Chiến sự Nga - Ukraine: Cam kết của G7 có ý nghĩa gì với Ukraine?

TRƯỜNG ĐẶNG 28/05/2023 04:00

Theo các nhà phân tích, chiến dịch "vận động ngoại giao" của Ukraine tại hội nghị G7 vừa qua đã kết thúc “thắng lợi” với việc Kiev nhận được sự đảm bảo về hỗ trợ quan trọng từ phương Tây.

Nhưng nhìn một cách tổng thế tình thế hiện tại, những cam kết của G7 có thể trở thành một “gánh nặng” đè lên vai chính quyền Kiev.

G7 là

Tổng thống Ụkraine Zelensky vừa nhận được cam kết hỗ trợ từ các quốc gia G7

Một chiến thắng "bắt buộc" trước Nga

Nhận được sự hậu thuẫn tuyệt đối của G7, Kiev giờ phải chịu áp lực đạt được một chiến thắng quân sự nào đó trước Nga. Ukraine hiểu rõ đó cách tốt nhất để duy trì sự hỗ trợ lâu dài của phương Tây, mà hiển hiện nhất là cuộc phản công đã được chuẩn bị kĩ lưỡng sắp tới.

>>Chọn Hiroshima, G7 gửi thông điệp gì tới Trung Quốc và Nga?

Nhưng tuyên bố của Nga về việc nắm quyền kiểm soát thị trấn Bakhmut sau thời gian dài tranh chấp cho thấy, để giành thắng lợi về quân sự trước Nga có thể khó khăn như thế nào đối với Ukraine.

Dù đang được trang bị vô vàn vũ khí hiện đại và sắp tới có thể là lực lượng máy bay tiêm kích hiện đại F-16, năng lực của quân đội Ukraine vẫn là một dấu hỏi khi so sánh với Nga. Với hầu hết binh sĩ kinh nghiệm nhất bị loại khỏi vòng chiến đấu, lực lượng của Kiev giờ đây phần lớn là các tân binh đang phải làm quen một cách gấp rút với chiến thuật và vũ khí mới lạ của NATO.

Kiev có thể phòng thủ tốt trước Nga, nhưng để tấn công vào phòng tuyến của Nga là một chuyện khác. Có thể hiểu được vì sao ông Zelensky lại cất công đi khắp nơi để cầu viện phương Tây gia tăng hỏa lực trên bầu trời suốt thời gian qua. Với thực lực không quân vượt trội, quân Nga có thể tiêu diệt dễ dàng các mục tiêu mặt đất của Ukraine trong cuộc phản công.

Các cuộc bầu cử tiềm ẩn nhiều "biến số"

G7 củng cố cam kết hỗ trợ cho Ukraine, nhưng với các cuộc bầu cử của nhiều nước thành viên G7 khó lường đang gần kề, Kiev sẽ không có nhiều thời gian.

Theo ông Gideon Rachman, nhà báo kiêm học giả nổi tiếng về các vấn đề quốc tế, dù G7 vẫn ủng hộ Ukraine nhưng thông điệp thực sự đằng sau là “chừng nào còn có thể, nhưng sẽ tốt hơn nếu không mất quá nhiều thời gian.”

Điều này liên kết chặt chẽ với cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024, với sự nổi lên của ông Donald Trump trên tư cách là ứng cử viên hàng đầu của Đảng Cộng hòa. Nếu ông Trump giành thắng lợi, gần như chắc chắn chính sách của Hoa Kỳ với Ukraine sẽ thay đổi hoàn toàn. Trước đó, ông Trump đã tuyên bố rằng ông có thể “kết thúc chiến tranh trong một ngày”, hàm ý rút vai trò của Mỹ ra khỏi xung đột. Các ứng viên nổi bật khác như Ron DeSantis cũng lấp lửng về vấn đề này.

