Chiến sự Nga - Ukraine sẽ lan rộng ra Biển Đen?
Cuộc khủng hoảng ngũ cốc làm lây lan chiến sự Nga- Ukraine ra Biển Đen khi cả Nga và Ukraine tuyên bố bất hợp tác trong việc quản lý tàu bè trong khu vực.
>>Khủng hoảng ngũ cốc “tiếp lửa” chiến sự Nga - Ukraine
Không quân Nga bất ngờ mở hàng loạt cuộc tấn công vào miền Nam Ukraine, ít nhất 8 máy bay Tu-22M3 đã bay theo hướng Biển Đen. Các tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh Kalibr của Nga đã được phóng theo hướng Odessa. Tại đây, một kho ngũ cốc trúng đạn thiệt hại trên 100 tấn; một số hạ tầng hải cảng bị phá hủy.
Những hải cảng miền Nam Ukraine là nơi xuất khẩu khoảng 60% ngũ cốc của nước này, từ khi xảy ra chiến tranh cảng Odessa càng quan trọng, là đầu ra duy nhất cho ngũ cốc. Cảng này là một cấu phần quan trọng của nền nông nghiệp, giúp quốc gia Đông Âu duy trì nguồn thu; mặt khác giúp bình ổn giá lương thực toàn cầu.
Sau ngày 17/7, Tổng thống Putin đã tuyên bố rút khỏi thỏa thuận vận tải ngũ cốc qua Biển Đen với Liên Hợp Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine vì Nga bất mãn với hàng loạt hành động của phương Tây và sự kiện mới nhất là cầu Kerch bị tấn công.
Ông Natalia Humeniuk, người phát ngôn của Lực lượng vũ trang Ukraine ở phía Nam, cáo buộc các cuộc tấn công liên tục của Nga vào Odessa là một phần trong nỗ lực của nước này nhằm phá hủy hoạt động xuất khẩu lương thực của Ukraine.
Phía Nga cảnh báo, mọi chiếc tàu hướng đến cảng Ukraine dọc bờ Biển Đen kể từ 0h ngày 20/7 đều bị coi là phương tiện vận tải quân sự. Mọi quốc gia sở hữu tàu có lộ trình trên đều bị coi là ủng hộ Kiev.
Đáp lại, Ukraine tuyên bố, tất cả tàu đi trên Biển Đen hướng đến các cảng biển Nga và Ukraine đang bị Nga kiểm soát và sẽ bị coi là phương tiện vận chuyển hàng quân sự và chịu rủi ro tương ứng.
Nhiều chuyên gia nhận định căng thẳng trong việc xuất cảng ngũ cốc đang châm ngòi cho trận hải chiến - mặt trận mới của chiến sự Nga - Ukraine, do vậy xung đột quân sự có khả năng leo thang hơn bao giờ hết. Bởi vì tàu thuyền trên Biển Đen thuộc sở hữu nhiều quốc gia, trong đó phần lớn của các quốc gia thành viên NATO như Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria, Romania,…
>>"Kế hoạch B" của Ukraine sau khi Nga phá vỡ thỏa thuận ngũ cốc
Báo cáo Toàn cầu về “Khủng hoảng Lương thực 2023” gần đây đã cho rằng khoảng 258 triệu người cần viện trợ lương thực khẩn cấp vào năm ngoái, tăng từ 193 triệu người vào năm trước đó. Báo cáo còn chỉ ra hiện tượng đáng quan ngại, hơn 53 triệu người tại 25 quốc gia đã phải di dời. Và hơn 19 triệu người trên thế giới đã trở thành người tị nạn hoặc người xin tị nạn tại 55 quốc gia bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng lương thực.
Moscow bác bỏ cáo buộc của Mỹ, rằng: “Nga vũ khí hóa lương thực”. Nhưng cho dù được cắt nghĩa theo cách nào thì đổ vỡ thỏa thuận ngũ cốc lần này giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Ukraine; vô hiệu hóa nỗ lực kiểm soát lạm phát của Mỹ, châu Âu và nhiều khu vực trên thế giới.
Kinh tế khó khăn, khan hiếm việc làm, giá sinh hoạt tăng vọt đang là vấn đề rất “nhạy cảm” tại nhiều quốc gia châu Âu. Đơn cử như biểu tình bị thổi bùng thành bạo loạn ở Pháp có nguồn gốc sâu xa từ hoàn cảnh khó khăn của người da màu, vốn đã bị phân biệt đối xử và trở thành nhóm người bị ảnh hưởng nặng nề bởi suy thoái kinh tế.
Rõ ràng, EU chịu áp lực dư luận nội khối khi ủng hộ Ukraine. Lâu nay, EU được cho vẫn rất sốt ruột vì chiến sự Nga- Ukraine kéo dài. Đây là điểm yếu để truyền thông Nga khai thác. Mới đây, đài RT đã khuếch trương thông tin Mỹ muốn châu Âu phải chi trả cho vũ khí của Mỹ sử dụng tại Ukraine.
Thiếu lương thực đẩy chỉ số giá tiêu dùng tăng cao hơn và người dân châu Âu luôn có sẵn khả năng gây áp lực với nhà lãnh đạo của họ. Châu Âu sẽ giải bài toán này như thế nào?
Có thể bạn quan tâm