Trung Quốc toan tính gì với tuyến đường sắt Trung Quốc-Kyrgyzstan-Uzbekistan?

CẨM ANH 31/08/2023 03:30

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường dự kiến sẽ có chuyến thăm chính thức Kyrgyzstan vào tháng 10 tới để thảo luận về việc xây dựng tuyến đường sắt Trung Quốc-Kyrgyzstan-Uzbekistan.

>>Tại sao Trung Quốc ngần ngại tung ra các gói cứu trợ kinh tế lớn?

Tuyến đường sắt quanh sa mạc ở Trung Quốc

Tuyến đường sắt quanh sa mạc ở Trung Quốc

Sau nhiều thập kỷ trì hoãn với những lo ngại rằng tuyến đường sắt có thể không bao giờ được xây dựng vì những lợi ích xung đột, ba chính phủ đã ký một thỏa thuận bên lề hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải vào tháng 9 năm ngoái.

Với những tiến bộ đáng kể đã đạt được, việc xây dựng tuyến đường sắt nói trên dự kiến sẽ bắt đầu trong năm nay. Điều này không chỉ định hình lại thương mại Á-Âu mà còn tạo ra những tác động lớn về kinh tế và địa chính trị trong khu vực.

Các chuyên gia cũng chỉ ra, dự án này cũng làm Moscow lo ngại về địa chính trị và kinh tế. Cụ thể, theo về mặt địa chính trị, Moscow từ lâu đã lo lắng rằng dự án có thể làm đảo lộn cán cân quyền lực hiện tại ở Trung Á, nơi đầu tư ngày càng tăng của Trung Quốc có thể khiến khu vực này phụ thuộc nhiều hơn vào quốc gia này.

Trong những năm gần đây, ngoài việc Trung Quốc liên tục nỗ lực xem xét lại dự án, Kyrgyzstan cũng bảy tỏ sự quan tâm đến việc hồi sinh dự án. Vào năm 2020, Tổng thống Kyrgyzstan khi đó là Sooronbay Jeenbekov đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các tuyến đường sắt đối với quốc gia này, trong đó tuyến đường sắt Trung Quốc-Kyrgyzstan-Uzbekistan có tầm quan trọng chiến lược nhất.

Trước khi xảy ra chiến sự Nga - Ukraine, tuyến đường đường bộ và đường sắt của Nga đóng vai trò là huyết mạch chính cho thương mại giữa Trung Quốc, các nước Trung Á và Liên minh châu Âu. Sau sự sụp đổ của Liên Xô, các quốc gia Trung Á không giáp biển được thừa hưởng mạng lưới đường sắt này và từ đó kết nối đến phần còn lại của thế giới.

Tuy nhiên, chiến sự Nga - Ukraine và các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây đối với Nga đã làm gián đoạn kết nối Á-Âu, khiến việc vận chuyển hàng hóa qua Nga không còn là một lựa chọn khả thi. Các bên bị ảnh hưởng đã tìm kiếm các tuyến đường thay thế, một trong số đó là tuyến đường sắt Trung Quốc-Kyrgyzstan-Uzbekistan. Như Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov đã nói vào năm 2022, Kyrgyzstan cần tuyến đường sắt này như nước.

>>Trung Quốc đã làm gì với sáng kiến BRI sau 10 năm?

tàu hỏa Trung Quốc. Nguồn: Xinhua

Tàu hỏa tại Trung Quốc. Nguồn: Xinhua

Với việc Uzbekistan, Kyrgyzstan và Trung Quốc thúc đẩy thực hiện dự án như một tuyến đường thay thế, Nga đã thay đổi lập trường lâu nay. Ông Japarov được cho là đã trực tiếp đề cập đến dự án này trong các cuộc đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể vào năm 2022 và được ông Putin chấp thuận.

Ngay sau khi có thông tin trên, Trung Quốc, Kyrgyzstan và Uzbekistan đã ký một thỏa thuận tái khẳng định cam kết xây dựng tuyến đường sắt và bắt đầu nghiên cứu tiền khả thi. Nghiên cứu được hoàn thành đúng thời điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-Trung Á vào tháng 5 năm nay.

