NATO và "mô hình Đức" với Ukraine tại Thượng đỉnh Vilnius
Truyền thông phương Tây kêu gọi áp dụng "mô hình Đức" trong giai đoạn chiến tranh Lạnh cho Ukraine tại Hội nghị Thượng đỉnh Vilnius.
>>NATO sẽ giải “bài toán” Ukraine như thế nào?
Đúng 15 năm trước, tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO Bucharest, Hungary và các đồng minh đưa ra tuyên bố rằng cả Georgia và Ukraine “sẽ trở thành thành viên của NATO”.
Đấy như một lời nguyền với hai quốc gia ở Đông Âu. Đúng vào ngày khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh 2008, một chiến dịch quân sự quy mô lớn đã bùng nổ ở Nam Osettia và Abkhazia - quân đội Nga trực tiếp tham chiến chống lại Georgia.
Khi đó, Moscow ủng hộ Nam Osettia và Abkhazia thành lập cộng hòa tự trị, li khai khỏi chính quyền Tbilisi. Nguyên do bởi Georgia có xu hướng thân phương Tây, mong muốn gia nhập NATO và Liên minh châu Âu (EU).
Sự can thiệp của Nga khiến lãnh thổ Georgia không toàn vẹn, xung đột quân sự dai dẳng giữa các lực lượng Nga, Georgia, Nam Osettia và Abkhazia khiến NATO không dám thu nhận thành viên này, vì sợ phải chịu trách nhiệm với Điều 5 Hiệp ước NATO. Giấc mộng NATO của Tbilisi chưa biết khi nào thành hiện thực.
Mười lăm năm sau, cũng đúng thời điểm Trung Quốc khai mạc Thế vận hội mùa đông 2022, Tổng thống Putin phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm vào Ukraine vì lý do cơ bản tương đồng với Georgia, với motip tương tự Nga công nhận Lugansk và Donetsk là hai nước cộng hòa tự trị tách khỏi chính quyền Kiev.
Ít nhất 2 lời hứa của NATO với các nước Đông Âu đều dẫn đến kết cục không như ý. Đấy là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay đó là chiến thuật “bẫy Nga” kích động chiến tranh, mưu cầu lợi ích dài hạn?
Có thể xét trường hợp Phần Lan, nước này luôn luôn giữ vị thế trung lập hàng trăm năm nay, ý tưởng gia nhập NATO chỉ xuất hiện sau ngày 24/2/2022. Chỉ sau 11 tháng từ khi nộp đơn, Helsinki được kết nạp vào NATO. Trong khi Thụy Điển cùng tiến trình này nhưng chưa được chấp nhận.
Câu chuyện của Georgia coi như đã qua, nhưng vấn đề Ukraine đang hiện hữu, mọi thứ cần tiếp diễn - cho dù là toan tính đen tối hay khát vọng trong sáng. Kiev nhiều lần phát thông điệp rằng sau thời gian dài chiến đấu với Nga, họ đã quá mệt mỏi vì phải chờ đợi. Chính phủ muốn nhìn thấy một con đường rõ ràng để trở thành thành viên NATO được vạch ra tại Hội nghị Thượng đỉnh Vilnius.
>>NATO sẽ tham chiến tại Ukraine trong năm 2023?
Trước thềm Thượng đỉnh Vilnius, một loạt cựu quan chức châu Âu và Mỹ, như cựu Thứ trưởng Ngoại giao Hà Lan Stephen Biegun; ông Ian Brzezinski, cựu Phó trợ lý thư ký tại Bộ Quốc phòng Mỹ; ông Evelyn Farkas, Giám đốc điều hành của Viện McCain; ông Anders Fogh Rasmussen, cựu Tổng thư ký NATO; ông Alexander Vershbow, cựu Phó tổng thư ký NATO,…đề xuất phương án khác cho Ukraine. Họ muốn áp dụng “mô hình Đức” thời chiến tranh Lạnh cho Ukraine. Tờ Washington Post mới đây đã đăng một bài bình luận có tựa đề “Nếu một nước Đức bị chia rẽ có thể gia nhập NATO, Ukraine tại sao không?”
Tuy nhiên, các cựu quan chức nói trên dường như quên rằng, sự chia cắt nước Đức chủ yếu do nội bộ bị phân cực giữa hai đường lối chính trị, tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa. Vấn đề Ukraine hoàn toàn khác, 120.000km2 lãnh thổ phía Đông đang nằm trong tay lực lượng Nga.
Vì vậy, Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Latvia được quan tâm gắt gao, nơi mà mỗi quyết định sai lầm đều phải trả giá đắt. Song, người ta nhìn thấy ở NATO một đặc điểm, giới quan chức hàng đầu khối này họp lại chỉ nói chuyện súng ống.
Có thể bạn quan tâm