Các ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng Hòa sẽ là cơn

Các ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng Hòa sẽ là cơn "đau đầu" của Ukraine

Do đó, Kiev đối mặt với sức ép phải sử dụng hiệu quả nhất các nguồn lực đang có để giành kết quả có lợi trước Nga. Thế nhưng, nếu diễn biến bầu cử Mỹ nghiêng sang ông Trump, nhiều chuyên gia cho rằng ông Putin sẽ tìm cách kéo dài cuộc chiến thêm 18 tháng nữa, với hi vọng rằng liên minh ủng hộ Ukraine có thể mất đi nhà lãnh đạo hàng đầu - Hoa Kỳ.

Trong năm 2024, Nghị viện Liên minh Châu Âu cũng sẽ được bầu mới, với Chủ tịch EC đương nhiệm, bà Ursula von der Leyen, chưa rõ có ứng cử nhiệm kỳ thứ hai hay không. Nhưng điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới chính sách Ukraine dù ít hay nhiều.

Sự gián đoạn thị trường năng lượng do chiến sự Nga- Ukraine gây ra đã khiến các quốc gia châu Âu phải chi khoảng 800 tỷ euro trợ cấp về năng lượng. Sự bất mãn về kinh tế có thể chuyển thành sự ủng hộ ngày càng tăng đối với các đảng dân túy cực hữu và cực tả có thiện cảm với Nga.

Ukraine có thể nhận được đủ nguồn cung vũ khí từ phương Tây?

Ukraine đang vận động phương Tây tăng cường ủng hộ thiết bị không chiến

Dấu hỏi nguồn cung vũ khí trong ngắn hạn

Cả Hoa Kỳ và Châu Âu đều đã cạn kiệt hàng tồn kho các loại đạn pháo, tên lửa quan trọng để cung cấp cho Ukraine. Theo các chuyên gia, nếu không chuyển đổi sang nền kinh tế thời chiến, các nhà máy sản xuất vũ khí của phương Tây sẽ không thể theo kịp tốc độ tiêu hao của trận chiến.

Một quan chức phương Tây từng tiết lộ “người Ukraine chỉ mất vài giờ để tiêu thụ số đạn dược mà chúng tôi sản xuất trong vài tuần”. Để đáp ứng nhu cầu của Kiev, phương Tây đã phải nhờ viện đến các đối tác trên toàn cầu, từ Hàn Quốc cho tới Pakistan.

>>Chiến lược "con nhím" sẽ giúp NATO kiềm chế Nga?

Mỹ và châu Âu đang đặt niềm tin rằng những nỗ lực của họ cuối cùng sẽ giúp Ukraine tiến hành một cuộc tấn công gây ra tổn thất nghiêm trọng cho Nga. Những động thái gần đây cho thấy Ukraine đang âm thầm tiến hành các cuộc đột kích nhằm tìm ra điểm yếu trong phòng tuyến của Nga. Nhưng “điểm yếu” đó có đủ để giúp Ukraine giành chiến thắng hay không thì chỉ có thời gian mới có thể trả lời.

Trong khi đó, Kiev sẽ đứng trước thách thức phải "đền đáp" sự ủng hộ tuyệt đối mà họ đã nhận được từ hội nghị G7, chắc chắn phải là bằng kết quả trên chiến trường.

Có thể bạn quan tâm

  • Chiến sự Nga - Ukraine: Lý do NATO chưa kết nạp Ukraine

    Chiến sự Nga - Ukraine: Lý do NATO chưa kết nạp Ukraine

    04:00, 21/05/2023

  • Chiến sự Nga - Ukraine: Thách thức tham vọng của Trung Quốc

    Chiến sự Nga - Ukraine: Thách thức tham vọng của Trung Quốc

    03:30, 20/05/2023

  • Chiến sự Nga - Ukraine:

    Chiến sự Nga - Ukraine: "Gió sẽ đổi chiều" nếu Ukraine được cấp máy bay F-16

    03:00, 17/05/2023

  • Chiến sự Nga - Ukraine: Nhân tố mới bất ngờ thay đổi cục diện

    Chiến sự Nga - Ukraine: Nhân tố mới bất ngờ thay đổi cục diện

    04:00, 13/05/2023

TRƯỜNG ĐẶNG