Vì sao viện trợ Ukraine bị gạt khỏi dự luật ngân sách Mỹ?
Chính phủ Mỹ thoát đóng cửa trong cuộc bỏ phiếu vào cuối tuần qua nhưng viện trợ Ukraine bị gạt khỏi dự luật ngắn hạn này.
Cuối tuần qua, chính phủ Mỹ suýt chút nữa rơi vào tình trạng đóng cửa. Vài giờ đồng hồ trước khi dự luật chi tiêu cũ hết hiệu lực, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật chi tiêu mới vào tối ngày 30/9 nhằm ngăn chặn việc chính phủ đóng cửa để tránh có thể gây ra hiệu ứng “domino” tai hại đối với công chúng và nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Dự luật, nếu được Tổng thống Joe Biden ký thành luật, sẽ cho phép chính phủ hoạt động trong 45 ngày tiếp theo, giúp Hạ viện và Thượng viện có thêm thời gian để hoàn thành luật ngân sách của họ.
Đáng nói, Dự luật ngắn hạn dài 71 trang do Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đề xuất, phân bổ quỹ cứu trợ thiên tai, nhưng không bao gồm hỗ trợ tài chính mới cho cuộc chiến đang diễn ra của Ukraine với Nga.
Kể từ khi bắt đầu chiến sự Nga - Ukraine, Mỹ đã tung ra gói viện trợ 110 tỷ USD cho Kiev, trở thành nhà tài trợ chính cho Ukraine. Nhưng công việc giải ngân ngày càng khó khăn do làn sóng phản ứng từ đảng đối lập.
Hãng tin ABC News ngày 25/9 công bố khảo sát cho thấy 41% người được hỏi nói Mỹ đang làm quá nhiều cho Ukraine, diễn biến theo chiều hướng tăng so với 33% trong tháng 2/2023 và 14% vào tháng 4/2022.
Ngày 21/9, Tổng thống Ukraine Zelensky có chuyến thăm Mỹ và phát biểu tại Đại hội đồng LHQ để thuyết phục Nhà trắng tăng viện trợ thêm 24 tỷ USD. Nhưng Chủ tịch Hạ viện Mỹ từ chối tổ chức cuộc họp lưỡng viện để ông Zelensky có thể thuyết trình về khoản tiền khổng lồ này.
Hiện nay, 91% ngân sách được duyệt cho Ukraine đã giải ngân, tuy nhiên làn sóng phản ứng ngày càng tăng trong dư luận và sự hoài nghi trong giới dân biểu càng khiến khả năng các gói bổ sung thêm mơ hồ.
Thượng nghị sĩ Josh Hawley cũng nói rằng: “quá mệt mỏi với các yêu cầu bổ sung ngân sách viện trợ từ Nhà Trắng. Đó không phải là tiền của chúng tôi. Đó là tiền của người dân Mỹ”.
Nếu không được nhận thêm viện trợ, kế hoạch phản công của Ukraine càng khó thành công, trong bối cảnh Bộ Tài chính nước này cần 100 triệu mỗi ngày đài thọ chi phí chiến tranh.
Vấn đề quan trọng hơn - từ trước tới nay Washington luôn đi đầu trong viện trợ Ukraine, với sự thay đổi quan điểm lần này sẽ ảnh hưởng không ít đến quyết tâm của châu Âu - vốn đã có dấu hiệu chia rẽ, bất đồng và trì hoãn trong thời gian gần đây.
Vậy đâu là lý do thực sự? Đầu tiên, việc đặt vấn đề với chương trình nghị sự của đảng cầm quyền là “nhiệm vụ” thường xuyên của phe chính trị đối lập tại Mỹ trước thềm các cuộc bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ mới.
Đảng Cộng hòa căn cứ vào “con số khảo sát biết nói” từ dư luận, được hậu thuẫn bởi tình hình kinh tế khó khăn, công cuộc chống lạm phát còn nan giải. Theo thống kê mới đây, ngân sách dành cho Ukraine vượt xa so với phân bổ cho một số cơ quan trong nước.
Ví dụ, tính đến cuối tháng 7, Mỹ cấp cho Ukraine 80 tỷ USD gần tương đương ngân sách Cơ quan quản lý khẩn cấp liên bang; gấp 8 lần so với Cục an ninh vận tải, Cơ quan di trú và Hải quan Mỹ; nhiều hơn 2 lần so với NASA và lực lượng biên phòng Mỹ.
Về tác động từ bên ngoài, ngày càng có nhiều quan điểm cho rằng, chiến sự Nga - Ukraine khó kết thúc, Ukraine trở thành nơi “đốt tiền” khủng khiếp; công cuộc phản công gần đây của quân đội Tổng thống Zelensky bị đình trệ.
Có thể bạn quan tâm
Viện trợ Ukraine đối mặt "cơn gió ngược" ở phương Tây
03:30, 22/09/2023
EU đối mặt thách thức lớn vì Ukraine
03:00, 30/09/2023
Vì sao Ukraine "làm căng” với Ba Lan?
03:00, 28/09/2023
“Phép màu” nào giúp kinh tế Ukraine chưa sụp đổ?
03:30, 25/09/2023
Ukraine mất lòng đồng minh, kế sách của ông Putin hiệu nghiệm!
03:00, 23/09/2023