Vì sao Trung Quốc quan trọng với hòa đàm Nga - Ukraine?
Trung Quốc đã và đang thể hiện là một nhân tố quan trọng trong việc thúc đẩy đàm phán Nga- Ukraine để sớm kết thúc chiến sự.
>>Châu Âu muốn hòa đàm với Nga, Ukraine có chấp nhận?
Tình hình chiến sự Nga - Ukraine trong vài tháng gần đây cho thấy, khả năng đạt được chiến thắng thuyết phục của một bên nào đó là hy hữu. Chính vì vậy, đường đến hòa bình từ chiến trường không khả thi.
Lúc này, châu Âu, Mỹ và Trung Quốc là ba bên có tiềm năng thuyết phục Nga, Ukraine gác lại xung đột vũ trang, cùng nhau tháo gỡ mâu thuẫn trên bàn đàm phán.
Thực tế, Bắc Kinh đã đề xuất 12 điểm cần đạt được đồng thuận để kết thúc chiến sự Nga - Ukraine. Trong đó mấu chốt là Luật pháp quốc tế được công nhận rộng rãi, bao gồm các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương LHQ, phải được tuân thủ nghiêm ngặt. Chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia phải được bảo vệ một cách hiệu quả.
Hồi đầu tháng 4, Tổng thống Pháp, E. Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đến Trung Quốc thuyết phục ông Tập Cận Bình thúc đẩy tiến trình đàm phán, dựa trên nguyên tắc 12 điểm. Tuy nhiên, nỗ lực này vấp phải hoài nghi ở châu Âu.
Cuối tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cũng đề nghị Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đối thoại với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Trước đó, giữa tháng 6/2022 Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Italia Mario Draghi đã đến thủ đô Kiev trên chuyến tàu đặc biệt, ngỏ ý một số giải pháp hòa bình, trên nguyên tắc Ukraine nhượng bộ Nga.
Có thể nói, về lý thuyết quan điểm của Trung Quốc rất lý tưởng, phù hợp với nguyện vọng phổ quát của nhân loại yêu chuộng hòa bình, cho thấy họ là cường quốc có trách nhiệm. Nhưng hơn ai hết, Bắc Kinh hiểu rõ đường đi nước bước của Moscow, nếu không muốn nói các quyết định của Tổng thống Putin giờ đây ít nhiều phải thăm dò thái độ của “người bạn tốt”.
Nếu Nga rút quân, trả lại các vùng lãnh thổ phía Đông cho Ukraine thì vai trò của Trung Quốc được nâng lên một tầm cao mới, chứng minh khả năng dẫn dắt và giải quyết các vấn đề lớn. Nhưng, nếu cuộc chiến tiếp tục, cũng chỉ có lợi cho cường quốc châu Á!
>>Chiến sự Nga- Ukraine: Cách tiếp cận của Mỹ đã đúng?
Riêng phía Mỹ chưa có động thái nào cho thấy họ muốn chấm dứt xung đột ở Đông Âu. Washington không đưa ra bất cứ bình luận nào về các đề xuất của Bắc Kinh. Đặc biệt, vụ rò rỉ tài liệu mật của Mỹ đã củng cố thêm nhận định - tương lai hòa bình còn xa vời.
Tuy vậy, chiều hướng mong muốn kết thúc chiến sự Nga - Ukraine ngày càng mạnh lên ở châu Âu. Các nhà lãnh đạo Bulgaria và Hungary cho rằng việc cung cấp thêm vũ khí cho Kiev sẽ không giúp giải quyết xung đột, thay vào đó cần thúc đẩy giải pháp ngoại giao.
Dư luận ở Italy đa phần không ủng hộ NATO can thiệp trực tiếp vào Ukraine. Cuộc khảo sát do công ty nghiên cứu Euromedia Research thực hiện ngày 24/1/2023 cho thấy, 33,9% người được hỏi trả lời rằng cần phải hỗ trợ Ukraine bằng xe tăng Leopard do Đức sản xuất, trong khi 58% không đồng tình.
Sự im lặng đầy toan tính của Mỹ đã bắt đầu gợi lên nghi kỵ với các đồng minh ở châu Âu rằng: chính sách của Tổng thống Joe Biden đang gây hậu quả lớn với “lục địa già”.
Chiến sự Nga - Ukraine là hiện trạng vô cùng phức tạp, đan xen lợi ích kinh tế và lợi ích chính trị, liên đới đến nhiều bên; có khả năng thiết lập trật tự toàn cầu mới. Vì vậy, thu xếp hòa bình không chỉ là nhiệm vụ của riêng bên nào.
Có thể bạn quan tâm
Đàm phán bế tắc, Nga- Ukraine có toan tính riêng
04:00, 21/11/2022
Chiến sự Nga- Ukraine: Mỹ thúc đẩy Ukraine đàm phán với Nga
04:00, 08/11/2022
"Hết cửa" đàm phán Nga - Ukraine?
04:00, 06/10/2022
Đàm phán "bế tắc", chiến sự Nga - Ukraine khó kết thúc sớm!
04:30, 16/09/2022
Bế tắc đàm phán, chiến sự Nga- Ukraine sẽ ác liệt hơn
04:00, 27/08/2022