau vì lo Trung Quốc?

    04:00, 30/03/2023

  • Trung Quốc sử dụng

    Trung Quốc sử dụng "vũ khí" mới để cạnh tranh với Mỹ

    04:00, 28/03/2023

  • Trung Quốc tăng tốc đầu tư AI để đối đầu với Mỹ

    Trung Quốc tăng tốc đầu tư AI để đối đầu với Mỹ

    11:20, 29/03/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
"Né" Trung Quốc, Mỹ tái thiết chuỗi cung ứng ra sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO