Chiến sự Nga - Ukraine: "Hé lộ" chiến thuật mới của Nga
Theo các nhà quân sự, chính sự thay đổi nhanh chóng về mặt chiến thuật tác chiến đã giúp Nga giành được những kết quả có lợi trên chiến trường thời gian qua.
Kể từ khi thất bại với chiến lược tấn công phủ đầu vào Ukraine, Nga đã phải đưa ra hàng loạt sự thay đổi về chiến thuật trong tiếp cận xung đột. Thời gian gần đây, các tướng lĩnh của Moscow tiếp tục thực hiện nhiều điều chỉnh trong các hoạt động chiến đấu tại Donbass, với trọng tâm là tiêu hao lực lượng của đối phương.
>>Vụ Belgorod "đổ thêm lửa" vào chiến sự Nga - Ukraine
Nhưng cụ thể những thay đổi đó như thế nào? Câu trả lời đã được hai chuyên gia quân sự Jack Watling và Nick Reynolds từ Viện Sự vụ Thống nhất Hoàng gia Anh, tổng hợp và thống kê sau một thời gian dài quan sát tại thực địa.
Thứ nhất, chiến thuật bộ binh cơ bản của Nga đã được điều chỉnh. Hiện nay, Moscow chủ yếu sử dụng các đội xung kích số lượng ít tiến vào trận địa của Ukraine theo dạng nhỏ giọt. Nhiệm vụ là tấn công vào sân sau của đối phương, phá hủy các khu dự trữ, hậu cần, pháo binh và sở chỉ huy của Ukraine.
Đặc biệt, các nhóm này sẽ làm Ukraine bộc lộ các vị trí chiến đấu, cũng như làm tiêu hao đạn dược của đối phương. Sau đó, các nhóm bộ binh tấn công được huấn luyện tốt hơn sẽ tiến vào, lần này được hỗ trợ bởi áo giáp, súng cối và pháo binh, để tấn công vào các vị trí của Ukraine.
“Không thể nói rằng kẻ thù không biết chiến đấu”, Thiếu tướng Viktor Nikolyuk, phụ trách huấn luyện cho các lực lượng vũ trang Ukraine, chỉ ra những thay đổi chiến thuật như trên đã được nhóm quân sự tư nhân Wagner sử dụng, đặc biệt là vào ban đêm.
Thứ hai, mỗi khi kiểm soát được một cứ điểm, lực lượng Nga sẽ củng cố trận địa phòng thủ tại đây chỉ trong vòng 12 giờ.
Watling và Reynolds cho biết: “…Tốc độ mà bộ binh Nga đào và quy mô củng cố các vị trí chiến đấu của họ là điều đáng chú ý. Các kỹ sư Nga đã làm rất tốt việc xây dựng các công sự, đặt cầu và rải các bãi mìn. Ở một số khu vực, công sự phòng thủ có thể kéo dài tới 30km”.
Thứ ba, lực lượng pháo binh cũng Moscow cũng đang cải thiện về hiệu quả. Dù cường độ có giảm, nhưng khả năng bắn trúng mục tiêu của Nga đang trở nên tốt hơn. Với các máy bay không người lái làm nhiệm vụ trinh sát ngày càng hiệu quả, pháo binh Nga có thể tấn công các mục tiêu của Ukraine trong vòng ba đến năm phút sau khi phát hiện.
Bí mật nằm ở hệ thống có tên “Strelets” đang được quân đội Nga sử dụng ngày một nhiều. Đây là một máy tính nhỏ kết nối với máy bay không người lái và cảm biến trên mặt đất với các khẩu đội pháo. Theo các chuyên gia Anh, một chiến thuật phổ biến mà Moscow đang áp dụng là “rút khỏi một vị trí đang bị tấn công và sau đó bắn phủ đầu vào đó trong lúc quân đội Ukraine cố gắng chiếm giữ”.
Thậm chí đối đấu trực diện với Nga cũng trở nên khó khăn hơn với Ukraine. Xe tăng Nga đã từ bỏ chiến thuật đột phá vào phòng tuyến kẻ thù nhanh chóng và áp đảo, thay vào đó họ giữ hỏa lực ở một khoảng cách an toàn.
Nhiều chuyên gia hay các mạng xã hội thường chế giễu các xe tăng T-62 hay T-55 cũ kĩ của Nga, nhưng thực chất hỏa lực của chúng vẫn rất hiệu quả và “gây ra đe dọa nghiêm trọng trên chiến trường” khi các phòng tuyến của Ukraine không có đủ tên lửa dẫn đường chống tăng (ATGM).
Kể cả khi có ATGM, Ukraine cũng khó lòng tối ưu khả năng tiêu diệt xe tăng đối phương. Nhận thức được hạn chế về lớp giáp của xe tăng, quân đội Nga đã ẩn nấp bằng cách sử dụng “ngụy trang nhiệt” – chiến đấu vào lúc hoàng hôn hoặc bình minh khi dấu nhiệt của xe tăng ít rõ ràng hơn.
Đồng thời, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến cải tiến của quân Nga trong tác chiến điện tử. Thậm chí, đây là sự thích ứng và cải tiến “gây ấn tượng nhất” cho các quan chức phương Tây và Ukraine.
Nga đã triển khai hệ thống tác chiến điện tử lớn, kéo dài 10 km trên chiến trường. Chúng chủ yếu nhằm vào các máy bay không người lái của Ukraine – một vũ khí Kiev đang cố gắng dựa vào để gây thiệt hại cho Moscow.
>>Sau F-16, Ukraine sẽ chạm tới "cây đũa thần" ATACMS?
Kết quả, Ukraine đang mất đi 10.000 máy bay không người lái mỗi tháng, báo cáo cho biết. Một quan chức Ukraine nói với The Economist rằng tác chiến điện tử của Nga chịu trách nhiệm cho một nửa con số đó. Đó là một lời nhắc nhở rằng máy bay không người lái do thám chiến thuật đã trở thành tài sản dùng một lần—giống như một loại vũ khí hơn là một chiếc máy bay.
Tuy vậy, những phát hiện này không phải là dấu chấm hết cho cuộc phản công sắp tới của Ukraine. Vấn đề là liệu Kiev có sự ứng biến phù hợp về chiến thuật hay không, bởi như hai chuyên gia Watling và Reynolds kết luận, “mấu chốt không phải là nhiều vũ khí mới mà là chiến thuật hợp lý”.
Có thể bạn quan tâm
Chiến sự Nga - Ukraine: Nga bất ngờ thay đổi chiến thuật
14:21, 30/05/2023
Vụ Belgorod "đổ thêm lửa" vào chiến sự Nga - Ukraine
04:00, 29/05/2023
Chiến sự Nga - Ukraine: Cam kết của G7 có ý nghĩa gì với Ukraine?
04:00, 28/05/2023
Chiến sự Nga - Ukraine: "Sức nóng" từ Bakhmut đến Belgorod
04:30, 24/05/2023