Trở lực kinh tế Trung Quốc (Kỳ IV): Hé lộ lý do "cỗ xe" kinh tế bị trục trặc

TRƯỜNG ĐẶNG 18/08/2023 03:15

Nền kinh tế Trung Quốc rơi vào giảm phát, khiến cả thế giới lo ngại bóng đen suy thoái có thể bao trùm nền kinh tế toàn cầu. Đâu là những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này?

Chính phủ Trung Quốc đau đầu giải bài toán kinh tế đầy hóc búa

Trung Quốc đau đầu giải bài toán kinh tế đầy hóc búa. Ảnh Chủ tịch Tập Cận Bình

Sau 3 năm phong tỏa nghiêm ngặt do COVID-19, việc Trung Quốc mở cửa trở lại được cả thế giới kỳ vọng sẽ kéo nền kinh tế thế giới vượt qua nguy cơ suy thoái. Nhưng các dữ liệu gần đây cho thấy một bức tranh kinh tế Trung Quốc đầy u ám. Doanh số bán lẻ, sản lượng công nghiệp và đầu tư trong tháng 7/2023 đều chậm lại so với dự kiến. Trong khi đó, tổng cầu giảm đã gây ra áp lực giảm phát lên nền kinh tế Trung Quốc.

Bất ổn mang tính giai đoạn

Có một số nguyên nhân lớn mang tính thời điểm dẫn tới tình trạng giảm phát của nền kinh tế Trung Quốc trong thời gian qua. Đó là tác động của các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt từ đại dịch Covid-19 và nhu cầu yếu từ thế giới, theo giới chuyên gia.

>> Trở lực kinh tế Trung Quốc (Kỳ III): Nguy cơ "lỗi hẹn" mục tiêu tăng trưởng

Nhu cầu chi tiêu yếu và niềm tin mong manh vào nền kinh tế đã làm kế hoạch tăng trưởng dựa trên tiêu dùng của chính phủ Trung Quốc "phá sản". Năm 2022, tiết kiệm hộ gia đình Trung Quốc tăng 80% so với năm 2011. Tiền gửi ngân hàng bằng nhân dân tệ (NDT) cũng tăng mạnh 41% trong quý I/2023 so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng với đó, tình trạng suy thoái toàn cầu khiến ngành sản xuất của nền kinh tế Trung Quốc trở nên “trục trặc”. Theo số liệu công bố tháng 6, xuất khẩu trong tháng 5/2023 của Trung Quốc chỉ đạt 283,5 tỷ USD, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dù vậy, các chuyên gia kỳ vọng các biện pháp vĩ mô từ chính phủ sẽ sớm đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo khi Trung Quốc đã có kinh nghiệm xử lý các vấn đề tương tự.

Năm 2008, nước này triển khai gói hỗ trợ tài chính trị giá khoảng 586 tỷ USD để giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Sự thành công của nó đã giúp tăng trưởng kinh tế Trung Quốc tăng vọt lên hơn 9% trong nửa cuối năm 2009.

Trong bối cảnh hiện nay, sự can thiệp đó tiếp tục được chờ đợi. Ngân hàng UBS dự báo chính sách tài khóa của Trung Quốc sẽ được nới lỏng hơn nữa nhằm đưa nguồn vốn đầu tư công vào cơ sở hạ tầng. Đồng thời, Bắc Kinh được dự báo sẽ tiếp tục nới lỏng vừa phải các chính sách về bất động sản để kích thích phát triển ngành này cũng như kinh tế Trung Quốc.

Hay những nguyên nhân “sâu xa”?

Thế nhưng, nhiều chuyên gia lo ngại về những bất ổn sâu sắc hơn của nền kinh tế số 2 thế giới. Theo bà Tao Wang, Giám đốc điều hành Ngân hàng UBS chi nhánh Hồng Kông, tỷ lệ nợ trên GDP tổng thể của Trung Quốc ở mức khoảng 300% - cao nhất trong số các thị trường mới nổi và cũng cao hơn hầu hết các nền kinh tế lớn và đang tiếp tục tăng lên.

>> Trở lực kinh tế Trung Quốc (Kỳ II): “Thế lực” nào đang cản trở?

