Cựu Ngoại trưởng Mỹ Kissinger "hiến kế" hòa bình Nga - Ukraine
Cựu Ngoại trưởng Mỹ, ông Henry Kissinger cho rằng, châu Âu cần nối lại quan hệ với Nga - là tiền đề giúp chiến sự Nga - Ukraine chấm dứt.
>>Chiến sự Nga - Ukraine: NATO thật sự cần Ukraine?
Henry Kissinger được coi là nhà ngoại giao xuất sắc nhất ở phương Tây trong suốt 1 thế kỷ qua, ông vừa tròn 100 tuổi từ ngày 27/5. Ở độ tuổi này, không ai giàu kinh nghiệm hơn ông về ngoại giao quốc tế, đặc biệt là quan hệ giữa Trung Quốc - Mỹ, bản chất chiến sự Nga - Ukraine.
Kissinger vừa có cuộc trò chuyện liên tục 8h đồng hồ với The Economist, ông đưa ra hàng loạt lời khuyên cho các chính trị gia, làm sao để giữ vững quỹ đạo ổn định trong thế giới bất định; phương pháp xây dựng cấu trúc an ninh quốc gia; cách thức xử lý cuộc chiến tranh ở sườn phía Đông châu Âu.
Khá bất ngờ khi cựu Ngoại trưởng Mỹ giành cho Bắc Kinh cái nhìn khá thân thiện: “không nên đánh giá sai tham vọng của Trung Quốc”. Điều mà những nhà quan sát đã nhận thấy ở Trung Quốc vài năm gần đây là Trung Quốc muốn hùng cường, không phải bá chủ.
Cường quốc châu Á cảm thấy ngột ngạt vì phải tuân thủ khung khổ do Mỹ đặt ra; trong khung khổ ấy, hầu hết các nước phải thực hiện và tìm cách hạn chế gây mâu thuẫn để tránh gặp bất lợi. Sự thách thức của Trung Quốc với trật tự hiện hành là hiện tượng rất thú vị!
Và rằng, nhu cầu kiến tạo hệ thống riêng cho mình là chính đáng, bởi vì Trung Quốc có quyền làm điều đó, bất chấp mâu thuẫn với hệ thống đối lập. Ông Kissinger đã trả lời một câu hỏi rất khó: Liệu Trung - Mỹ có thể chung sống hòa bình? “Tôi đã nghĩ và vẫn nghĩ rằng điều đó là có thể”.
Nhà ngoại giao 100 tuổi không đồng tình với quan điểm cho rằng, kế hoạch hòa bình của Trung Quốc cho chiến sự Nga - Ukraine chỉ là tô điểm thêm hình ảnh quốc gia của họ. Kissinger coi đề xuất “12 điểm” của Bắc Kinh là sáng kiến nghiêm túc giúp vực dậy lòng tin giữa các cường quốc.
Đài Loan và Ukraine là những thử thách để Mỹ và Trung Quốc thể hiện thiện chí với hòa bình, ổn định toàn cầu. Nhưng có thể nói, các nhận định của Kisingger đa phần chỉ là khát vọng phổ quát. Trật tự đang sụp đổ, cần xung lực đủ lớn để tái cấu trúc, chọn ra nhà lãnh đạo được công nhận rộng rãi.
>>"Hết cửa" đàm phán Nga - Ukraine?
Trong bối cảnh này, mâu thuẫn cần được giải quyết hơn là tìm cách điều hòa chúng; chu kỳ ổn định, thịnh vượng sắp kết thúc, nhường chỗ cho giai đoạn xung đột, tạo ra “bước nhảy” sang chu kỳ mới.
Nhà ngoại giao kỳ cựu của Mỹ chỉ trích Tổng thống Nga, V. Putin - đã sai lầm khi sử dụng vũ lực với Ukraine; xem nhẹ khả năng đoàn kết của châu Âu,… những điều đó đang dẫn đến hậu quả thảm khốc.
Tuy nhiên, ông Kissinger cũng cáo buộc phương Tây mắc lỗi khi sử dụng việc Ukraine xin gia nhập NATO như "miếng mồi" nhử, khiến Moscow nổi giận, Kiev rơi vào trạng thái lơ lửng giữa Nga và phương Tây. Đó là nguyên nhân trực tiếp xảy ra chiến sự Nga- Ukraine đã kéo dài hơn một năm nay.
Kissinger ủng hộ quan điểm Ukraine cần được NATO kết nạp, cung cấp thêm khả năng phòng thủ - nhưng ông không ủng hộ Kiev quyết tâm giành lại bán đảo Crimea. Crimea là thể diện cuối cùng của ông Putin; Sevastopol, Biển Đen có thể là điểm nóng tiếp theo.
Tiếp đến, theo ông Kissinger, châu Âu phải nối lại quan hệ với Nga để tiệt trừ mầm mống xung đột trong tương lai. Nhà ngoại giao người Mỹ đã đúng khi kêu gọi Nga và châu Âu hòa hợp, nhưng điều đó đã được chứng minh là không thể.
Nga quá lớn để có thể xếp đồng hạng pháp lý với nhiều quốc gia châu Âu, ông Putin không muốn như vậy, Điện Kremlin đã khước từ lời mời từ NATO, EU. Đến nay, có thể nói quan hệ Nga - châu Âu gần như đã bị phá bỏ hoàn toàn.
Có thể bạn quan tâm
Chiến sự Nga - Ukraine: NATO sắp duyệt đơn xin gia nhập của Ukraine?
04:30, 02/06/2023
Chiến sự Nga - Ukraine: "Hé lộ" chiến thuật mới của Nga
04:00, 02/06/2023
Chiến sự Nga - Ukraine: Nga đối mặt thách thức mới
03:30, 01/06/2023
Chiến sự Nga - Ukraine: Lý do Ukraine chưa phản công
11:10, 31/05/2023