Khó khăn bủa vây, Trung Quốc có làm nên chuyện ở BRICS?

TRƯỜNG ĐẶNG 23/08/2023 03:30

Dưới sự lãnh đạo của Trung Quốc, hội nghị BRICS lần này được kỳ vọng sẽ thổi một luồng gió mới vào tham vọng thay đổi trật tự thế giới do phương Tây thống trị.

Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm 2022 tổ chức dưới hình thức trực tuyến.

Luồng sinh khí đó đến từ khả năng mở rộng của BRICS trong hội nghị thượng đỉnh tổ chức ngày 24/8 sắp tới. Nhiều chuyên gia đồn đoán một loạt các nền kinh tế mới nổi của thế giới như Saudi Arabia hay Argentina sẽ sớm được kết nạp vào BRICS.

>>Ấn Độ tung loạt “vũ khí” để thoát phụ thuộc Trung Quốc

Mong muốn đó là có cơ sở khi khối BRICS cung cấp cho các nền kinh tế đang phát triển một lựa chọn khác ngoài các nguồn lực ngày càng suy giảm của Mỹ và phương Tây. Trong khi kinh tế thế giới khó khăn, Mỹ đã đánh mất hình ảnh đầu tàu của mình, với việc tăng lãi suất liên tục của FED khiến tình hình tài chính toàn cầu trở nên phức tạp hơn. 

Ông Rebecca Ray, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Chính sách Phát triển Toàn cầu của Đại học Boston, thừa nhận: “BRICS đã khai thác được nhu cầu mà những nơi khác không đáp ứng được”.

Thế nhưng, liệu Trung Quốc có thể thay thế Mỹ để thiết lập một trật tự thế giới mới song song hay không vẫn còn đang là một điều bỏ ngỏ, nhất là khi kinh tế Trung Quốc đang bị bủa vây bởi hàng loạt khó khăn nội tại.

Rào cản kinh tế

Khó khăn kinh tế chắc chắn sẽ khó lòng cản bước tham vọng chính trị của Trung Quốc trong việc củng cố sức mạnh của BRICS. Dù vậy, nó sẽ hạn chế phần nào các nguồn vốn hào phóng lâu nay vẫn là đặc trưng của dòng đầu tư Trung Quốc.

Trung Quốc vừa là nhà sáng lập, vừa là chủ đầu tư chủ yếu cho một loạt các sáng kiến trụ cột của BRICS như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB), ngân hàng BRICS hay Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) với số vốn cam kết tài trợ hàng trăm tỷ USD.

Thế nhưng, thực tế triển khai các nguồn vốn đó bị nghi ngờ khi chính phủ Trung Quốc đang “ngập đầu” với các khoản nợ công. Ngân hàng Goldman Sachs tính toán tổng nợ công của Bắc Kinh lên tới khoảng 23.000 tỷ USD – gần bằng GDP của cả nền kinh tế Mỹ. Sức ép thanh toán lãi vay đè nặng khiến chính phủ Trung Quốc thậm chí không còn nhiều dư địa để tung ra các gói cứu trợ cho nền kinh tế nội địa.

Bên cạnh đó, lợi ích kinh tế thực sự của việc tham gia BRICS cũng không rõ ràng. Theo các dữ liệu thương mại, quốc gia hưởng lợi nhất về kinh tế lại chính là Trung Quốc. Kim ngạch thương mại năm 2023 của Trung Quốc với các nước thành viên BRICS khác đã tăng 19,1% so với cùng kỳ năm ngoái, lên khoảng 330,62 tỷ USD.

Khó khăn kinh tế trong nước đang là rào cản lớn cho can dự ngoại giao của Bắc Kinh

Khó khăn kinh tế trong nước đang là rào cản lớn cho can dự ngoại giao của Bắc Kinh

Trong khi đó, Ấn Độ vẫn chứng kiến thâm hụt thương mại trầm trọng với Trung Quốc. Trong 117 tỷ USD kim ngạch hai chiều năm qua, Trung Quốc xuất khẩu tới 100 tỷ USD giá trị hàng hóa sang nước láng giềng.

Chưa kể, tham vọng dùng đồng NDT để thay thế USD khi giao dịch nội khối vẫn chưa có nhiều bước tiến. Nhiều chuyên gia thậm chí còn cho rằng việc dùng NDT của Trung Quốc chỉ là một giải pháp tạm thời nhằm giải quyết tình trạng thiếu USD và “lấy lòng” Bắc Kinh của một số nền kinh tế.

Thách thức chính trị

Một vấn đề tiềm ẩn rạn nứt khác là sự đồng thuận của các trụ cột về việc mở rộng BRICS. Theo các nhà nghiên cứu, sáng kiến kết nạp thêm thành viên BRICS là mong muốn của riêng Trung Quốc và phần nào là Nga, nhằm xây dựng một liên minh đủ mạnh đối đầu với Mỹ và Phương Tây với Trung Quốc là trung tâm.

Tuy nhiên, cách tiếp cận đó không được lòng Brazil và Ấn Độ, hai đầu tàu của phong trào không liên kết. Hai quốc gia này lâu nay coi BRICS là một câu lạc bộ của các nền kinh tế mới nổi thay vì biến nó thành một liên minh chính trị phức tạp.

Do đó, với Ấn Độ và Trung Quốc bất hòa, Nam Phi và Brazil bị kẹt giữa cuộc chơi ngoại giao và một nước Nga đang vướng bận cuộc chiến ở Ukraine, mâu thuẫn nội khối có nguy cơ lan rộng nếu BRICS có thêm các tiếng nói khác.

Ông Oliver Stuenkel, Giáo sư tại Trường Quan hệ Quốc tế ở Brazil, cho biết nhóm BRICS hiện đang ở một thời điểm thuận lợi, nhưng nếu có nhiều dự án tham vọng hơn, thì chắc chắn nó sẽ phơi bày sự khác biệt.

>> "Lỗ hổng" trần giá dầu giúp Nga kiếm lời hàng tỷ đô

Theo các chuyên gia, trong 10 năm phát triển vượt bậc, BRICS chưa phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế hay chính trị nào đáng kể. Do đó, đây là thời điểm thử thách tính bền vững của khối, khi đầu tàu Trung Quốc đang vật lộn với bất ổn kinh tế.

Có thể bạn quan tâm

  • Trở lực kinh tế Trung Quốc (Kỳ IX): Thất nghiệp giới trẻ tăng vọt, điều gì đang xảy ra?

    Trở lực kinh tế Trung Quốc (Kỳ IX): Thất nghiệp giới trẻ tăng vọt, điều gì đang xảy ra?

    03:20, 20/08/2023

  • Trở lực kinh tế Trung Quốc (Kỳ VII): Dòng vốn đầu tư nước ngoài

    Trở lực kinh tế Trung Quốc (Kỳ VII): Dòng vốn đầu tư nước ngoài "tháo chạy"

    04:00, 19/08/2023

  • Trở lực kinh tế Trung Quốc (Kỳ IV): Hé lộ lý do

    Trở lực kinh tế Trung Quốc (Kỳ IV): Hé lộ lý do "cỗ xe" kinh tế bị trục trặc

    03:15, 18/08/2023

  • Thế giới sẽ gánh hậu quả nào từ xung đột ở Niger?

    Thế giới sẽ gánh hậu quả nào từ xung đột ở Niger?

    04:00, 10/08/2023

TRƯỜNG ĐẶNG