Trong đó, nợ của chính quyền địa phương được ước tính hơn 70% GDP – một con số khổng lồ. Điều này phần nào lý giải việc nhiều chính quyền địa phương không có đủ dòng tiền để trả lãi, khiến các khoản đầu tư khác bị đình trệ.

Thị trường tỷ dân của Trung Quốc đang chứng kiến nhu cầu tiêu dùng chững lại

Thị trường tỷ dân của Trung Quốc đang chứng kiến nhu cầu tiêu dùng chững lại

Các nhà phát triển bất động sản, vốn là đối tượng chính của các gói tín dụng địa phương từ những năm qua, cũng đối mặt với những thách thức nghiêm trọng khi bất động sản "đóng băng".

Khủng hoảng nợ của Trung Quốc càng trở nên trầm trọng hơn trong đại dịch COVID-19. Ba năm hạn chế nghiêm ngặt và suy thoái bất động sản đã làm cạn kiệt nguồn ngân sách của các chính quyền địa phương.

Cũng chính vì tỉ lệ nợ công đang quá cao, chính phủ Trung Quốc không còn nhiều công cụ tiền tệ an toàn để vực dậy nền kinh tế Trung Quốc đang mất đà tăng trưởng thời gian qua.

Bà Garcia-Herrero, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng đầu tư Natixis, nhận định: "Đến thời điểm này, không có kích thích tài chính nào được công bố, điều này dường như cho thấy các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc vẫn cảnh giác về sự gia tăng quá nhanh của nợ công".

Đáng lo ngại, niềm tin của giới đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc đang xuống thấp. Một loạt các chính sách siết chặt hoạt động của Bắc Kinh bắt nguồn từ căng thẳng địa chính trị với phương Tây, đã và đang làm khó giới công nghệ, tài chính và các công ty đa quốc gia, khiến các nhà đầu tư buộc phải xem xét các thị trường khác “an toàn” hơn.

Bà Tao Wang cho biết: “Mặc dù chính phủ hiện đã phát tín hiệu bình thường hóa các quy định và cam kết hỗ trợ khu vực tư nhân và các công ty internet, nhưng niềm tin kinh doanh có thể cần thời gian và các biện pháp trấn an cụ thể để phục hồi. Niềm tin kinh doanh suy giảm có thể là một yếu tố khiến đầu tư tư nhân yếu kém sau COVID, mặc dù lợi nhuận và đơn đặt hàng giảm cũng là nguyên nhân”.

Có thể bạn quan tâm

  • Trở lực kinh tế Trung Quốc (Kỳ I): FDI vào Trung Quốc đối mặt

    Trở lực kinh tế Trung Quốc (Kỳ I): FDI vào Trung Quốc đối mặt "cơn gió ngược"

    14:17, 14/08/2023

  • "Báo động đỏ" kinh tế Trung Quốc

    05:00, 11/08/2023

  • Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc gây lo ngại

    Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc gây lo ngại

    02:30, 18/07/2023

  • "Lộ diện" lý do kinh tế Trung Quốc chưa thể phục hồi

    04:00, 01/07/2023

  • Vì sao tốc độ phục hồi kinh tế Trung Quốc gặp trở lực?

    Vì sao tốc độ phục hồi kinh tế Trung Quốc gặp trở lực?

    03:00, 26/05/2023

  • Kinh tế Trung Quốc phục hồi sẽ cứu nền kinh tế toàn cầu?

    Kinh tế Trung Quốc phục hồi sẽ cứu nền kinh tế toàn cầu?

    11:10, 22/03/2023

  • Kinh tế Trung Quốc:

    Kinh tế Trung Quốc: "Lung lay" trụ cột tiêu dùng

    04:30, 18/03/2023

  • "Cơn gió ngược" với kinh tế Trung Quốc

    03:00, 08/03/2023

  • Kinh tế Trung Quốc hướng nội, Việt Nam ứng phó ra sao?

    Kinh tế Trung Quốc hướng nội, Việt Nam ứng phó ra sao?

    12:00, 27/02/2023

  • Thách thức tái mở cửa nền kinh tế Trung Quốc

    Thách thức tái mở cửa nền kinh tế Trung Quốc

    04:00, 03/01/2023

TRƯỜNG ĐẶNG