Mặc dù tuyến đường chính thức chưa được tiết lộ, nhưng một đề xuất của ngành Đường sắt Quốc gia Kyrgyzstan cho thấy tuyến đường sắt ở Kyrgyzstan sẽ kết nối với Ga cuối Đường sắt Kashgar của Trung Quốc ở Tân Cương và mạng lưới đường sắt của Uzbekistan ở Andijan thông qua hành lang Torugart-Arpa-Makmal-Jalal-Abad.

Cuối cùng, chi phí ước tính khoảng 6 tỷ USD của dự án sẽ được chia đều giữa ba nước. Khi tuyến đường sắt dài 523km được hoàn thành, sẽ trở thành một phần của tuyến đường sắt chở hàng phía Nam giữa Trung Quốc và châu Âu, với các chuyến tàu đi qua Kyrgyzstan, Turkmenistan, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

Bà Genevieve Donnellon-May, Chuyên gia phân tích châu Á-Thái Bình Dương của kênh podcast The Red Line cho biết, có rất nhiều lợi ích từ dự án này như làm giảm đáng kể thời gian di chuyển, cũng như mang lại giải pháp thay thế cho tuyến Kazakhstan-Nga hiện tại. Từ Uzbekistan, tuyến đường sắt có thể kết nối với tuyến đường sắt Uzbekistan-Turkmenistan đến cảng Turkmenbashi trên Biển Caspian hoặc đến cảng ở Baku, Azerbaijan và đến các thị trường ở Georgia, Thổ Nhĩ Kỳ và thậm chí tới các quốc gia Biển Đen như Bulgaria.

Ngoài ra, tuyến đường sắt này có tiềm năng đáng kể cho cả Kyrgyzstan và Uzbekistan, đồng thời tạo ra mạng lưới hậu cần chiến lược Á-Âu mới dọc theo tuyến đường của Sáng kiến Vành đai và Con đường, góp phần tăng giao thương giữa hai quốc gia này với các nước Trung Á khác.

"Tuyến đường sắt mang lại cho Bắc Kinh nhiều lợi thế. Ngoài việc mang lại cho Trung Quốc một tuyến đường thay thế vào Trung Á, tuyến đường sắt này sẽ giúp Trung Quốc giảm sự phụ thuộc vào việc quá cảnh qua Nga. Từ góc độ địa chính trị, tuyến đường sắt phù hợp với các mục tiêu chính sách đối ngoại rộng lớn hơn của Trung Quốc nhằm tăng cường kết nối và hợp tác kinh tế trên khắp Á-Âu", bà enevieve Donnellon-May cho biết.

Trong bối cảnh môi trường địa chính trị ngày càng rạn nứt và phức tạp, Bắc Kinh đang tiếp tục đa dạng hóa các tuyến cung cấp và đối tác thương mại. Để đạt được mục tiêu này, dự án đường sắt là một bước nữa trong sự hợp tác mạnh mẽ hơn với Uzbekistan và Kyrgyzstan, đồng thời mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Trung Á.

Có thể bạn quan tâm

  • Tại sao Trung Quốc ngần ngại tung ra các gói cứu trợ kinh tế lớn?

    Tại sao Trung Quốc ngần ngại tung ra các gói cứu trợ kinh tế lớn?

    04:03, 30/08/2023

  • Trung Quốc đã làm gì với sáng kiến BRI sau 10 năm?

    Trung Quốc đã làm gì với sáng kiến BRI sau 10 năm?

    04:30, 29/08/2023

  • Bộ trưởng Thương mại Mỹ

    Bộ trưởng Thương mại Mỹ "ra tay" hoá giải xung đột với Trung Quốc

    03:30, 29/08/2023

  • Kinh tế Trung Quốc: Bất ổn trái phiếu địa ốc và nguy cơ giảm phát

    Kinh tế Trung Quốc: Bất ổn trái phiếu địa ốc và nguy cơ giảm phát

    05:00, 27/08/2023

  • Trở lực kinh tế Trung Quốc (Kỳ XV):

    Trở lực kinh tế Trung Quốc (Kỳ XV): "Bài kiểm tra" tham vọng hùng cường

    04:00, 27/08/2023

CẨM ANH