Hội nghị Ngoại trưởng G7: "Hé lộ" quan ngại của Ukraine
Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại Nhật Bản chưa chắc đã mang lại tín hiệu vui cho Kiev.
Ngày 16/4 vừa qua, Hội nghị các nhà ngoại giao hàng đầu của nhóm 7 nước công nghiệp phát triển G7 đã bắt đầu diễn ra tại thị trấn nghỉ mát Karuizawa, Nhật Bản. Đây được mong đợi là diễn đàn để các cường quốc có ảnh hưởng ra quyết sách quan trọng về một loạt vấn đề nóng của thế giới, bao gồm chiến sự Nga – Ukraine.
Dù vậy, khi chứng kiến bối cảnh cuộc họp, Tổng thống V. Zelensky có thể sẽ phải lo lắng rằng Ukraine sẽ khó đạt được những kết quả có lợi sau sự kiện này.
Khó giải những bất đồng
Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao G-7 diễn ra trong bối cảnh NATO đang nảy sinh những bất đồng khó giải quyết xung quanh vấn đề Ukraine.
>>4 sự thật “chấn động” về chiến sự Nga – Ukraine
Đầu tiên, vụ rò rỉ tài liệu mật của tình báo Mỹ hé lộ những “góc khuất” trong tiến trình hậu thuẫn về quân sự cho Kiev. Xe tăng thiếu và chậm triển khai ra chiến trường, các nước nghi ngờ năng lực quân sự của Ukraine, hay kế hoạch chuẩn bị phản công Nga bị lộ. Tất cả đều khiến NATO cần thời gian để đánh giá lại và sẽ khó có tín hiệu mới nào đạt được tại hội nghị lần này.
Tiếp đó, căng thẳng ngoại giao Mỹ - Hungary chưa nguôi. Ngày 15/4 vừa qua, Ba Lan và Hungary ra quyết định cấm nhập khẩu ngũ cốc và các loại thực phẩm khác từ Ukraine để bảo vệ ngành nông nghiệp trong nước. Mặc dù vẫn hậu thuẫn an ninh cho Kiev, nhưng động thái mới nhất cho thấy một số đồng minh khó có thể hi sinh lợi ích quốc gia để phục vụ Kiev lâu hơn được nữa.
Những tín hiệu bất lợi mới cho thấy sự ủng hộ trong nội bộ các nước châu Âu với Kiev đang dần suy giảm theo thời gian. Triển vọng kết thúc chiến sự Nga – Ukraine càng xa vời, khả năng huy động thêm các nguồn lực cho Kiev sẽ càng thấp đi.
Thách thức an ninh châu Á
Nhật Bản là nước chủ nhà hội nghị Ngoại trưởng G-7 năm nay, đồng nghĩa các thách thức an ninh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ là nội dung chủ đạo.
Trước thời điểm hội nghị diễn ra, một loạt các sự kiện nóng không kém chiến sự Nga – Ukraine đã nổ ra và bao trùm không gian an ninh châu Á.
Vài ngày trước cuộc họp lần này, Bắc Kinh đã triển khai đợt tập trận lớn quanh đảo Đài Loan, sau đó cấm tàu thuyền đi vào vùng biển phía Bắc hòn đảo ngày 16/4. Trước đó ngày 13/4, Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa sử dụng nhiên liệu rắn mới, động thái mới nhất trong loạt thử vũ khí vừa qua khiến các nước xung quanh lo lắng; hay mới nhất là vụ ném bom khói vào Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida.
Những vấn đề này đặt ra yêu cầu cấp bách cho Washington và đồng minh không thể “ngó lơ” vấn đề an ninh châu Á được nữa.
Trước bối cảnh chiến sự Nga – Ukraine dai dẳng chưa có hồi kết, các giới chức ngoại giao nhiều khả năng sẽ ưu tiên tập trung thảo luận tìm cách “ứng xử” với một Trung Quốc đang lên nhiều hơn là về Kiev.
Nhưng vấn đề có lẽ khiến ông Zelensky phải lo lắng nhất chính là việc nhóm G-7 sẽ phải chia sẻ các nguồn lực để dồn sức đối phó với các thách thức an ninh hiện hữu tại châu Á.
>>Mỹ còn “lựa chọn” nào để kết thúc chiến sự Nga - Ukraine?
Chính Thủ tướng Nhật Bản từng tuyên bố, “Ukraine của hôm nay có thể là Đông Á của ngày mai”, và điều đó đòi hỏi một nguồn lực vô cùng lớn của Mỹ và các đồng minh để hiện thực hóa tham vọng kiềm chế Trung Quốc.
Bấy lâu nay, các chính quyền Mỹ vẫn bị chỉ trích là “hời hợt” trong việc can dự vào Châu Á – Thái Bình Dương. Bất chấp ra một loạt các sáng kiến như IPEF..., nhưng kết quả thực chất của ngoại giao Mỹ tại đây tỏ ra khiêm tốn trước ảnh hưởng ngày càng lan rộng của Bắc Kinh.
Mặc dù cần phải chờ đợi các tuyên bố chung sau hội nghị G-7, nhưng có thể thấy các nước sẽ khó đạt được bước tiến mới xung quanh vấn đề chiến sự Nga – Ukraine. Trong khi nguồn lực hậu thuẫn có giới hạn nhiều khả năng bị chia sẻ cho các thách thức an ninh khác tại châu Á, Tổng thống Zelensky sẽ phải lo lắng về các cam kết viện trợ của phương Tây trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm