Khi Trung Quốc chứng kiến nhu cầu tiêu dùng và hoạt động kinh tế tăng lên, thì phần còn lại của thế giới đang trải qua thời kỳ suy thoái bởi các chính sách chống lạm phát nghiêm ngặt.
>>Thị trường Trung Quốc mở cửa, cổ phiếu dệt may hưởng lợi
Việc Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế sớm hơn dự kiến sau khi chính sách zero Covid đột ngột kết thúc, đã được các chiến lược gia và nhà đầu tư toàn cầu ca ngợi là một trong những sự kiện quyết định của năm 2023. Tăng trưởng của Trung Quốc sẽ phục hồi, tuy nhiên ở mức độ nào còn phụ thuộc vào sức mạnh của nhu cầu tiêu dùng trên thị trường.
Là quốc gia chiếm khoảng 15% GDP thế giới, Trung Quốc sẽ phải vật lộn để tự mình thay đổi quỹ đạo tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại. Nhìn chung, việc Trung Quốc đảo ngược mạnh mẽ chính sách khắc nghiệt với Covid-19 sẽ có tác động lớn nhất đến nhu cầu trong nước.
Mặc dù có những lo ngại về tác động đối với chuỗi cung ứng do có khả năng xảy ra một số gián đoạn trong thời kỳ đầu mở cửa trở lại, song chính quyền Trung Quốc cho biết, chuỗi cung ứng sẽ sớm trở lại bình thường. Bằng chứng là các chỉ số như thời gian giao hàng của nhà cung cấp, hay chi phí vận chuyển hàng hóa đang bình thường hóa một cách tương đối.
Ông Chris Kushlis, Giám đốc chiến lược tại T. Rowe Price dự báo, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ nằm trong khoảng 4-6% vào năm 2023. Nhưng để đạt mức 5% trở lên, tiêu dùng sẽ phải là động lực chính và sẽ cần tăng trưởng từ 9% trở lên (bao gồm cả tiêu dùng công cộng). Nhìn chung, nhu cầu trong nước có thể sẽ cần tăng từ mức tăng trưởng 2% vào năm 2022 lên 6% hoặc hơn nữa trong năm nay.
Dữ liệu từ tháng 1 và tháng 2/2023 cho thấy, sự phục hồi đang trên con đường đầy hứa hẹn với mức tăng vững chắc trong sản xuất, doanh số bán lẻ và sự phục hồi của doanh số bán nhà ở. Nhưng vẫn còn sự không chắc chắn xung quanh việc liệu tốc độ phục hồi này có được duy trì hay không.
Sự kết hợp chính sách của Trung Quốc cũng chủ yếu hướng tới hỗ trợ phía cung và đầu tư cơ sở hạ tầng bổ sung, trong khi có phần tránh hỗ trợ tiêu dùng trực tiếp. Đặc biệt, sự mạnh tay của Bắc Kinh đối với lĩnh vực bất động sản sau năm 2020 đã gây thêm áp lực lên nền kinh tế.
“Có thể thấy, lợi ích lan tỏa từ việc mở cửa trở lại của Trung Quốc là rất cụ thể, với khả năng nhu cầu hàng hóa tăng lên, đặc biệt là dầu khí và cả nhu cầu gia tăng đối với hàng nhập khẩu khác, chủ yếu từ châu Á. Những thay đổi tiêu cực lớn nhất trong nhập khẩu trong năm 2022 so với xu hướng tăng trưởng trước đó là ở Hồng Kông, Singapore, Úc, Việt Nam, Thái Lan, Nhật Bản và EU. Còn Indonesia, Malaysia, Mỹ và châu Phi ít bị ảnh hưởng hơn.
Việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng có thể có tác động tích cực đến du lịch ở châu Á, với Thái Lan được coi là quốc gia hưởng lợi chính. Tuy nhiên, du lịch nước ngoài và ngành du lịch nói chung có thể bị chậm từ 3-6 tháng trong việc tăng tốc sau khi mở cửa trở lại, do những hạn chế trong việc nối lại các chuyến bay và phê duyệt thị thực cho khách du lịch”, chuyên gia Chris Kushlis nhận định.
Đối với thị trường Việt Nam, theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế và Nhóm chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho biết, việc Trung Quốc mở cửa trở lại tác động đến nền kinh tế Việt Nam chủ yếu qua việc có thể góp phần giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc và tăng lượng khách du lịch đến từ quốc gia này. Cụ thể, Trung Quốc cũng là nước đóng góp lớn vào số khách quốc tế đến Việt Nam, với tỷ trọng trước đại dịch là 32%. Ước chi tiêu trung bình của khách Trung Quốc sang Việt Nam bằng 70% so với trung bình của khách du lịch Trung Quốc trên toàn thế giới và sẽ ở khoảng 1.130 USD (theo CNN).
“Qua đó có 2 kịch bản có thể xảy ra là: Thứ nhất, giúp GDP Việt Nam tăng thêm khoảng 1,8 điểm %/năm và CPI tăng thêm 0,2 điểm %/năm trong hai năm 2023 và 2024; Thứ hai, giúp GDP Việt Nam tăng trưởng thêm 0,8 điểm %, CPI tăng thêm 0,1 điểm % năm 2023 và 1,8 điểm % tăng trưởng, 0,5 điểm % CPI năm 2024”, nhóm chuyên gia phân tích.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng lo ngại, việc mở cửa trở lại của Trung Quốc có khả năng tạo ra một số tác động đối với tăng trưởng và lạm phát toàn cầu. Nhưng việc đánh giá tác động này rất phức tạp, bởi triển vọng về suy thoái toàn cầu và khả năng suy thoái được dự báo có thể xảy ra vào cuối năm nay hoặc sang năm 2024.
Có thể bạn quan tâm
05:17, 21/03/2023
15:41, 13/02/2023
03:30, 04/02/2023
12:00, 31/01/2023