Trung Quốc tăng cường quản lý AI tạo sinh
Cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Quốc (CAC) đang hoàn thiện dự thảo một số quy định đầu tiên để tăng cường quản lý lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh.
>>Ứng dụng Trung Quốc “xâm chiếm” Mỹ (bài 1)
Theo đó, cơ quan này cho biết họ đã làm việc với một số cơ quan quản lý khác để đưa ra quy định mới và sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 15/8.
So với bản dự thảo sơ bộ được đưa ra vào tháng 4/2023, phiên bản mới được gọi là “các biện pháp tạm thời” dường như đã nới lỏng một số quy định được ban hành trước đó. Điều này cho thấy Bắc Kinh nhìn thấy cơ hội trong ngành công nghiệp non trẻ khi nước này tìm cách kích thích lại các lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế.
Tuần trước, các nhà quản lý đã phạt gã khổng lồ fintech Ant Group gần 1 tỷ USD. Động thái này được cho là báo hiệu sự kết thúc của cuộc đàn áp diện rộng đối với những gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc. Hiện các tập đoàn công nghệ lớn của quốc gia này, bao gồm Alibaba (BABA), Baidu (BIDU) và JD.com (JD) - đang trong quá trình tung ra các phiên bản chatbot AI của riêng họ.
Các quy tắc hiện chỉ áp dụng cho các dịch vụ dành cho công chúng ở Trung Quốc. Công nghệ đang được phát triển trong các tổ chức nghiên cứu hoặc dành cho người dùng ở nước ngoài sử dụng sẽ được miễn trừ.
CAC cho biết, các dịch vụ AI tạo sinh sẽ cần phải có giấy phép để hoạt động và phải tuân thủ “các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội”. Trung Quốc cũng kêu gọi các nền tảng “tham gia xây dựng các quy tắc và tiêu chuẩn quốc tế” liên quan đến AI tạo sinh.
>>Vì sao Trung Quốc đang chiếm ưu thế trong lĩnh vực AI?
Theo ông Kai Wang, nhà phân tích của hãng Morningstar, dự thảo quy định nói trên khá sát với kỳ vọng của thị trường. Nó cũng gửi tín hiệu tích cực rằng nhà quản lý đang mở đường để doanh nghiệp ra mắt sản phẩm trên quy mô lớn hơn.
Tuy nhiên, trong số các điều khoản chính, có yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ AI tạo sinh tiến hành đánh giá bảo mật và đăng ký thuật toán của họ với chính phủ, nếu dịch vụ của họ có khả năng gây ảnh hưởng đến dư luận hoặc có thể “huy động” công chúng.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến vẫn tỏ ra lo ngại về việc liệu các quy tắc này có thể kết thúc việc ngăn chặn sự đổi mới trong ngành công nghiệp AI, vốn là lĩnh vực trung tâm trong tham vọng cạnh tranh của Trung Quốc với Mỹ trong lĩnh vực công nghệ cao hay không.
“Cách Trung Quốc tiếp cận quy định về AI có thể sẽ nhất quán với cách tiếp cận đối với việc điều chỉnh các lĩnh vực công nghệ nổi bật khác, chẳng hạn như internet hoặc phương tiện truyền thông xã hội, nơi họ thực hiện các biện pháp kiểm duyệt nghiêm ngặt để kiểm soát luồng thông tin,” các nhà phân tích của Citi cho biết trong một nghiên cứu trước đó.
Các cơ quan quản lý dường như cũng nhận thức được những lo ngại này trong giới công nghệ. Do đó, giới lãnh đạo Trung Quốc đang cố gắng đưa Trung Quốc trở thành nước dẫn đầu về AI trong khi vẫn theo dõi sát sao sự phát triển của công nghệ này.
"Bạn có thể nói nhiều điều khi nhắc đến các nhà phát triển AI Trung Quốc. Nhưng có một điều không thể là họ không được tự ý xây dựng bất cứ thứ gì họ muốn", bà Helen Toner, Giám đốc chiến lược của Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi thuộc Đại học Georgetown, nói.
Mặc dù vậy, các công ty Trung Quốc dường như đang chờ các quy tắc cập nhật được ban hành trước khi chính thức triển khai các dịch vụ kiểu ChatGPT của họ ra công chúng. Cho đến nay, các dịch vụ AI tạo sinh của Baidu, Alibaba và JD.com đang trong giai đoạn thử nghiệm hoặc đang được thử nghiệm bởi các người dùng doanh nghiệp. Theo quy định hiện hành, cơ quan quản lý vẫn phải phê duyệt sản phẩm của họ trước khi tung ra thị trường.
Có thể bạn quan tâm